Đảm bảo lồng ghép giới trong các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030

24/02/2020
Khuyến nghị lồng ghép giới trong các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 là mục đích của cuộc hội thảo do TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức sáng 21/02/2020.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Bùi Thị Hòa và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đồng chủ trì hội thảo

 Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, tổ chức, các chuyên gia và lãnh đạo, cán bộ chuyên môn cơ quan TW Hội LHPN Việt Nam. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đồng chủ trì hội thảo.

Khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, với trách nhiệm của tổ chức, Hội LHPN Việt Nam đã có quá trình tích cực tham gia vận động chính sách, khuyến nghị lồng ghép các vấn đề giới, các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em DTTS.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ngày 15/2/2020, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 12/NQ-CP về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88. Trong đó có nhiệm vụ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2020) để thực hiện từ năm 2021.

Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, tổ chức chính trị nghiên cứu, xây dựng 10 dự án và 11 tiểu dự án thuộc Chương trình. TW Hội LHPN Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng dự án số 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em".

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, đưa ra những khuyến nghị về lồng ghép giới từ góc nhìn của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị đại diện cho quyền và lợi ích của phụ nữ, từ đó nhằm thống nhất được những nội dung khuyến nghị, đề xuất đến các cơ quan đang được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng các dự án thành phần cũng như ban soạn thảo Chương trình mục tiêu quốc gia đưa vấn đề lồng ghép giới một cách toàn diện, khoa học, có tính khả thi trong từng dự án cụ thể của CT MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Trong đó một số nội dung khuyến nghị đáng chú ý như:

Cần có sự đảm bảo điều phối giữa các ban, ngành, tăng sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy quản lý địa phương, tham gia thiết kế, triển khai, theo dõi, đánh giá việc thực hiện các dự án trong CTMTQG. Cần phải có tiếng nói chung về nhận thức Giới để không bị khác biệt hoặc vẫn mang định kiến giới trong quá trình xây dựng, thực hiện đề án; việc xác định vấn đề, cách thức thực hiện, vận động xã hội ở mỗi bộ, ngành, tổ chức khác nhau dựa trên chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động của mình.

Đại biểu đến từ Bộ Y tế

Các bộ số liệu cần phân tổ theo giới để phân tích được nhiều khía cạnh khác nhau của các nhóm DTTS, có các chỉ tiêu cụ thể đo các hành động bảo đảm BĐG trong các dự án, tiểu dự án với các hướng dẫn cụ thể để có thể đo lường, đánh giá. Các chỉ tiêu đưa ra cần được đối chiếu với mục tiêu chương trình mục tiêu phát triển bền vững cùng với đó cần phải có sự thu thập rõ ràng các số liệu thực tế để thấy được sự thực hiện so với kế hoạch đề ra.

Đại biểu đến từ tổ chức Plan 

Nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái DTTS tính tới nhu cầu và hạn chế của phụ nữ và trẻ em gái DTTS; Tạo hệ thống thông tin thị trường lao động thân thiện với PN và trẻ em gái DTTS; Hỗ trợ họ kinh doanh trực tuyến (du lịch sinh thái, bán hàng thủ công mỹ nghệ, nông lâm sản), tạo cơ hội kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật; Xây dựng và phát triển mô hình nhiều bên tham gia đào tạo nghề trong công việc cho em gái tốt nghiệp THCS, PTTH, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm hỗ trợ di cư, hỗ trợ pháp lý trong quan hệ lao động, xem xét các chuẩn mực giới trong phân chia lao động, giải quyết các vấn đề của phụ nữ trung niên... Qua đó giúp phụ nữ và trẻ em gái DTTS có thể tham gia tốt hơn vào các lĩnh vực của cuộc sống, giảm khoảng cách giới; Thúc đẩy vai trò của nam giới tham gia vào các công việc gia đình, chăm sóc con cái…

Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề nghị các bộ ngành được phân công bám sát ngay từ đầu những vấn đề liên quan đến giới để đề xuất cụ thể cả về chỉ tiêu, giải pháp trong các dự án thành phần để UBDT tổng hợp thành CTMTQG trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 9 tới.

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video