Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ

27/04/2016
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt vụ học sinh bị xâm hại tình dục ngay tại trường học khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo sợ. Mới đây nhất là việc 23 học sinh nữ ở trường Tiểu học La Pán Tẩn (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) bị bảo vệ trường xâm hại. Vụ việc này đã gióng lên hồi chuông báo động về sự an toàn của trẻ.

 Trao đổi với PNVN, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPNVN, cho biết:

Đây là sự việc có tính chất nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần của các em bị hại mà còn gây lo lắng cho các bậc cha mẹ có con đang học tại các trường tiểu học bán trú. Vì vậy, người dân mong muốn đối tượng có hành vi đó sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật để làm gương cho kẻ khác.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Hội LHPN tỉnh Lào Cai đã kịp thời đi nắm tình hình và báo cáo nhanh với Trung ương Hội LHPNVN và chủ động làm việc với Sở LĐTB&XH để có các biện pháp xử lý kịp thời. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo Hội LHPN Lào Cai có công văn gửi công an và các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị điều tra, xét xử nghiêm minh vụ việc. Đồng thời, chỉ đạo Hội LHPN xã La Pán Tẩn tăng cường phối hợp với ngành chức năng trong quản lý và chăm sóc học sinh bán trú; động viên các gia đình tiếp tục cho con đến trường, cố gắng hỗ trợ các em học sinh trong giai đoạn này.

PV: Theo bà cần có các biện pháp gì để bảo vệ trẻ em?

Bà Nguyễn Thị Minh Hương: Bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại cần được xác định là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cả xã hội. Các vụ việc xâm hại trẻ em thời gian vừa qua cho thấy, ở mọi lứa tuổi, ở bất cứ môi trường nào, trẻ cũng có nguy cơ bị xâm hại và kẻ phạm tội có thể là bất cứ ai, thậm chí là người thân trong gia đình. Do vậy, để bảo vệ trẻ em nói chung và các em đang học ở các trường bán trú nói riêng khỏi bị xâm hại, cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Trước hết, các bậc cha mẹ, người thân trong gia đình, nhất là các gia đình có con, cháu phải tạm xa gia đình, sống trong môi trường ngoài gia đình, cần chủ động hướng dẫn con các nguy cơ có thể gặp phải khi sống xa nhà, các kỹ năng cơ bản phòng, chống bị xâm hại. Cha mẹ cần gần gũi con trẻ, nắm được các dấu hiệu của trẻ bị xâm hại để kịp thời phát hiện, trình báo cơ quan chức năng và kịp thời xử lý nếu không may trẻ bị xâm hại.

Thứ hai, nhà trường, hội phụ huynh và các ngành, đoàn thể ở địa phương cần có các hoạt động để trang bị cho cha mẹ học sinh kiến thức toàn diện trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con. Nâng cao nhận thức về các nguy cơ trẻ bị xâm hại cũng như kỹ năng hướng dẫn con phòng tránh và nhận diện nguy cơ bị xâm hại.

Thứ ba, giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản phải được coi là một nội dung giáo dục quan trọng, thường xuyên, liên tục trong nhà trường, trong đó chú trọng việc dạy các kỹ năng phù hợp với từng độ tuổi của trẻ.

Thứ tư, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em. Đồng thời với việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cần xử lý nghiêm các vụ xâm hại trẻ em.

PV: Ở nhiều địa phương, các cấp Hội phụ nữ đã có những việc làm thiết thực giúp đỡ các em học sinh tại các trường bán trú như cùng các em tăng gia sản xuất, giúp đỡ các em có chỗ ở tốt khi phải xa gia đình…Thời gian tới, Hội LHPNVN tiếp tục có những chỉ đạo và hỗ trợ gì đối với học sinh ở các vùng đặc biệt này?

Bà Nguyễn Thị Minh Hương: Hiện nay các cấp Hội đang đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong đó có một tiêu chí là “gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học”. Để thực hiện tiêu chí này, các cấp Hội có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm vận động trẻ em đến trường và duy trì việc học tập lâu dài. Việc hỗ trợ học sinh bán trú cũng là một trong những giải pháp để giúp các em có thể theo đuổi việc học tập, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động như: Trao học bổng, phương tiện đi lại và phương tiện học tập cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi cũng tăng cường hoạt động giáo dục, trang bị kiến thức cho các bậc cha mẹ. Thời gian qua, Hội đã triển khai có hiệu quả và vượt chỉ tiêu Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”, tập trung trang bị kiến thức cho các bậc cha mẹ có con dưới 16 tuổi về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, triển khai các mô hình hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho các em.

Các mô hình hỗ trợ cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ con tại cộng đồng, giáo dục kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái cũng sẽ được xây dựng và duy trì. Ngoài ra, Hội tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng tuyên truyền thực hiện Luật trẻ em; nghiên cứu đẩy mạnh phối hợp với ngành giáo dục trong các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng cho trẻ, đặc biệt là trẻ em gái.

Xin trân trọng cảm ơn bà.

Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, hàng năm phát hiện khoảng 1.700 vụ án xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục chiếm tới 70% (gần 1.200 em). Năm 2012, số vụ án xâm hại trẻ em tăng 1,4% so với năm 2011. Con số này năm 2013 tăng tới 17% so với năm 2012 và năm 2014 tăng 6,4% so với năm 2013. Hầu hết thủ phạm gây ra các vụ xâm hại là người thân, người quen biết. Nguyên nhân chính khiến trẻ bị xâm hại là do nhận thức chưa đầy đủ của cha mẹ và cộng đồng về nguy cơ xâm hại, bóc lột trẻ em. Ngoài ra, các dịch vụ tư vấn, bảo vệ khẩn cấp, trị liệu tâm lý, trợ giúp pháp lý, phục hồi còn thiếu, chưa bảo vệ được trẻ em, nhất là các trẻ em đã bị xâm hại…

Để được bảo vệ, hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn khi cần thiết, các em gọi qua đường dây tư vấn 18001576 của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo: PV, Báo PNVN (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video