Đảm bảo công bằng, bình đẳng trong vận động bầu cử

06/05/2016
Theo quy định của pháp luật về bầu cử, thời gian vận động bầu cử của người ứng cử được bắt đầu sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết thúc trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ.

Chậm nhất là từ ngày 28/4/2016 đến 7 giờ sáng ngày 21/5/2016, người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp sẽ thực hiện quyền vận động bầu cử của mình.

Pháp luật về bầu cử chỉ cho phép người ứng cử được thực hiện vận động bầu cử với 2 hình thức:

(1) Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử;

(2) Thông qua phương tiện thông tin đại chúng và phải thông qua các cơ quan có thẩm quyền tiến hành.

Đối với hình thức vận động bầu cử thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử sẽ được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã phối hợp với UBND cấp xã tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu HĐND cấp mình. UBND nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để cử tri tham dự đông đủ.

Đối với hình thức vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng, người ứng cử trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu. UBND cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải chương trình hành động của người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử.

Mỗi hình thức vận động bầu cử đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Vấn đề ở đây là làm sao để bảo đảm sự bình đẳng, công bằng trong vận động bầu cử.

Trước pháp luật về bầu cử, người ứng cử đều bình đẳng, không có sự phân biệt về giới tính, trình độ...trong việc thực hiện quyền ứng cử nói chung và quyền vận động bầu cử nói riêng. Người ứng cử là nữ giới hay nam giới đều được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo đảm tổ chức vận động bầu cử theo đúng các quy định của pháp luật.

Khi thực hiện vận động bầu cử, pháp luật về bầu cử cũng đòi hỏi những người ứng cử không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Thông qua những hình thức vận động bầu cử, cơ hội có được những lá phiếu để trở thành đại biểu dân cử của người ứng cử nam hay nữ là như nhau. Chỉ những người ứng cử có khả năng vượt trội và được cử tri tin tưởng và kỳ vọng mới là người được cử tri lựa chọn.

Theo TrỊnh Văn Chiến - Báo Phụ nữ Việt Nam (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video