Đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, luật pháp về bình đẳng giới

25/07/2009
(Tài liệu cho cán bộ Hội và báo cáo viên của Hội)

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1.Mục đích của việc đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật

Đảm bảo quyền bình đẳng, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới thong qua việc phân tích, cung cấp thông tin hỗ trợ các Ban soạn thảo chính sách, pháp luật (sau đây gọi tắt là ban soạn thảo) hiểu rõ những điểm tương đồng và khác biệt giữa phụ nữ và nam giới cần phải được quan tâm xem xét thể hiện trong sự thảo chính sách, pháp luật đó.

2. Các loại văn bản đóng góp ý kiến

2.1Các loại văn bản tham gia ý kiến

-Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

-Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

-Nghị định của Chính phủ.

-Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

-Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

-Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

-Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cở quan ngang bộ.

-Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với các cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

-Thông tư liên tịch giữa Chánh án Toà án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

-Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng và Uỷ ban nhân dân.

2.2Trách nhiệm tham gia theo từng cấp

a)Cấp Trung ương.

-Dự thảo báo cáo, văn kiện Đại hội Đảng, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng;

-Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan TW của tổ chức chính trị - xã hội soạn thảo và ban hành.

-Dự thảo các Chiến lược. Chương trình mục tiêu quốc gia

Ví dụ: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Chiến lược tăng trưởng và xoá đói, giảm nghèo, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, Luật bảo hiểm y tế, Luật Công vụ…

b)Cấp tỉnh

-Dự thảo báo cáo, văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh, các văn bản khác của thường vụ tỉnh uỷ

-Dự thảo Nghị quyếtcủa Hội đồng nhân dân và Quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Ví dụ: Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2008 – 2010, Nghị quyết của Uỷ ban nhân dân về...

-Các văn bản quy phạm pháp luật lấy ý kiến nhân dân được triển khai ở địa phương.

-Các văn bản do cấp Trung ương chỉ đạo lấy ý kiến.

c)Cấp huyện

-Dự thảo báo cáo, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện; các văn bản khác của Thường vụ huyện uỷ

-Các dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định, Chỉ thị của UBND cấp huyện (ví dụ tương tự cấp tỉnh)

-Các văn bản quy phạm pháp luật lấy ý kiến nhân dân được triển khai ở địa phương.

-Các văn bản do cấp tỉnh chỉ đạo lấy ý kiến.

d)Cấp xã

-Dự thảo báo cáo, văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện, xã; các văn bản khác của Thường vụ đảng Uỷ xã.

-Các dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp xã (ví dụ tương tự cấp tỉnh huyện).

-Các văn bản quy phạm pháp luật lấy ý kiến nhân dân được triển khai ở địa phương.

-Các văn bản do cấp huyện chỉ đạo lấy ý kiến.

2.3Những vấn đề tập trung tham gia

-Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới(1)

-Chính sách hỗ trợ người mẹ(2)

-Biện pháp bảo đảm bình đẳng giới(3)

-Những vấn đề liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền, trách nhiệm của tổ chức Hội(4)

2.4 Những công việc các cấp Hội cần chuẩn bị

-Bố trí bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách (nếu có điều kiện)

-Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hoặc cử cán bộ tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ do cấp trên tổ chức.

-Xây dựng đội ngũ cộng tác viên các lĩnh vực, trong đó tập trung chính vào các lĩnh vực theo quy định của Luật Bình đẳng giới là chính trị; kinh tế; lao động; giáo dục và đào tạo; y tế; khoa học và công nghệ; văn hoá; thông tin; thể dục thể thao; và hôn nhân – gia đình.

-Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, thu thập và tổng hợp các dữ liệu, thông tin liên quan đến các lĩnh vực mà văn bản chính sách, pháp luật dự kiến điều chỉnh.

II. TRÌNH TỰ ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

1. Đóng góp ý kiến vào dự thảo văn bản do cơ quan, tổ chức gửi xin ý kiến

1.1Công việc của cán bộ tham mưu.

Bước 1: Chuẩn bị

a.Tiếp nhận dự thảo văn bản, đọc qua để xác định phạm vi lấy ý kiến làm cơ sở tham mưu cho người quản lý trực tiếp.

