Điểm sáng trong truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi đạo đức phụ nữ của Hội LHPN Việt Nam

06/09/2016
Truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi đạo đức phụ nữ là một trong những nội dung quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước do TW Hội LHPN Việt Nam là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện. Nội dung này đã được BCH Hội LHPN Việt Nam khóa XI phát động ngay từ đầu năm 2016, theo đó mỗi cơ sở Hội lựa chọn được ít nhất 1 hành động cụ thể để quyết tâm tuyên truyền, giáo dục, vận động chị em và gia đình cùng thực hiện tạo chuyển biến trong rèn luyện phẩm chất đạo đức Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang.

“Sản xuất sạch”- tiêu chí rèn luyện phẩm chất “Tự trọng” cho nữ nông dân

Đó chính là tiêu chí được Hội LHPN tỉnh Nghệ An đồng loạt kêu gọi, vận động các cơ sở Hội xác định là hành động ưu tiên để giáo dục chuyển đổi hành vi đạo đức cho chị em phụ nữ trong giai đoạn hiện nay. Nếu như trước đây, một số hộ sản xuất rau dịch vụ nhằm thu lợi nhuận cao, chị em không ngần ngại tăng lượng thuốc kích thích, thuốc trừ sâu để rau tăng trưởng nhanh bán cho người tiêu dùng thì sau quá trình được tuyên truyền, vận động và hiểu được vai trò của mình trong việc giữ gìn, phát huy phẩm chất Tự trọng, Trung hậu, chị em thi đua thực hiện phong trào sản xuất sạch bằng các mô hình cụ thể như “Vườn rau dinh dưỡng”, “Vườn rau an toàn” theo mô hình VietGAP. Theo đó, các thành viên tham gia ký cam kết không trồng rau trên vùng đất bị ô nhiễm; không tưới rau bằng phân tươi, nước bẩn; không dùng thuốc bảo vệ thực vật có nồng độ cao, thuốc cấm, thuốc kích thích bón cho rau; không bón đạm trong vòng 10 -15 ngày trước khi thu hoạch. Hiện nay, toàn tỉnh có 497 mô hình trồng rau an toàn, cung cấp số lượng lớn rau sạch cho người dân tại địa bàn. Từng hành vi nhỏ của chị em trong phong trào sản xuất sạch nhưng có ý nghĩa lớn, góp phần cải thiện nguồn thực phẩm cung ứng trên thị trường đảm bảo chất lượng. Đến nay, sức lan tỏa của những việc làm ý nghĩa ấy đã trở thành cuộc vận động “Mỗi người phụ nữ hãy là người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có lương tâm, người tiêu dùng thông thái, tuyên truyền viên tích cực về ATTP và kiên quyết nói không với thực phẩm không an toàn”.

