Để tăng tỷ lệ nữ trúng cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp

14/01/2016
Tại kỳ họp cuối cùng Đại biểu Quốc hội khóa XIII đã bầu ra Hội đồng bầu cử Quốc gia và ấn định thời gian cho bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.
Trong nhiều nhiệm kỳ bầu cử, căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, chúng ta đã đặt ra các chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp; nỗ lực tuyên truyền, vận động trong suốt quá trình bầu cử theo luật định, song tỷ lệ nữ trúng cử ĐBQH và HĐND các cấp không đạt được kết quả như mong muốn.

Tại sao cần đảm bảo một tỷ lệ nhất định phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử ?

Tham gia vào các cơ quan dân cử là tham gia vào chính trị, vào các vị trí công tác làm nhiệm vụ đại diện cho cử tri trong bộ máy nhà nước. Xét ở khía cạnh đại diện, tham gia cơ quan dân cử là tham gia đại diện cho dân cư thuộc mọi tầng lớp xã hội, nghề nghiệp và giới tính.

Phụ nữ chiếm tới hơn một nửa dân số thế giới và tỷ lệ này cũng đúng với nước ta, vì vậy phụ nữ càng phải tham gia vào cơ quan dân cử để có tỷ lệ đại diện bình đẳng với nam giới. Mặt khác, phụ nữ không thua kém nam giới về năng lực, nhất là năng lực trong công tác cộng đồng, tiếp xúc, lắng nghe và thuyết phục các tầng lớp dân cư.

Hiện nay, nhiều nhà lãnh đạo nữ đã khẳng định là những nhà quản lý có tài, có tâm, có năng lực và kiên trì giải quyết các vấn đề xã hội một cách có hiệu quả, quan tâm bảo vệ quyền lợi cho những nhóm người yếu thế.

Thế giới đang cổ vũ và khuyến khích phụ nữ tham gia chính trị, trong đó có việc tham gia vào các cơ quan dân cử. Ở nhiều quốc gia phát triển, tỷ lệ phụ nữ được bầu vào các cơ quan dân cử chiến từ 40 – 50% đã tạo ra tiếng nói mạnh mẽ, bình đẳng trên các diễn đàn nghị trường, đảm bảo một xã hội dân chủ và phát triển bền vững vì lợi ích và số phận của mọi tầng lớp trong cộng đồng xã hội.

Ở nước ta, trong hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp cho thấy, mặc dù tỷ lệ nữ đại biểu còn phổ biến dưới 30% nhưng họ đã mang tới diễn đàn chính sách ở Trung ương cũng như ở địa phương những ý kiến và quan điểm gây sự quan tâm, chú ý về tầm quan trọng của vấn đề, về tác động xã hội, các góc nhìn về giới, các vấn đề về phụ nữ, vấn đề về môi trường, bạo lực gia đình, vấn đề sinh kế cho người nghèo và các vấn đề lao động – việc làm, y tế, giáo dục, bảo vệ trẻ em, phá triển bền vững…

Trong hoạt động chất vấn trên nghị trường, số lượt đại biểu nữ tham gia chất vấn cũng không kém so với đại biểu là nam giới. Đại biểu nữ thường đi đầu trong việc nêu ra các lập luận, chứng cứ thuyết phục, phân tích tác động của chính sách dưới góc độ giới, tác động bất lợi và trực tiếp đến phụ nữ nói riêng và các nhóm yếu thế trong xã hội nói chung.

Theo tinh thần của Hiến pháp 2013, Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11 – NQ/TW của Bộ chính trị và đặc biệt là Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới đã đưa ra chỉ tiêu: phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2016 – 2020 từ 25% trở lên, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2020 trên 35%. Đây có thể là một thách thức trong việc vượt qua các rào cản cá nhân của các ứng cử viên (ƯCV) nữ và xã hội, các tiêu chí “kép” đối với ƯCV, các hoạt động lựa chọn các ƯCV nữ của các cơ quan chức năng, công tác tuyên truyền vận động, các hoạt động tiếp xúc cử tri và hoạt động bầu cử…

Trước những quy định chặt chẽ của Luật bầu cử, để tăng tỷ lệ phụ nữ được giới thiệu ứng cử, chúng ta cần làm gì ?