Lưu ý: đối với văn bản lấy ý kiến rộng rãi, có thời gian dài cần có kế hoạch cụ thể xác định rõ đối tượng, thời gian, phương thức tham gia.

b.Tìm kiếm văn bản liên quan:

-Tìm kiếm tất cả các văn bản chính sách, pháp luật có liên quan đến dự thảo tiếp nhận, chọn lọc các quy định liên quan trực tiếp đến nội dung dự thảo

-Tập hợp tất cả các văn bản Hội đã gửi đóng góp ý kiến về dự thảo văn bản (thực hiện đối với các dự thảo được tham gia ý kiến nhiều lần)

-Tập hợp tất cả các ý kiến đã phát biểu và ý kiến bẳng văn bản của đại diện của Hội tham gia Ban soạn thảo hoặc Tổ Biên tập đã gửi cho Ban soạn thảo (thực hiện đối với dự thảo Hội có thành viên Ban soạn thảo hoặc Tổ Biên tập).

c.Dự thảo công văn đề nghị Ban, đơn vị hoặc cá nhân cho ý kiến, trình người quản lý trực tiếp phê duyệt và ký công văn.

d.Photo tài liệu (gồm dự thảo văn bản + trích các quy định hiện hành có liên quan đến dự thảo văn bản + công văn) thành một hoặc nhiều bản (tuỳ theo chỉ đạo của người quản lý trực tiếp)

e.Lưu giữ 01 bản dự thảo để trình lãnh đạo sau khi có dự thảo văn bản đóng góp ý kiến.

f.Chuyển công văn và dự thảo văn bản cho các Ban, đơn vị hoặc cá nhân có liên quan để nghiên cứu cho ý kiến.

Bước 2: Nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến đóng góp

a)Đọc kỹ toàn bộ nội dung dự thảo ít nhất một vài lần:

-Đánh dấu những điểm cần quan tâm và ghi lưu ý tất cả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

-Tìm kiếm và tổng hợp tất cả các quy định bảo đảm bình đẳng giới đã được thể hiện trong dự thảo.

-Xác định vấn đề giới cần phải giải quyết trong dự thảo văn bản.

b)Đọc kỹ các quy định hiện hành có liên quan đến nội dung dự thảo

c)Tìm kiếm các thông tin, dữ liệu liên quan đến nội dung dự thảo hoặc liên quan đến vấn đề giới do mình đã xác định.

d)Làm bảng so sánh:

-So sánh giữa các quy định dự thảo với quy định hiện hành có liên quan để xem xét sự tiến bộ hay thụt lùi của các quy định và tìm kiếm các giải pháp kiến nghị, đề xuất. Ví dụ:

Nội dung dự thảo

Các quy định hiện hành có liên quan

Nhận xét

Lao động nữ nghỉ thai sản từ 4 – 6 tháng tuỳ nhóm công việc

Lao động nữ nghỉ thai sản từ 4 – 6 tháng

Quy định tương tự

àCác câu hỏi đặt ra:

-Dự thảo tiếp tục quy định từ 4 – 6 tháng theo nhóm công việc khác nhau liệu có còn phù hợp với giai đoạn hiện tại?

-Khoảng thời gian này có mâu thuẫn với các chính sách và quy định pháp luật về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em hay không? nếu có thì như thế nào?

-Có nên quy định thời gian mở để các bà mẹ lựa chọn hay không? nếu quy định mở thì cần phải cân đối về tài chính như thế nào?

àTìm kiếm thông tin:

-Thông tin khuyến cáo của ngành y tế về việc cho trẻ em bú sữa mẹ

-Thông tin về nhu cầu nghỉ hưu sau thời gian 4 – 6 tháng của các bà mẹ và thời gian thực tế tính trung bình của những người đã nghỉ.

-Thông tin về những điểm lợi và bất lợi nếu thực hiện quy định này xét trên góc độ quyền trẻ em.

