Đảm đang - phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam

07/08/2011
Từ cơ sở nền tảng hình thành và phát triển các phẩm chất đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, chúng ta thật dễ nhận thấy vì sao đảm đang là phẩm chất đạo đức hàng đầu của họ.

Chính vai trò của người phụ nữ trong gia đình, xã hội buộc người phụ nữ phải đảm đang gánh vác công việc gia đình và công việc xã hội với đầy đủ lòng tự trọng và ý thức trách nhiệm, từ đó đã tạo nên một phảm chất đạo đức truyền thống vẻ vang.

Giá trị nội hàm nổi bật của phẩm chất đạo đức truyền thống đảm đang của phụ nữ Việt Nam là gánh vác công việc gia đình và gánh vác công việc xã hội, công việc của cộng đồng. Có quan niệm cho rằng, trong xã hội truyền thống, địa vị xã hội của người phụ nữ không được đề cao nên họ chỉ lo công việc gia đình, họ tộc mà thôi. Điều đó hoàn toàn không đúng với thực tiễn của lịch sử Việt Nam, bởi từ xã hội cổ truyền cho đến ngày nay, ở mức độ khác nhau, phụ nữ Việt Nam đều tham gia vào hầu hết các công việc của gia đình và xã hội. Hơn nữa, nếu đặt trong mối quan hệ giữa gia đình và xã hội, thì đảm đang công việc gia đình cũng là một trách nhiệm xã hội quan trọng mà đôi khi xã hội còn chưa nhận thức đánh giá được đầy đủ.

Phẩm chất đạo đức truyền thống đảm đang trong gia đình và xã hội của người phụ nữ Việt Nam là cơ sở tạo nên những truyền thống cao đẹp khác: truyền thống cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong cuộc sống; truyền thống anh hùng, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm; truyền thống sáng tạo và giữ gìn văn hóa dân tộc...

Đảm đang trong gia đình

Trong gia đình, người phụ nữ đảm đang nuôi dạy con cái. Vai trò làm mẹ của người phụ nữ không chỉ ở việc thực hiện chức năng sinh sản “mang nặng đẻ đau” mà còn chủ yếu trong việc nuôi dạy con cái. Ngay từ giây phút bắt đầu hình thành trong bụng mẹ, những bào thai đã gắn kết chặt chẽ với mẹ, đã sống bằng sự nuôi dưỡng của mẹ. Khi mới chào đời, đứa trẻ có quan hệ đầu tiên với xã hội chính là quan hệ với người Mẹ. Mẹ là mẫu hình đầu tiên (và suốt đời) đứa trẻ tiếp nhận và noi theo. Mẹ là người thầy đầu tiên dạy con làm người, trực tiếp trao truyền văn hóa cho con nâng giấc chăm bẵm cho con lớn khôn, cùng với người cha và những thành viên khác rèn cặp con theo nền nếp gia đình. Từng bước chân của con trên đường đời đều có mẹ theo sát nâng đỡ, bảo ban, dạy dỗ đúng sai, phải trái, trao cho con cái đạo làm người: “Ở sao có đức có nhân, mới mong đời trị được ăn lộc trời”. Người mẹ còn gieo vào tâm hồn con một tình yêu rộng lớn của gia đình Việt Nam, trách nhiệm và nghĩa vụ trước gia đình, quê hương và Tổ quốc.

Bao cực nhọc lo toan vất vả cho gia đình, cho con cái, luôn chất lên đôi vai gầy mảnh mai, nhưng bền bỉ, dẻo dai của người mẹ “cá chuối đắm đuối vì con”. Suốt đời, người mẹ Việt Nam đã tần tảo vì gia đình, dù vất vả gian truân đến đâu cũng không kêu ca, phàn nàn để mong cho con cái trưởng thành là mãn nguyện:

Mẹ nuôi con bấy lâu rồi,

Mong con khôn lớn thành người mới nghe.

