Đổi mới tạo điều kiện phát triển cho con người

09/12/2005
Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam gia tăng liên tục và tương đối nhanh trong những năm gần đây

Nếu năm 1995, chỉ số này mới đạt 0,560 thì tới năm 2005 đã đạt 0,704, đưa HDI của Việt Nam lên mức trên trung bình trong nhóm các nước đang phát triển.

 

Giáo dục là một trong những quốc sách hàng đầu của Việt Nam, thể hiện qua sự gia tăng nguồn đầu tư và trình độ học vấn. Từ trên 90% số dân mù chữ năm 1945, đến nay số dân biết chữ chiếm 95% tổng số dân, thường xuyên có 30% số dân đi học. Trình độ học vấn chung trên bình quân đầu người từ lớp 3-4 vào những năm 80 của thế kỷ trước nay được nâng lên lớp 7-8. Quy mô giáo dục tiếp tục tăng ở tất cả các bậc học, ngành học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân.

 

Đời sống văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao, số thư viện hiện tăng gần 250 cơ sở so với năm 1976; tổng số bản sách xuất bản tăng gấp bốn lần so với năm 1990; số máy điện thoại đã tăng hơn 70 lần trong vòng hơn 10 năm; trên 2.300 di tích lịch sử văn hóa được khôi phục tu bổ; lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống được khôi phục ở nhiều nơi.

 

Một thành tựu nổi bật đáng chú ý khác của Việt Nam trong thời gian qua là những tiến bộ vượt bậc về tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển con người và chất lượng cuộc sống. Số hộ nghèo theo tiêu chuẩn cũ của Việt Nam giảm từ 70% cuối thập niên 1980 xuống còn khoảng 8% năm 2004. Hiện, Việt Nam đã điều chỉnh chuẩn nghèo mới tiếp cận với chuẩn nghèo quốc tế.

 

Chính phủ đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, bảo đảm cho họ tiếp cận các dịch vụ y tế. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo về đất đai, nhà cửa để bảo đảm an toàn cuộc sống, tính đến giữa năm 2003, đã có gần 10.500 hộ được cấp 5.139ha đất. Hiện đã có 1,66 triệu người nghèo được cấp thể bảo hiểm miễn phí, gần 2,5 triệu người khác được cấp giấy khám chữa bệnh miễn phí.


Phát triển kinh tế là một trong những tiền đề quan trọng nhất cho việc thực thi dân chủ và quyền con người. Mọi người dân đều có quyền phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất của mình. Mười năm trở lại đây, mức sống trung bình của người dân Việt Nam đã tăng hơn hai lần. Quỹ tiêu dùng của người dân được bổ sung rõ rệt, thể hiện qua sức tăng mạnh của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.


Năm 2004, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 372,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với 2003. GDP bình quân đầu người năm 1995 mới đạt 289USD và là một trong những nước có thu nhập thấp nhất thế giới. Đến năm 2002, GDP bình quân đầu người đã đạt khoảng 439 USD, chuyển từ khu vực các nước kém phát triển sang khu vực các nước đang phát triển. Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XI, dự kiến GDP đầu người của Việt Nam năm nay ước đạt 640 USD.

Bên cạnh thành tựu về xóa đói giảm nghèo, y tế và chăm sóc sức khỏe của con người cũng là một trong những thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam. So với 1986, đến hết năm 2004, cả nước đã có 13.149 cơ sở y tế, tăng 1.370 cơ sở; 99.300 y bác sĩ , tăng 35.600 người và trên 90% dân cư đã được tiếp cận với các dịch vụ y tế.


Ngân sách chi cho ngành y tế cũng liên tục tăng. Năm 1996, tổng chi ngân sách cho y tế mới đạt 3.610 tỷ đồng, đến năm 2004, con số này đạt 6.276 tỷ đồng. Hằng năm, số người mắc và chết vì sốt rét giảm từ 10-15%, tỷ lệ tử vong bà mẹ giảm đáng kể, tỷ lệ tử vong trẻ em ở tuổi sơ sinh đã giảm từ 249/1 vạn trẻ đẻ ra sống (1990) xuống còn 85/1 vạn (năm 2003); tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 45% năm 1997 xuống còn 26% năm 2004. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện đạt trên 71,3, tăng thêm hơn 3 tuổi so với 5 năm trước đây./.

BTK-TTXVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video