Trước hết, các ƯCV phải đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn của một đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp theo luật định, tuy nhiên việc phải “gánh nhiều “cơ cấu” khi Luật bầu cử 2015 tiếp tục quy định việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử và giới thiệu người ứng cử phải đảm bảo “cơ cấu” đại diện theo các tiêu chí về dân tộc thiểu số, người trẻ tuổi, ứng cử viên ngoài đảng, người tự ứng cử và phụ nữ có thể trở thành rào cản để đảm bảo tỷ lệ nữ ƯCV nhiều hơn 35% trong danh sách bầu cử.

Theo Luật bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Thường trực HĐND các cấp là hai cơ quan có vai trò quan trọng trong việc dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử. Kinh nghiệm nhiều khóa bầu cử cho thấy hai cơ quan này rất “mất cân đối về giới” cho nên không có nhiều ý kiến ủng hộ ƯCV là nữ. Vì vậy, các cơ quan bầu cử cần có sự cân đối về giới để có thêm tiếng nói ủng hộ đối với việc đảm bảo nâng cao tỷ lệ tham gia của phụ nữ vào sanh sách ƯCV đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Bên cạnh đó, các cấp Mặt trận cũng cần có những tham vấn hữu ích theo hướng ủng hộ ƯCV là phụ nữ cho các cơ quan bầu cử và đồng thời trong ba giai đoạn hiệp thương mà các cấp Mặt trận thường chủ trì cần có những định hướng có lợi thế hơn cho ƯCV là phụ nữ, như việc sắp xếp ƯCV là nữ vào các danh sách và địa bàn bầu cử có ưu thế hơn. Ngoài ra, các cấp Mặt trận, thông qua các bộ phận trong tổ chức của mình cũng như phối hợp với các cơ quan truyền thông các cấp, cần tiến hành ngay các hoạt động tuyên truyền, vận động để xóa dần các định kiến giới còn tồn tại trong quan niệm của xã hội cũng như tăng cường nhận thức xã hội về vai trò xã hội của phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới trong bầu cử.

Một yếu tố quan trọng nữa, mang ý nghĩa cả trên lý luận và thực tiễn, đó là chính các ƯCV nữ có xứng đáng là người tin cậy để xã hội hy vọng, tin tưởng và lựa chọn. Cũng do quan niệm xã hội còn tiềm ẩn trong định kiến giới đã tác động đến xã hội và người phụ nữ, vì thế phần đông phụ nữ còn tự ti về năng lực và vị thế của mình ngoài xã hội. Một số nghiên cứu, khảo sát cho thấy khi tham gia ứng cử, vận động bầu cử, khả năng diễn thuyết, trình bày vấn đề quan tâm trước cử tri của phụ nữ có sự chênh lệch khá lớn so với ƯCV là nam giới. Các ƯCV nữ thường thể hiện tâm lý lo lắng, thiếu tự tin khi trình bày kế hoạch hành động trước cử tri cũng như thiếu tự nhiên khi tiếp xúc với các cơ quan truyền thông.

Điều này cho thấy các ƯCV là nữ cần được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và rèn luyện kỹ năng thông qua các lớp tập huấn cơ bản, như: vị trí, vai trò, chức năng của các cơ quan dân cử, các kỹ năng thu thập, phân tích và xử lý thông tin, kỹ năng xây dựng chương trình hành động, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp và trả lời phỏng vấn, kỹ năng làm việc với cơ quan truyền thông, kỹ năng tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử…

Như vậy, để tăng tỷ lệ nữ trúng cử đại biều Quốc hội và HĐND các cấp, ngoài công tác tổ chức nhân sự của các cơ quan chức năng thì ƯCV nữ phải không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn và hiểu biết xã hội cũng như rèn luyện các kỹ năng cần thiết để làm tốt các các nhiệm vụ trong cơ quan dân cử. Ngoài ra, hãy thực sự tự tin vào chính mình, vào truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, vào chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc ủng hộ tăng cường phụ nữ tham gia vào hệ thống chính trị quốc gia thông qua các văn bản pháp luật và chính sách.

Trần Xuân Kỳ, giảng viên, trường Đại học Lao động

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video