Trong quá trình dạy dỗ, dưỡng dục con cái, người mẹ tự hoàn thiện chính mình, tu dưỡng tâm tính, tích nhân tích thiện, ăn ở có nghĩa có tình, hy vọng để lại Đức cho con. Như nhà văn hóa lớn của dân tộc Nguyễn Trãi tâm niệm: “Mạc nhi chủng phúc lưu tâm địa” (trồng vườn phúc ở trong lòng để lại cho con). “Con nhờ đức mẹ”,“phúc đức tại Mẫu”là quan niệm cổ truyền của nhân dân ta. Biết bao bà mẹ chú ý làm việc thiện, giữ gìn tư cách thanh cao, tuân thủ nền nếp gia đình nghiêm cẩn, vừa để làm gương cho con “Cây xanh thì lá cũng xanh, cha mẹ hiền lành để đức cho con” (Ca dao), vừa mong ở hiền gặp lành, vừa mong các bậc tổ tiên chứng giám cho mình mà che chở cho con cái gặp nhiều may mắn.

Trong lịch sử văn hóa gia đình Việt Nam có dòng họ “800 năm khoa bảng hiếu trung” (dòng họ Nguyễn ở Kim Đôi, Quế Võ, Bắc Ninh) gia phả đã ghi lại công đức của 5 bà tổ Mẫu đã nuôi dạy con cháu nên người. Thế kỷ XV, Trạng nguyên Lương Thế Vinh soạn thành văn bia có đoạn: “Ôi ở nơi đây, tôi Lương Thế Vinh thấy được điều đáng mừng do tích thiện mà có chắc là còn được lâu đời noi theo”

Đạo nghĩa vợ chồng là mối quan hệ cơ bản để bảo vệ hạnh phúc lứa đôi và sự tồn tại bền vững của gia đình. Trong cuộc sống, người phụ nữ không chỉ đem lại sự cân bằng tâm, sinh lý , mà còn là chỗ dựa tình cảm, là nguồn động viên khích lệ tinh thần, chung lưng đấu cật, san sẻ nổi khó khăn và niềm hạnh phúc với chồng. Người phụ nữ trong gia đình là người bạn đời của chồng, người cùng chồng thực hiện tất cả các chức năng của gia đình.

Trong xã hội cổ truyền, sau khi lấy vợ, người đàn ông được cha mẹ cho ra ở riêng, bắt đầu tạo lập một gia đình mới “kiến giả nhất phận” thường xuất hiện sự hẫng hụt tâm lý và người nâng đỡ anh ta không ai khác là người vợ.

Phần lớn quan hệ vợ chồng trong các gia đình Việt Nam (chủ yếu là người Việt) trước đây, tình yêu không đến trước hôn nhân. Các cặp trai gái nên vợ nên chồng là do sự sắp đặt của cha mẹ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Mọi người đều an phận và coi đó là đức hạnh. Dần dần trong cuộc sống chung, cùng san sẻ trách nhiệm, nhường nhịn lẫn nhau rồi yêu thương nhau. Theo quan niệm truyền thống và tập quán, người vợ phải là người có tình thương, có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, củng cố tình cảm, đạo nghĩa vợ chồng. Với cương vị là người vợ, phụ nữ cũng là người tinh tế, nhạy cảm, giữ gìn và vun đắp tình yêu vợ chồng. “Chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười hớn hở rằng: anh giận gì?”. Sự thông minh của người phụ nữ Việt Nam trong quan hệ vợ chồng là hướng tới sự hoà thuận: “Thuận vợ thuận chồng biển Đông tát cạn”, đó cũng là cứu cánh của hạnh phúc gia đình.

Trong cuộc sống vật chất của gia đình, người phụ nữ đóng góp biết bao sức lực từ công việc đồng áng, chợ búa đến công việc không tên trong gia đình, vất vả gian lao chỉ vì chồng:

Thương chồng nên phải gắng công,

Nào ai xương sắt, da đồng chi đây”(Ca dao)

Sự thành đạt của người chồng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa cử, đỗ đạt đều có sự đóng góp của người vợ:

Quan tiền dài em xẻ làm đôi

Nửa nua sách bút, nửa nuôi mẹ già”

Hoặc

Em là con gái Phụng Thiên,

Bán rau mua bút, mua nghiên cho chồng.