-Thông tin về các quy định tương tự của các quốc gia trên thế giới

-Thông tin về quan điểm của người sử dụng lao động nữ trong khu vực công và doanh nhân (bao gồm khối tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài)

Nội dung dự thảo

Các quy định hiện hành có liên quan

Nhận xét

Lao động nữ nghỉ thai sản được trợ cấp một lần bằng 2 tháng tiền lương tối thiểu

Lao động nữ nghỉ thai sản được trợ cấp một lần bằng 1 tháng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội

Số lượng tháng tăng lên, nhưng số tiền thực tế lại giảm do lương tối thiểu và lương thực tế làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chênh lệch nhau

àCác câu hỏi đặt ra:

-Tại sao dự thảo lại quy định có tính thụt lùi như vậy?

-Có nên quy định phân biệt giữa các khu vực công và tư hay không nếu có liên quan đến vấn đề tài chính của quy định này?

-Làm thế nào để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho phụ nữ khi nghỉ thai sản và không tạo gánh nặng quá lớn đối với bảo hiểm xã hội?

àTìm kiếm thông tin:

-Quan điểm của Ban soạn thảo về việc thiết kế quy định.

-Thông tin liên quan đến các khía cạnh Ban soạn thảo dự thảo đã sử dụng

-Thông tin về những điểm lợi và bất lợi nếu thực hiện quy định mang tính thụt lùi này xét trên góc độ quyền trẻ em.

-Thông tin về các quy định tương tự của các quốc gia trên thế giới

-Thông tin về quan điểm của người sử dụng lao động nữ trong khu vực công và doanh nhân (bao gồm khối tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài)

+So sánh giữa các quy định dự thảo với vấn đề giới đã xác định để xem xét tính hợp lý của các quy định đã thiết kế. Trên cơ sở đó, xác định nội dung kiến nghị, đề xuất:

+Nếu dự thảo đã chú ý đến việc lồng ghép giới hoặc có một số quy định riêng về việc bảo đảm bình đẳng giới nhưng thấy chưa đầy đủ so với nhu cầu thực tế cần quy định để giải quyết vấn đề giới thì đánh dấu để kiến nghị bổ sung thêm cho đầy đủ.

+Nếu dự thảo đã chú ý đến việc lồng ghép giới hoặc có một số quy định riêng về việc đảm bảo bình đẳng giới nhưng chưa đúng, chưa rõ thì đánh dấu để kiến nghị để sửa lại cho đúng và rõ ràng hơn.

+Nếu dự thảo chưa quan tâm đến việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới thì đánh dấu để kiến nghị để bổ sung.

Bước 3: Tiếp nhận và tổng hợp ý kiến tham gia

-Đôn đốc, nhắc nhở các tập thể và cá nhân đã được gửi xin ý kiến gửi ý kiến tham gia đúng thời gian. Trong trường hợp đặc biệt và cần thiết có thể làm công văn nhắc.

-Tiếp nhận, đọc các ý kiến đóng góp và tổng hợp nguyên văn làm cơ sở trình lãnh đạo Hội

-Đối chiếu ý kiến đóng góp của các tập thể, cá nhân với các quy định dự thảo để phân tích tính hợp lý của các ý kiến đóng góp làm cơ sở cho việc chọn ý kiến nào đưa vào bản đóng góp ý kiến của Hội

-Báo cáo người quản lý trực tiếp để xin ý kiến chỉ đạo trong trường hợp các ý kiến mâu thuẫn, trái ngược nhau về cùng một vấn đề.

Bước 4: Hình thành dự thảo văn bản tham gia

a.Văn bản tham gia được thể hiện bằng thể thức CÔNG VĂN phúc đáp.

b.Tuân thủ quy định hướng dẫn về soạn thảo văn bản

Bước 5: Trình dự thảo văn bản tham gia.

a.Trình dự thảo văn bản tham gia được thực hiện 2 lần:

-Lần 1: trình người quản lý trực tiếp

-Lần 2: trình lãnh đạo Hội

b.Tài liệu trình gồm:

-Dự thảo công văn

-Dự thảo văn bản xin ý kiến

-Bản tổng hợp ý kiến tham gia của các tập thể và cá nhân

-Bản so sánh quy định dự thảo với quy định hiện hành và các vấn đề liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới.

