Đề án 404 - Vì 1000 ngày đầu đời của trẻ là vô cùng quan trọng

23/07/2020
“1000 ngày đầu đời của trẻ là vô cùng quan trọng, trẻ phải được đến lớp để các cô giáo chăm sóc phát triển về mặt thể chất và phát triển về mặt tư duy, ngôn ngữ, vận động. Nếu cha mẹ không nhận thức đầy đủ, không có những nhóm lớp an toàn để gửi các con thì sẽ ảnh hưởng đến giống nòi”, đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN Việt Nam, Phó Trưởng Ban điều hành đề án 404.
Tính đến tháng 7/2020, tổng số nhóm trẻ tư thục độc lập được hỗ trợ, kiện toàn phát triển là 990 nhóm thuộc 20 tỉnh, thành phố

Những con số đáng giá

Hiểu được giai đoạn đầu đời của mỗi đứa trẻ là vô cùng quan trọng, hiểu được những nỗi lo của các gia đình công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất “ngược xuôi” tìm chỗ gửi con… nên Đề án 404 đã ra đời. Gần 6 năm qua, Hội LHPN Việt Nam đứng ra làm đầu mối thực hiện đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiện, đề án đang đi vào giai đoạn kết thúc, là lúc các tỉnh, thành phố thực hiện cùng rà soát đánh giá lại các chỉ tiêu đề ra và tiếp tục tạo tiền để phối hợp cùng với Bộ GD-ĐT thực hiện Đề án giáo dục mầm non đến năm 2025.

Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 404 tham gia và chủ trì hội thảo

Theo bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 404, cho biết: Đề án 404 đã thực hiện và đang bước sang năm thứ 6 và chia làm 2 giai đoạn. Đề án đưa ra 4 mục tiêu khá cụ thể trong các năm từ 2014 đến 2020. Đến nay, nhiều mục tiêu đã đạt và vượt mức dù đây là đề án rất “dày công” và quá trình thức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. 

Để đề án 404 có được kết quả như hiện nay, ngoài việc xây dựng đề án để Chính phủ phê duyệt thì Hội LHPN Việt Nam đã đến làm việc với từng tỉnh trong đề án. Đây còn là kết quả của việc phối hợp chặt chẽ giữa hội LHPN các tỉnh thành với các ban ngành liên quan, là sự làm việc nhiều sáng tạo và mẫn cán của các cán bộ tham gia.

Theo báo cáo của Hội LHPN Việt Nam về kết quả thực hiện các mục tiêu Đề án 404, đến tháng 7/2020, tổng số nhóm trẻ tư thục độc lập được hỗ trợ, kiện toàn phát triển là 990 nhóm thuộc 20 tỉnh, thành phố (chỉ tiêu đề ra là 500 nhóm). Ban điều hành Đề án 404 đã biên soạn tài liệu tập huấn và hướng dẫn, các tỉnh thành tiến hành tập huấn tại địa phương. Hội phụ nữ các cấp và ngành giáo dục các cấp đã phối hợp tổ chức tập huấn cho hơn 27 nghìn người về bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nâng cao năng lực cho chủ nhóm, người chăm sóc trẻ. Tổ chức truyền thông chuyên đề về chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi cho hơn 770 nghìn người là cha, mẹ và người chăm sóc trẻ tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Các tỉnh thành tham gia có 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý tốt và đảm bảo chất lượng….

Ban điều hành Đề án còn thành công ở việc kiên trì tham mưu để có những chính sách hỗ trợ cho nữ công nhân và các con của nữ công nhân, huy động nguồn lực để làm các phòng hút sữa, trữ sữa. Đây là hoạt động rất thiết thực dành cho các bà mẹ đang trong thời kỳ cho con bú. Hỗ trợ một phần cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ. Các cấp hội phụ nữ đã phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục cùng chung tay trong công tác quản lý, giám sát nhóm lớp tư thục.

Sau năm 2020 đề án 404 sẽ như thế nào?

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN Việt Nam, Phó Trưởng ban điều hành dự án 404 cho biết: “Hội sẽ phối hợp với ngành giáo dục tiếp tục thực hiện đề án 404 trong Đề án phát triển giáo dục mầm non đến năm 2025. Vì vậy các cấp hội vẫn có cơ sở tiếp tục tham mưu phối hợp để chăm sóc một cách tốt nhất cho trẻ dưới 36 tháng tuổi được đến lớp. Hiện vẫn còn rất nhiều trẻ dưới 3 tháng tuổi vẫn bị gửi ở các nhóm trẻ gia đình không có phép, hoặc ở với ông bà, người giúp việc… Trong khi đó, 1000 ngày đầu đời của trẻ là vô cùng quan trọng, trẻ phải được đến lớp để các cô giáo chăm sóc phát triển về mặt thể chất và phát triển về mặt tư duy, ngôn ngữ, vận động. Nếu cha mẹ không nhận thức đầy đủ, không có những nhóm lớp an toàn để gửi các con thì sẽ ảnh hưởng đến giống nòi”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN Việt Nam, Phó Trưởng ban điều hành dự án 404.

Các địa phương đang tham gia đề án cũng mong muốn tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được và lồng ghép nội dung của Đề án 404 với các đề án khác, hoạt động nhằm hỗ trợ tốt nhất cho trẻ dưới 36 tháng tuổi là con em các nữ công nhân.

Bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Cần Thơ cũng nhấn mạnh: Trong thời gian tới Hội phụ nữ sẽ phối hợp với ngành giáo dục tham mưu đề xuất cho UBND TP Cần Thơ để ban hành chính sách riêng theo đặc thù của Cần Thơ để tiếp tục thực hiện đề án 404.

Bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.

Đại diện Hội LHPN tỉnh Long An cũng chia sẻ: “Hội sẽ tiếp tục duy trì đề án mặc dù đề án đã kết thúc giai đoạn. Chúng tôi sẽ lồng ghép với việc thực hiện đề án khởi nghiệp và Đề án phát triển giáo dục mầm non đến năm 2025 của ngành giáo dục. Cụ thể là vận động chị em phụ nữ ở địa bàn dân cư có đông công nhân mở nhóm lớp độc lập tư thục. Với hoạt động kép như vậy thì tôi nghĩ vừa hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp vừa phát huy hiệu quả đề án 404”.

Ngày 22/7, tại TPHCM, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo rà soát kết quả thực hiện các mục tiêu của Đề án 404 về hỗ trợ phát triển nhóm trẻ tư thục độc lập các khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020 đối với các tỉnh thành khu vực phía Nam. Hội Thảo có sự tham gia của 9 tỉnh thành gồm: TPHCM, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, Long An, Đồng Nai.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích rà soát những chỉ tiêu đã đề ra từ năm 2014 đến nay; nêu ra các vấn đề còn tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện; các tỉnh thành đưa ra các đề xuất, kiến nghị liên quan đến Đề án; tham vấn ý kiến của các đại biểu sau khi kết thúc đề án thì tiếp tục thực hiện đề án giáo dục mầm non ở bằng những phương pháp, cách thức ra sao…

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video