Một quan là sáu trăm đồng,

Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi”(Ca dao)

Làm đẹp, làm sang cho chồng cũng là thái độ ứng xử văn hóa của người phụ nữ đối với người chồng. Gia đình Việt Nam xưa luôn luôn “hiếu” khách, trọng khách. Để giữ gìn quan hệ xã hội của chồng, người phụ nữ không chỉ ân cần, niềm nở mà còn chu đáo trong việc tiếp đãi khách:

Làm cơm đãi khách ở nhà,

Là cơm dành để chồng ta ăn đường”(Ca dao)

Tục ngữ Việt Nam xưa có câu “giàu vì bạn, sang vì vợ”, lối hành xử ấy của người vợ không chỉ nết na mà còn rất thông minh, tinh tế, đối ngoại “đẹp” là để đối nội “tốt” trong quan hệ vợ chồng.

Người phụ nữ Việt Nam cũng được biết đến vói sự đảm đang lo toan cho gia đình chồng. Gia đình hạt nhân trong xã hội cổ truyền không tách rời gia đình mở rộng, gia đình lớn, nên đối với người phụ nữ, vai trò làm vợ còn đồng nghĩa với vai trò làm dâu trong gia đình. Trong điều kiện đất nước có ngọai xâm, người chồng xông pha nơi trận mạc, người vợ ở nhà thay chồng lo toan công việc gia đình, nuôi dạy con cái

“ Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam

Dạy con đèn sách, thiếp làm phụ thân”

( Chinh phụ ngâm)

Trong gia đình Việt Nam, người con dâu có vị thế hết sức quan trọng, nên cha ông ta cho rằng: “Chọn được con dâu sâu con mắt”, “Con gái là con người ta, con dâu mới thật (con) mẹ cha mua về”. Họ là cầu nối giữa các thế hệ trong gia đình: cha mẹ chồng với chồng và với các con cái củamình theo quan hệ chiều dọc. Đồng thời cũng là gạch nối giữa anh em, họ hàng của chồng với chồng và gia đình mình theo quan hệ chiều ngang, nên nhiều gia đình sợ gặp phải “dâu dữ mất họ”. Vì vậy, với vai trò trung tâm tình cảm gia đình, người phụ nữ đối với cha mẹ chồng phải hiếu thảo, tôn kính, đối với anh chị em chồng phải nhường nhịn, hòa đồng… Khi con gái đi lấy chồng, cha mẹ dặn dò: “Cố gắng kính cẩn, sớm tối không được trái đạo làm dâu, làm vợ.”.

Người phụ nữ còn là người làm cân bằng tình cảm trong các mối quan hệ gia đình họ tộc, trở thành nhân tố có vai trò quyết định tạo nên tổ ấm gia đình “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Tham gia lao động cùng gia đình, biết tính toán, điều tiết chi tiêu để mỗi khi có công kia, việc nọ không bị lúng túng, không phải nợ nần là nhiệm vụ của người phụ nữ, họ được xem là “nội tướng” trong gia đình. Do vậy, khi người con trai cưới vợ, cha mẹ truyền dạy: “Đi đón nội tướng của con để gánh vác việc tôn đường ta, cùng bảo nhau giữ chữ kính nối mãi việc nhà”[1]. Nhà nghiên cứu Từ Chi và hai học giả Pháp là M.Durand và P.Huard đã đưa ra công thức nổi tiếng về gia đình người Việt: người chồng “trị vì”, người vợ “cai quản”. Vai trò “cai quản” – đảm đang của người phụ nữ còn được thể hiện trong hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của gia đình.