Giữ gìn nét đẹp thanh lịch của nữ tiểu thương khu phố cổ

Người Hàng Đào từ xa xưa được coi là tiêu biểu cho nếp sống của người dân phố cổ với những cửa hàng tơ lụa to đẹp, khang trang, người bán hàng thướt tha trong những bộ áo dài lịch lãm, ăn nói nhẹ nhàng, đi thưa về gửi, luôn nói lời “xin lỗi”, “cảm ơn”. Ngày nay, chủ các cửa hàng kinh doanh hầu hết là phụ nữ, tuy nhiên, một số chị em không phải người Hàng Đào mà đến từ nhiều vùng, miền khác nhau, đem theo nhiều nếp sống, thói quen đa dạng vì vậy việc thực hiện nét đẹp thanh lịch trong kinh doanh của người Hà Nội là rất khó khăn. Các cửa hàng thường nhỏ và chất đầy hàng hóa, thậm chí dùng cả vỉa hè, ngõ xóm làm chỗ kinh doanh, gây mất cảnh quan môi trường đô thị. Vì vậy, Hội LHPN quận Hoàn Kiếm đã lựa chọn mô hình “Xây dựng nét ứng xử văn hóa của người dân phố cổ” nhằm tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ, bà con kinh doanh thực hiện nét đẹp thanh lịch trong kinh doanh thương mại. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như tọa đàm nét đẹp văn hóa người dân phố cổ, thực hiện phong trào “Áo dài xuống phố, áo dài đi chợ”, học tập các gương điển hình kinh doanh thành đạt của các nhà kinh doanh xưa và nay, xây dựng các tiêu chí về văn hóa trong kinh doanh thương mại: giữ chữ tín, buôn bán thật thà, ăn mặc lịch sự, mời chào đon đả, vui vẻ, nói có lời cảm ơn, xin lỗi, kính trên, nhường dưới, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi,… Trong 2 năm 2014 - 2015, thực hiện năm “Trật tự và văn minh đô thị”, Hội phụ nữ phường tập trung vận động các cửa hàng chỉnh trang sắp xếp cửa hàng gọn gàng, sạch đẹp, không lấn chiếm vỉa hè, không bày hàng ra ngoài lối đi dành cho người đi bộ, các cửa hàng có thùng đựng rác, duy trì tổng vệ sinh sáng thứ bảy hàng tuần. Giờ đây, nếu ai có dịp ghé thăm khu 36 phố phường cổ kính, các bạn sẽ được tiếp xúc với những nữ tiểu thương văn minh, thanh lịch và gặp lại những nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội “Xưa và nay”.

Rèn luyện phẩm chất “Tự tin” cho phụ nữ khuyết tật

Đối với những người khuyết tật thì vận động giáo dục chuyển đổi hành vi để họ tự tin hơn hòa nhập cuộc sống, khẳng định khả năng của bản thân không thua kém những người bình thường quả là không đơn giản chút nào. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ khuyết tật đã tự tin vươn lên trong cuộc sống, có nghị lực và khát khao cháy bỏng làm được điều gì có ích cho xã hội và điều này được thể hiện rõ tại cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, nơi tập trung những chị em phu nữ dân tộc thiểu số, chị em có hoàn cảnh đơn thân, khuyết tật,…. Chị Vì Thị Thuận, chủ cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa chia sẻ: Tôi cùng gia đình đã tạo không khí thân thiện, coi chị em như người một nhà, chăm lo cho chị em từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, động viên chị em cố gắng vươn lên vượt qua mặc cảm, đồng thời bắt tay vào việc dạy nghề thêu dệt các sản phẩm thổ cẩm truyền thống cho các chị em. Ngoài thời gian học nghề, tôi còn chia sẻ về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp cho chị em với du khách đến thăm quan du lịch….từ đó các chị em sống trong cơ sở đã đoàn kết, gắn bó với nhau dần quên đi những khó khăn do số phận đã đeo bám bấy lâu.Đến nay sau 10 năm hoạt động, cơ sở Thuận Hòa giúp gần 100 hội viên phụ nữ và người khuyết tật có nghề để tự lo được cuộc sống. Tại cơ sở hiện đang có 35 người, trong đó 100% là người dân tộc thiểu số và 11 người khuyết tật đang làm việc và có thu nhập ổn định từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng. Năm 2016, cơ sở đã có một khu xưởng kiên cố, phòng ở riêng dành cho 20 chị em, một shop trưng bày sản phẩm, hai nhà sàn để phục vụ du lịch “Home stay”, sân rộng để cắm trại và trưng bày các vật dụng của đồng bào dân tộc Thái...

Việc phát động mỗi cơ sở Hội lựa chọn ít nhất 1 hành động cụ thể để giáo dục, vận động chị em và gia đình cùng thực hiện tạo chuyển biến trong rèn luyện phẩm chất đạo đức Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang đã có kết quả bước đầu và tạo hiệu ứng xã hội trong cộng đồng.

Trong giai đoạn tới, để việc giáo dục chuyển đổi hành vi đạo đức có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đề xuất với Chính phủ thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em trong tình hình mới” giai đoạn 2017- 2022, trong đó tiếp tục chỉ đạo sâu sắc tới các cấp Hội giáo dục chuyển đổi hành vi đạo đức cho phụ nữ, tập trung vào các đối tượng đặc thù, đối tượng vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.

Hương Giang- Ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video