Ðức Phổ làm giàu từ nghề biển

03/12/2005
Huyện Ðức Phổ (Quảng Ngãi) là huyện có nghề biển phát triển nhất tỉnh, với sản lượng khai thác đánh bắt mỗi năm gần 40 nghìn tấn hải sản, chiếm gần một phần hai sản lượng toàn tỉnh. Kinh tế biển đã góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho hàng chục nghìn dân sinh sống ven biển.

Đức Phổ có bờ biển dài 40 km cùng 11 km2 vùng biển với hai cửa biển lớn là Sa Huỳnh và Mỹ Á. Trong tổng số 6/15 xã, thị trấn làm nghề biển ở Ðức Phổ thì Phổ Thạch là xã có nghề khai thác đánh bắt lớn nhất huyện. Toàn xã có gần 500 tàu thuyền các loại với tổng công suất gần 60 nghìn CV, trong đó có hơn 200 tàu công suất từ 90 đến 450 CV. Năm 2004, ngư dân trong xã khai thác đánh bắt hơn 17 nghìn tấn hải sản các loại. Hầu hết các phương tiện tàu thuyền đều được trang bị máy bộ đàm, máy dò cá, máy định vị, điện thoại tầm xa, phao cứu sinh... để nâng cao hiệu quả đánh bắt và bảo đảm an toàn sản xuất trên biển. Bằng nguồn vốn của tỉnh và trung ương, trong những năm qua đã có gần 60 tỷ đồng được đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nghề biển ở xã như công trình thông luồng cảng cá Sa Huỳnh (giai đoạn 1), kè chắn sóng và chống xói lở Sa Huỳnh, công trình đèn biển Sa Huỳnh.

 

Chúng tôi đến thăm HTX Viễn Ðông, một cơ sở chuyên đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và các dịch vụ nghề biển của xã. Phó Chủ nhiệm HTX Phạm Hiển giới thiệu: HTX được thành lập năm 2001, hiện có gần 20 xã viên với 300 lao động. Mỗi năm HTX đóng được 20 tàu công suất 90 - 450 CV và sửa chữa 150 tàu các loại. Khi chưa có HTX nhân dân trong xã muốn đóng mới hoặc sửa chữa tàu thuyền phải đi xa tốn nhiều thời gian, công sức, nay có cơ sở ngay tại xã, nhân dân mừng lắm... Anh Võ Tạo, ở thôn Thạch Ðức 2 không giấu nổi vui mừng khi hai con tàu đóng mới của anh trị giá 1,2 tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn tất khâu cuối cùng. Anh cho biết: Gia đình tôi theo nghề biển đến nay đã qua bốn đời. Trước đây, do điều kiện khó khăn, gia đình chỉ sắm được những chiếc tàu công suất nhỏ đánh bắt gần bờ không có hiệu quả. Từ ngày có chủ trương đổi mới của Ðảng, công việc làm ăn thuận lợi, gia đình cũng khấm khá dần lên. Bây giờ gia đình anh có 16 chiếc tàu công suất hơn 100 CV trở lên, mỗi năm đánh bắt hơn 100 tấn hải sản các loại, trong đó chủ yếu là mực xuất khẩu. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu 400 - 500 triệu đồng.

 

- Mỗi chiếc tàu hiện nay trị giá bao nhiêu? Tôi hỏi.

 

- Nếu tính cả trang thiết bị thì giá mỗi tàu từ 600 triệu đến hơn một tỷ đồng. Tôi nhẩm tính chỉ riêng 16 chiếc tàu thôi, thì gia đình anh có khối tài sản hơn 10 tỷ đồng.

 

Nói đến nghề đi biển, nhân dân Phổ Thạnh thường nhắc đến anh Trần Văn Lưu ở thôn Thạch Bi 1 như một "chuyên gia" nghề biển, bởi anh không chỉ thông thạo ngư trường, luồng lạch mà còn là thợ máy, một tài công xuất sắc. Ngoài 40 tuổi nhưng anh đã có gần 30 năm trong nghề, từ nấu ăn, làm bạn (phụ), rồi trở thành thuyền viên, tài công và bây giờ là ông chủ của một đôi tàu công suất hơn 300 CV trị giá hơn hai tỷ đồng. Nhờ nghề biển mà cuộc đời anh đổi thay, từ một ngư dân nghèo bây giờ có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang với nhiều tiện nghi đắt tiền.

Không có điều kiện khai thác, đánh bắt, anh Lê Thanh Tân ở Phổ Quang chọn hướng làm giàu bằng việc nuôi tôm trên cát. Theo anh đây là nghề có thu nhập cao, nhưng cũng đầy rủi ro. Song nếu biết cách chăm sóc, nhất là vệ sinh môi trường và chọn con giống bảo đảm chất lượng thì sẽ hạn chế rất nhiều. Từ năm 2001 đến nay, anh thả chín vụ trên diện tích một ha, nhưng chưa bị lỗ. Năm lãi ít được 30 triệu đồng. Năm nhiều thu 700 triệu đồng (sau khi trừ chi phí như thức ăn, tôm giống, nhân công, hóa chất... còn lãi 300 triệu đồng).

 

Ðiều đáng mừng là các phương tiện đánh bắt thủy sản của huyện Ðức Phổ không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng. Số tàu có công suất nhỏ, hiệu quả kém đã được bán dần để thay thế các tàu công suất lớn. Hiện nay, phần lớn tàu thuyền của ngư dân trong huyện đều được trang bị phương tiện hiện đại phục vụ đánh bắt xa bờ và bảo đảm an toàn trên biển.

 

Không chỉ phát triển mạnh nghề khai thác đánh bắt hải sản trên biển, nghề nuôi trồng thủy sản cũng được huyện hết sức quan tâm. Từ bốn, năm chục ha trước đây, đến nay toàn huyện đã có gần 300 ha diện tích nuôi tôm sú cho sản lượng mỗi năm 465 tấn. Riêng diện tích nuôi tôm trên cát có 46,6 ha, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2003. Ðể tạo điều kiện cho nghề biển phát triển, huyện đã triển khai các dự án dịch vụ hậu cần nghề cá tại Sa Huỳnh (Phổ Thạnh) với số tiền gần 40 tỷ đồng; đồng thời triển khai xây dựng khu trú bão tàu thuyền ở Sa Huỳnh cho 300 tàu neo đậu với số tiền hơn 40 tỷ đồng.

 

Công tác lập quy hoạch tổng thể cũng như quy hoạch chi tiết chậm được triển khai nên nhân dân tự phát lấn chiếm lòng sông để xây dựng hồ nuôi, gây cản trở dòng chảy ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, ô nhiễm môi trường. Việc quản lý con giống cũng đang gặp khó khăn do cán bộ kỹ thuật cũng như trang thiết bị phục vụ việc kiểm tra vừa thiếu vừa yếu nên phần lớn tốm giống cung cấp cho người nuôi tôm không được kiểm dịch. Riêng vụ 1 - 2005 có 20 ha diện tích tôm sú đưa vào sử dụng đã có 70% bị dịch bệnh do con giống không bảo đảm chất lượng.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video