Nói về vai trò của người phụ nữ Việt Nam, một nhà nghiên cứu phương Tây khác là A.Pazzi đã viết: “Xét trong văn học bình dân, ta thấy người phụ nữ Việt Nam, mặc dầu khổ cực nhưng rất được yêu quý, nể vì, không như phụ nữ bình dân nhiều nước phương Tây chịu sự đối đãi thô lỗ, nhiều khi quá sức chênh lệch với người đàn ông… Phần nhiều đàn bà có một ngôi vị quan trọng, nhiều khi quyết định ở trong gia đình. Bởi lẽ người đàn bà ấy nắm hết cơ sở vật chất, quản trị trong nhà, giữ mối liên lạc với họ hàng bà con, thấy rõ trọng trách của gia đình mình với làng nước”[2].

Bên cạnh đó, khi chưa về nhà chồng người con gái cũng là chổ dựa rất quan trọng của gia đình mình. Vì vậy mà dân gian ta vẫn thường truyền tụng câu ca: “Ruộng sâu, trâu nái, không bằng con gái đầu lòng”.

và ngoài xã hội

Trong sản xuất nông nghiệp, người phụ nữ tham gia và làm tròn tất cả các khâu: cày, bừa, gieo, cấy, chăm bón, thu hoạch, đến hong phơi, cất giữ các nông sản sao cho không bị hư hỏng. Rồi căn cơ tính toán, để quanh năm, nhất tháng ba, tháng tám giáp hạt, chồng con, gia đình vẫn có đồ ăn, thức uống. Đồng thời, người phụ nữ cũng hợp tác chặt chẽ với người đàn ông trong các khâu chính của nền sản xuất. Hình ảnh thường thấy của nông thôn Việt Nam cổ truyền là:

Trên dồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa;

Cùng với nghề nông, phụ nữ còn giỏi các nghềtrồng dâu, chăn tằm, dệt vải. Sách Hán thư viết: “Con gái Lạc Việt trồng dâu, chăn tằm, dệt cửi”. Lúc này những nơi khác ở Viễn đông chỉ nuôi một năm 1,2 lứa tằm thì năng xuất nuôi tằm của phụ nữ Việt Nam từ Phong Châu (Sơn Tây cũ) đến Lâm Ấp (Quảng Nam) đã đạt tới con số kỷ lục toàn thế giới: một năm tám lứa. (Dẫn theo cố GS Trần Quốc Vượng)

Về tài dệt lụa, thì người nước ngoài đến Việt Nam thế kỷ XVII thường nói: “Muốn biết người Việt Nam khéo tay thế nào, cứ sờ vào tấm lụa mịn màng của họ thì biết”.Dân gian Việt Nam ghi nhận:

Lụa Làng Trúc vừa thanh vừa bóng

May áo chàng vừa xống áo em.

Làm giấy cũng là nghề mà phụ nữ Việt Nam xưa gánh vác:

Người ta buôn vạn bán ngàn

Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi

Dám xin Nho sĩ chớ cười,

Vì em làm giấy cho người đề thơ

Phụ nữ Việt Nam còn là những cô gái đảm trên các vùng đất trồng hoa. Hà Nội xưa có câu:

Con gái ở trại làng hoa,

Ăn cơm nửa bữa, ngủ nhà nửa đêm;

Buôn bán, nhất là buôn bán nhỏ dưới xã hội cũ cũng chủ yếu là phụ nữ.

Cô em buôn chỉ bán tơ,

Buôn ngọn sông Bờ, buôn cuối sông thao

Ông Ba – râu (Jonh Barrow) hội viên hội Hoàng gia Anh đến Đàng Trong thế kỷ XVIII, khi về đã viết trong một bản báo cáo về người phụ nữ Việt Nam như sau: “Người phụ nữ ở đây rất hoạt động, họ trông coi việc làm nhà, chỉ đạo là gốm, chèo thuyền, mang hàng ra chợ bán, bật bông, kéo sợi, dệt vải, may vá quần áo…Hầu hết đinh tráng phải đi lính. Đa phần công việc là do phụ nữ làm….” (Dẫn theo cố GS Trần Quốc Vượng).