Bước 6: Tiếp thu, chỉnh lý nội dung dự thảo văn bản tham gia

a.Tiếp nhận ý kiến từ người quản lý trực tiếp và từ lãnh đạo Hội

b.Đọc nhanh ý kiến chỉnh sửa, bổ sung

c.Điều chỉnh dự thảo công văn:

-Theo các ý kiến của lãnh đạo Hội nếu không có ý kiến lớn

-Trường hợp cần thiết, báo cáo người quản lý trực tiếp hoặc tự mình giải thích rõ ràng và đầy đủ hơn về những khía cạnh liên quan đến ý kiến của lãnh đạo Hội mà chưa thấy hợp lý xét trên góc độ pháp lý.

Bước 7: Trình ký, gửi và lưu giữ văn bản tham gia

a.Trình người quản lý trực tiếp dự thảo công văn đã tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Hội xét duyệt lần cuối.

b.Trình lãnh đạo Hội ký công văn tham gia ý kiến

c.Sao gửi công văn đóng góp ý kiến cho cơ quan xin ý kiến; đồng gửi cho cơ quan thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo xác định tịa mục “nơi nhận”.

d.Lưu giữ công văn tham gia ý kiên và các tài liệu liên quan để đối chiếu cho những lần tham gia sau.

1.2 Công việc của người quản lý trực tiếp cán bộ tham mưu

Bước 1: Chuẩn bị tham gia ý kiến

a.Định hướng những vấn đề cần quan tâm cho ý kiến trong dự thảo

b.Quyết định phạm vi lấy ý kiến các tập thể, cá nhân. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo lãnh đạo Hội phụ trách Ban, đơn vị xin ý kiến chỉ đạo về nhóm đối tượng lấy ý kiến và phạm vi lấy ý kiến.

c.Xác định thời gian hoàn thành

d.Phân công cán bộ tham mưu chính và cán bộ hỗ trợ

e.Chuyển các ý kiến đã phát biểu hoặc ý kiến đóng góp bằng văn bản về những vấn đề liên quan đến nội dung dự thảo mà mình là thành viên Ban soạn thảo hoặc Tổ Biên tập.

Bước 2: Cho ý kiến dự thảo công văn tham gia ý kiến của Hội

a.Nghiên cứu, cho ý kiến trực tiếp vào dự thảo công văn tham gia

b.Chuyển dự thảo công văn đã có ý kiến cho cán bộ tham mưu tiếp thu và chỉnh sửa (trong trường hợp cần thiết có thể tự mình sửa dự thảo công văn)

Bước 3: Trình ký dự thảo công văn tham gia ý kiến của Hội

a.Phê duyệt lần cuối dự thảo công văn sau khi đã chỉnh lý

b.Ký phiếu trình lãnh đạo Hội

1.3.Công việc của lãnh đạo Hội phụ trách ban tham mưu

Bước 1: Cho ý kiến chỉ đạo về những nội dung tham gia ý kiến

a.Chuyển các ý kiến đã phát biểu hoặc ý kiến đóng góp bằng văn bản về những vấn đề liên quan đến nội dung dự thảo với tư cách là thành viên Ban soạn thảo dự thảo văn bản.

b.Cho ý kiến chỉ đạo trực tiếp vào dự thảo công văn tham gia ý kiến

c.Chuyển ý kiến để ban tham mưu tiếp thu, chỉnh lý

Bước 2: Phê duyệt và ký công văn tham gia ý kiên của Hội

a.Phê duyệt lần cuối dự thảo công văn sau khi đã chỉnh lý

b.Ký công văn tham gia ý kiến

c.Chuyển công văn đã ký cho cán bộ tham mưu để làm thủ tục gửi

2. Tham gia Ban soạn thảo và Tổ biên tập văn bản chính sách, pháp luật

2.1Đối với cấp Trung ương

Bước 1: Tham mưu của người tham gia

a.Ban Chính sách – Pháp luật tham mưu cho lãnh đạo Hội cử người tham gia Ban soạn thảo và Tổ biên tập theo đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Tham gia Ban soạn thảo: là phó Chủ tịch phụ trách Ban hoặc Trưởng/phó Ban Chính sách – Pháp luật tuỳ theo đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản và tuỳ loại văn bản.

