Để 30% phụ nữ tham gia cơ quan dân cử không phải là “con số mơ ước”

30/03/2016
Tại cuộc bầu cử lần này, tỷ lệ phụ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được quy định là đảm bảo ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử và phấn đấu có ít nhất 30% phụ nữ tham gia Quốc hội. Đây không phải là “con số ước mơ”.

Thống nhất trong nhận thức và hành động

Tại cuộc bầu cử lần này, tỷ lệ phụ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được quy định là đảm bảo ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử và phấn đấu có ít nhất 30% phụ nữ tham gia Quốc hội. Đây không phải là “con số ước mơ”. Bởi theo quy định của pháp luật, mọi người đều bình đẳng với nhau, không phân biệt giới tính, có nghĩa là công dân đủ 18 tuổi (tính theo ngày, tháng, năm sinh) đến trước ngày bầu cử có quyền bầu cử và từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Pháp luật quy định về tỷ lệ nữ như vậy là sự ghi nhận và đảm bảo tối thiểu về tỷ lệ phụ nữ tham gia cơ quan dân cử. Đây cũng là điểm mới trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và lần đầu tiên được thực hiện.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng có ý kiến cho rằng, quy định này của Luật là khó thực hiện trên thực tế và xét về mặt pháp lý thì chính quy định này “vô hình trung” đã thể hiện “sự bất bình đẳng giữa công dân nam và nữ”.

Dù có ý kiến trái chiều như thế nhưng đa số các vị đại biểu Quốc hội cũng có những suy nghĩ của riêng mình để “bấm nút” thông qua dự thảo luật với sự đồng thuận rất cao. Tại cuộc bầu cử này cần phải tổ chức triển khai đảm bảo thực hiện cho được tỷ lệ này.

Dẫu biết rằng khó khăn còn ở phía trước, nhất là đối với lần đầu thực hiện nhưng nếu có sự “thống nhất trong nhận thức và hành động” của cấp ủy, chính quyền các tổ chức phụ trách bầu cử và sự cố gắng, nỗ lực của mình những nữ ứng cử viên, sự ủng hộ của cử tri nữ) sẽ là điều kiện thuận lợi để đảm bảo thực hiện được mục tiêu này.

Có giải pháp phù hợp

Sự khó khăn trong tổ chức và thực hiện đã được dự báo trước. Tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử vẫn còn là một ẩn số. Do đó, không thể tính toán được cần bao nhiêu ứng cử viên để lập danh sách chính thức, đảm bảo ít nhất 35% người ứng cử là phụ nữ được lập danh sách chính thức theo quy định của pháp luật. Do đó, đến thời điểm này chỉ là “ước lượng” cần bao nhiêu người ứng cử là phụ nữ để giới thiệu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Để chắc chắn hơn, cần giới thiệu nhiều hơn số người ứng cử là phụ nữ mới có thể hy vọng đến Hội nghị hiệp thương lần thứ ba còn đủ ít nhất 35% người ứng cử là phụ nữ đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chất lượng được lập danh sách chính thức những người ứng cử.

Khó khăn nêu trên cũng chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” so với những khó khăn, rào cản của người phụ nữ cần phải vượt qua để tham gia thực hiện được quyền ứng cử của mình.

Khó khăn đó đến từ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” đã tồn tại từ nhiều thế kỷ qua. Người phụ nữ bị bó hẹp bởi vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình, quỹ thời gian công tác ngắn hơn so với nam giới…

Để khắc phục những khó khăn đó rất cần “sự chia sẻ, thấu hiểu, cảm thông” trước hết từ những người thân trong gia đình, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo tổ chức, đơn vị.

Trước mắt, cần đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động người phụ nữ thật sự có năng lực tham gia ứng cử, vận động người thân “san sẻ gánh nặng”với người phụ nữ để họ yên tâm tham gia ứng cử. Các cấp ủy, chính quyền ngoài việc giới thiệu người phụ nữ ra ứng cử cần quan tâm tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng tiếp xúc cử tri, xây dựng chương trình hành động của người ứng cử phù hợp với thực tiễn.

Về lâu dài, qua cuộc bầu cử lần này, các cơ quan, tổ chức…sẽ có báo cáo đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm trong đó nên có đánh giá thực trạng về đội ngũ cán bộ nữ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ dồi dào, chuẩn bị cho các nhiệm kỳ Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiếp theo.

Theo: Trịnh Văn Chiến, Báo PNVN (KK)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video