Khi xã hội phong kiến không đề cao địa vị xã hội của phụ nữ, tưởng chừng như một nghịch lý khi nói phụ nữ Việt Nam có sự tham gia vào việc quản lý đất nước. Dường như vai trò của phụ nữ trong việc quản lý đất nước, xây dựng chế độ chỉ được công nhận và được đặt ra khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng và khi Nhà nước Cộng hòa dân chủ Việt Nam ra đời từ năm 1945 đến nay. Song lịch sử đã ghi nhận nhiều tấm gương và năng lực của phụ nữ đã tham gia chính sự thể hiện tài năng của phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý xã hội như Nguyên phi Ỷ Lan thời Lý.

Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi nhận: “Mùa xuân, tháng 2 (năm 1069) vua (Lý Thánh Tông) thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và 5 vạn người. Trận này vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến đất châu Cự Liên, nghe tin Nguyên phi (Ỷ Lan) giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa hòa hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là Quan Âm, vua nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng làm được gì hay sao!”. Bèn quay lại đánh nữa, thắng được.”

Lịch sử cũng lưu truyền trường hợp bà Bích Châu - Chế Thắng phu nhân, cung phi của vua Trần Dụ Tông (1372-1377): “Đau lòng trước đời sống khổ cực của nhân dân và triều chính rối ren, bà đã dâng lên vua một bức sớ gồm mười điều để bình trị thiên hạ, gọi là Kê minh thập sách.

Nội dung:

“Một là, nănggiữ cội gốc của nước, trừ hà bạo thì lòng người yên vui.

Hai là, giữ nếp cũ, bỏ phiền nhiễu thì kỷ cương không rối.

Ba là, nén chặt kẻ quyền thần để ngăn ngừa chính sự mục nát.

Bốn là, thải bớt những kẻ nhũng lạm để trừ tệ khoét đục của dân.

Năm là, xin cổ động Nho phong, khiến cho lửa bó đuốc với ánh mặt trời cùng soi sáng.

Sáu là, tìm những lời trực gián để đường ngôn luận được rộng mở như cửa thành.

Bảy là, cách kén quân nên chú trọng vào dũng lực hơn là cao lớn.

Tám là, chọn tướng nên cầu người thao lược mà không căn cứ vào thế gia.

Chín là, khí giới quý hồ bền chắc, không chuộng hình thức.

Mười là, trận pháp cốt cho chỉnh tề, cần chi điệu múa.

Mười điều kể trên rất là thiết thực, phơi bày tấm lòng trung, mong được bề trên soi xét. Hay tất làm, dở tất bỏ, quân vương nghĩ đến chăng? Nước được thịnh trị, dân được yên, thiếp mong lắm vậy.”.

Vua xem xong, vỗ vào phách cây đàn mà khen rằng: “Không ngờ một nữ tử lại thông tuệ đến thế” nhưng lại không dám đem thi hành.

Chính bà đã cùng các quan đại thần khuyên can nhà vua không nên gây chiến tranh: “Vua không nên lấy giận riêng mà khởi binh, tướng không nên cầu công mà đánh bậy.” Lúc đó, nội trị chưa yên, dân binh khốn khó nên tờ biểu của Bích Châu viết rằng: “Trị đạo: trước gốc, sau ngọn, xin nghỉ binh cho dân chúng yên hàn; trị rắn dùng mềm, dùng người xa lấy đức… Đó thật là thượng sách, xin xét đoán cho minh”.

Đảm bảo cho sự hòa hợp giữa các tộc người trong quá trình lịch sử hình thành dân tộc quốc gia, nhiều phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp đáng được ghi nhận. Sự đảm đang của họ còn được thể hiện qua văn chương, nghệ thuật nhằm tố cáo, lên án chiến tranh, bảo vệ quyền sống, quyền được hạnh phúc của con người như nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Lê Ngọc Hân…