Thông thường phó Chủ tịch chỉ tham gia Ban soạn thảo Luật và Pháp lệnh. Trường hợp cần thiết có thể tham gia Ban soạn thảo Nghị định nếu liên quan chặt chẽ và chủ yếu đến Hội, phụ nữ và mục tiêu bình đẳng giới (Ví dụ: Nghị định quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc tạo điều kiện cho các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước)

Tham gia Tổ biên tập: là Trưởng ban hoặc phó trưởng Ban hoặc chuyên viên có kinh nghiệm của Ban Chính sách – Pháp luật bảo đảm phù hợp và tham gia có hiệu quả.

b.Ban Chính sách – Pháp luật soạn thảo công văn cử thành viên tham gia Ban soạn thảo, tổ Biên tập văn bản chuyển Ban Tổ chức – Cán bộ để hoàn tất thủ tục cử tham gia.

Bước 2: Ban Tổ chức – Cán bộ chuẩn bị và trình văn bản cử người tham gia

a.Tiếp nhận công văn đề nghị của Ban Chính sách – Pháp luật

b.Phân công cán bộ chuẩn bị dự thảo văn bản cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ Biên tập văn bản.

c.Trình Thường trực Đoàn Chủ tịch dự thảo công văn cử người tham gia Ban soạn thảo, Tổ Biên tập văn bản.

d.Chuyển công văn cho Văn thư cơ quan sao gửi cơ quan đề nghị, Ban Chính sách – Pháp luật, những người được cử tham gia và lưu văn bản.

Bước 3: Trách nhiệm của người được cử tham gia

Người được cử tham gia Ban soạn thảo hoặc Tổ biên tập có trách nhiệm:

-Thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công Ban soạn thảo hoặc Tổ biên tập dự thảo văn bản.

-Chủ động nghiên cứu những vấn đề liên quan đến nội dung dự thảo văn bản để:

+ Báo cáo lãnh đạo Hội cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến quyền và trách nhiệm của Hội, quyền và nghĩa vụ của phụ nữ, việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới hoặc các khía cạnh giới khác có liên quan trong dự thảo văn bản.

+ Đề xuất cơ quan tổ chức hội nghị, hội thảo tham vấn chuyên gia hoặc Hội phụ nữ các cấp về các vấn đề liên quan đến Hội, phụ nữ và bình đẳng giới.

+ Trao đổi, đề xuất tại các cuộc họp của Ban soạn thảo hoặc Tổ biên tập văn bản chính sách, pháp luật

Lưu ý: đối với những dự thảo văn bản Hội đồng thời có cả thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập thì người tham gia Tổ biên tập có trách nhiệm chuẩn bị các nội dung liên quan cho lãnh đạo tham gia Ban soạn thảo để thể hiện thái độ, quan điểm chính thống của Hội về những vấn đề đặt ra trong dự thảo.

-Báo cáo tình hình soạn thảo văn bản cho Thường trực Đoàn Chủ tịch (đối với người tham gia Ban soạn thảo) và người quản lý trực tiếp (đối với người tham gia Tổ biên tập)

Bước 4: Góp ý kiến của Hội bằng văn bản

Góp ý kiến bằng văn bản về những nội dung của dự thảo văn bản chính sách, pháp luật là bước quan trọng để khẳng định ý kiến chính thống của Hội về dự thảo văn bản.

Nếu vấn đề đơn giản, các biện pháp giải quyết không quá phức tạp thì Hội chỉ cần góp ý kiến theo quy trình đề cập tại phần I là được. Trường hợp ngược lại, cần có văn bản phản biện được thực hiện theo quy trình phản biện xã hội được đề cập tại phần II.

2.1 Đối với cấp tỉnh, thành

Bước 1: Tham mưu cử người tham gia

Ban Chính sách - Luật pháp/Tuyên giáo hoặc Trung tâm tư vấn pháp luật (nếu được giao thực hiện nhiệm vụ 2) tham mưu cho lãnh đạo Hội cử người tham gia Ban soạn thảo và Tổ biên tập theo đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản.

