Đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng hơn vấn đề gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19

23/07/2021
Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ chiều 22/7, đại biểu Hà Thị Nga (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ có đánh giá sâu sắc, kỹ lưỡng hơn về tình hình lao động tại các doanh nghiệp giải thể do ảnh hưởng Covid-19. Phía sau người lao động mất việc, bị giảm sút thu nhập sẽ kéo theo những vấn đề của gia đình.
Đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, phát biểu tại tổ chiều 22/7. Ảnh quochoi.vn

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ nhất, chiều 22/7, các đại biểu Quốc hội thảo thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025.

Phát biểu tại Tổ 20, đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp,  bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội 6 tháng qua với những kết quả hết sức quan trọng, cho thấy những nỗ lực của chúng ta trong thực hiện mục tiêu kép, đặc biệt là trong việc khống chế dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Đại biểu Hà Thị Nga đề nghị Chính phủ có đánh giá kỹ lưỡng, sâu sắc hơn nữa về những tác động tiêu cực của đại dịch. Trong 6 tháng qua, có trên 70.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,9% so cùng kỳ, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những lao động tại các doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể chịu ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm, thu nhập và cuối cùng sẽ tác động về từng gia đình, nên rất cần Chính phủ có sự quan tâm thỏa đáng về vấn đề này.

Bà Hà Thị Nga cung cấp thêm thông tin: Trong 6 tháng đầu năm, tổng đài tư vấn của Hội LHPN Việt Nam có hiệu suất tăng 140% so với cùng kỳ. Những tư vấn chủ yếu đều liên quan tới vấn đề gia đình, bạo lực và khủng hoảng trong gia đình. Trên thực tế, thời gian qua cũng xuất hiện những vụ thảm sát trong gia đình… "Chúng tôi cho rằng, những tác động tới gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 này là hết sức nặng nề; cần phải có những đánh giá sâu, thỏa đáng hơn về nội dung này". Đồng thời cần những giải pháp đủ mạnh để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực gia đình trong 6 tháng cuối năm và giai đoạn tiếp theo.

Toàn cảnh phiên họp tổ 20 chiều 22/7. Ảnh quochoi.vn

Về Nghị quyết 68 của Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, chủ sử dụng lao động khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, Nghị quyết ra đời rất kịp thời, mau lẹ và nhận được sự đồng thuận rất cao của cả xã hội khi đã quan tâm cả đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ mang thai được hưởng chế độ này.

Tuy nhiên, cũng có vấn đề khó, theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, hộ kinh doanh có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trong thời gian từ tháng 5/2021 đến 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch bệnh thì mới được hỗ trợ 3 triệu đồng. Tuy nhiên, tại điều 79 Nghị định của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, thì hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư và làm muối, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh thời vụ… không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy đang có bất cập, các hộ kinh doanh nói trên sẽ khó tiếp cận được gói 26.000 tỷ đồng này.

Bà Hà Thị Nga cũng bày tỏ đồng tình về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm; đồng thời đề nghị trong nhiệm kỳ mới này, Chính phủ dành sự quan tâm thấu đáo hơn nữa tới xây dựng hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long – vùng đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia – nhưng hạ tầng giao thông đang hết sức khó khăn.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video