Bậc nữ lưu tân tiến những năm đầu thế kỷ XX của Việt Nam là Đạm Phương Nữ sử (1881-1947) - người phụ nữ tên thật là Công Nữ Đồng Canh, con gái của Nguyễn Miên Triện (tức Hoằng Hóa Quận vương, con trai thứ 66 của vua Minh Mạng). Là dòng dõi con cháu vua chúa, Đạm Phương nữ sử được dưỡng dục, học hành nghiêm túc, được ra vào cung đình học cầm kỳ, thi, họa... Mặc dù vậy, tất cả những gì đời sau biết về Bà, những gì làm Bà trở thành người phụ nữ xuất sắc, nổi tiếng đều không phải vì Bà xuất thân từ một gia đình dòng dõi quyền quý, mà ở những đóng góp xuất sắc của Bà trên cả hai phương diện xã hội và gia đình.

Ở phương diện xã hội, có thể nói, Đạm Phương nữ sử đã nêu một tấm gương về việc học và quan trọng hơn là dùng vốn kiến học được để đóng góp cho đời.

Cái tên Đạm Phương đã được gắn với các tài danh: nhà thơ; nhà báo; nhà văn; nhà hoạt động xã hội tân tiến với việc đi tiên phong đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ; người thành lập và lãnh đạo tổ chức Nữ công học Hội; tâm huyết và cống hiến của Bà cho vấn đề giáo dục phụ nữ, trẻ em… Bà trở thành một nữ trí thức yêu nước, có uy tín lớn trong xã hội, có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, đặc biệt trong giới nữ suốt nửa đầu thế kỷ XX. Trong bài “Nữ sĩ, nhà báo Đạm Phương và những điều mới biết”, tác Thế Thanh đã viết:

“Điều có vẻ như kỳ lạ là, trong một loạt những công việc không đơn giản ấy đối với phụ nữ nước ta ở đầu thế kỷ 20, bỗng nổi bật lên một Đồng Canh công nương năng nổ tháo vát của hoàng tộc Nguyễn - một Đạm Phương nữ sĩ sáng chói cả về lòng yêu nước và đầu óc cách mạng, cả về khả năng tổ chức và bút lực trên văn đàn, cả về nghị lực hành động và nguồn lực tư tưởng.”[3]

Ở phương diện gia đình, chúng ta cảm phục Bà, vì từ một tiểu thư đài các, được bao bọc trong danh gia vọng tộc, đã bước qua những định kiến nặng nề của xã hội phong kiến đương thời, làm tròn bổn phận của người phụ nữ với gánh nặng gia đình. Bà đã giáo dục con cháu bằng chính tấm gương đạo đức và sự lao động quên mình, bằng những vấn đề sâu sắc trong giáo dục mà Bà chiêm nghiệm được. Khi gặp khó khăn, Bà đã vượt lên nỗi đau buồn riêng của người mẹ, người vợ, bươn chải kiếm sống chăm lo gia đình, chồng con, để lại cho đời những người con xuất sắc. (Bà là mẹ của nhà lý luận Hải Triều - Nguyễn Khoa Văn và là Bà Nội của nhà thơ- nguyên UVBCT TW Đảng Nguyễn Khoa Điềm)

Trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phẩm chất đạo đức đang của người phụ nữ Việt Nam đã trở thành mốc son chói lọi với một phong trào yêu nước rộng lớn – Phong trào phụ nữ "Ba đảm đang". Trong bối cảnh lịch sử đó, từ bề dày truyền thống của phụ nữ Việt Nam, hàng vạn phụ nữ ở cả hai miền Bắc, Nam đã thể hiện tốt đa và hiệu quả nhất con người đảm đang của mình trong lao động, sản xuất, công tác; trong gia đình và trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nét nổi bật của thời này là phụ nữ đảm đang thay nam giới trong toàn bộ công việc gia đình và thay nam giới trong quản lý lãnh đạo (xã Ba đảm đang, cửa hàng Ba đảm đang, ...)




[1] Đoàn Văn Chúc: Sđd, tr.185.

[2] Trần Ngọc Thêm: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr.49.

[3]Nữ sĩ, nhà báo Đạm Phương và những điều mới biết, tác Thế Thanh đăng trên Việt Báo.VN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video