-Tham gia Ban soạn thảo: là Phó chủ tịch phụ trách Ban hoặc Trưởng/phó Ban Chính sách - Luật pháp/Tuyên giáo hoặc Giám đốc/phó Giám đốc Trung tâm tuỳ đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, tuỳ loại văn bản và Quyết định của Ban Thường vụ.

-Tham gia Tổ biên tập: Là chuyên viên Ban Chính sách - Luật pháp/Tuyên giáo hoặc Trung tâm tư vấn pháp luật.

Việc chọn cử ai dựa trên đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo và thực tế nhân sự của Ban, đơn vị để bảo đảm phù hợp và hiệu quả

Bước 2: Soạn thảo và trình văn bản cử người tham gia

Ban Chính sách – Pháp luật/Tuyên giáo hoặc Trung tâm tư vấn pháp luật soạn thảo công văn của Hội cử thành viên tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập văn bản chính sách, pháp luật.

Bước 3: Chuyển văn bản cử người tham gia

Ban Chính sách – Pháp luật/Tuyên giáo hoặc Trung tâm tư vấn pháp luật chuyển Công văn cho Văn thư cơ quan sao gửi cơ quan đề nghị, Ban Chính sách - Luật pháp/Tuyên giáo hoặc Trung tâm tư vấn pháp luật, người được cử tham gia và lưu văn bản.

Bước 4: Trách nhiệm của người được cử tham gia

Người được cử tham gia Ban soạn thảo hoặc Tổ biên tập có trách nhiệm:

-Thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Ban soạn thảo hoặc Tổ biên tập dự thảo văn bản.

-Chủ động nghiên cứu những vấn đề liên quan đến nội dung dự thảo văn bản để:

+ Báo cáo lãnh đạo Hội cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến quyền và trách nhiệm của Hội, quyền và nghĩa vụ của phụ nữ, việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới hoặc các khía cạnh giới khác có liên quan trong dự thảo văn bản.

+ Đề xuất cơ quan tổ chức hội nghị, hội thảo tham vấn chuyên gia hoặc Hội phụ nữ các cấp về các vấn đề liên quan đến Hội, phụ nữ và bình đẳng giới

+ Trao đổi, đề xuất tại các cuộc họp của Ban soạn thảo hoặc Tổ biên tập văn bản chính sách, pháp luật

Lưu ý: đối với những dự thảo văn bản Hội đồng thời có cả thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập thì người tham gia Tổ biên tập có trách nhiệm chuẩn bị các nội dung liên quan cho lãnh đạo tham gia Ban soạn thảo để thể hiện thái độ, quan điểm chính thống của Hội về những vấn đề đặt ra trong dự thảo.

-Báo cáo tình hình soạn thảo văn bản cho Thường vụ hoặc Ban Chấp hành (đối với người tham gia Ban soạn thảo) và người quản lý trực tiếp (đối với người tham gia Tổ biên tập)

Bước 5: Góp ý kiến của Hội bằng văn bản

Góp ý kiến hoặc phản biện bằng văn bản về những nội dung của dự thảo văn bản chính sách, pháp luật là bước quan trọng để khẳng định ý kiến chính thống của Hội về dự thảo văn bản.

Nếu vấn đề đơn giản, các biện pháp giải quyết không quá phức tạp thì Hội chỉ cần góp ý kiến theo quy trình đề cập tại phần I là được. Trường hợp ngược lại, cần có văn bản phản biện được thực hiện theo quy trình phản biện xã hội được đề cập tại phần II

Lưu ý: để bảo đảm chất lượng tham gia các Ban soạn thảo và Tổ biên tập, Hội nên chọn cử người đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

1.Có kiến thức, kỹ năng về vấn đề dự thảo văn bản đề cập

2.Am hiểu các khía cạnh về giới và bình đẳng giới

3.Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp vấn đề

4.Có kỹ năng trình bày và thương thuyết

Để có đội ngũ cán bộ đáp ứng các tiêu chuẩn trên, các cấp Hội cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế khuyến khích cán bộ tự đào tạo, bồi dưỡng để trở thành những chuyên gia chuyên sâu về các lĩnh vực.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video