Đồng Nai: Trưởng khu phố giỏi vận động

11/02/2020
Xã đạt chuẩn nông thôn mới là kết quả từ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có cá nhân bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Trưởng Khu phố Thiên Bình, phường Tam Phước (TP.Biên Hòa).
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt vừa được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Đầu năm 2019, xã Tam Phước (nay là phường Tam Phước), TP. Biên Hòa đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là kết quả từ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó có cá nhân bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Trưởng Khu phố Thiên Bình, phường Tam Phước (TP.Biên Hòa).

* Huy động sức dân

Năm 2013, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt làm phó trưởng ấp và 2 năm sau được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng ấp Thiên Bình (nay là KP.Thiên Bình). Ấp Thiên Bình trước đây là địa bàn rộng, người dân nhập cư đông, địa phương lại đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nên bà Nguyệt nhận nhiệm vụ trưởng ấp ở thời điểm này cũng gặp những khó khăn.

Bà Nguyệt kể, vừa nhận nhiệm vụ trưởng ấp chưa lâu thì trên địa bàn xảy ra vụ việc người dân chặn đường không cho xe tải, xe ben của các công ty khai thác đá đi vào đường dân sinh (nay là đường Hàm Nghi). Với vai trò trưởng ấp, bà Nguyệt đã cùng với một số người trong ban ấp đến làm việc với từng công ty.

Qua gặp gỡ, bà Nguyệt nhận thấy các doanh nghiệp hằng năm cũng phải bỏ ra cả tỷ đồng để thuê một doanh nghiệp khác tưới nước, sửa đường. Tuy nhiên, do tuyến đường Hàm Nghi xuống cấp, lại không có mương thoát nước nên khi tưới nước vào khiến cho đường càng trở nên lầy lội gây khó khăn cho người dân khi lưu thông trên tuyến đường này. Vì vậy, bà đã vận động các doanh nghiệp đóng góp cùng với nhân dân bê tông hóa tuyến đường và được các doanh nghiệp chấp thuận.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho hay, từ tháng 7-2019, xã Tam Phước đã nâng cấp lên phường Tam Phước và nhiệm vụ của địa phương giờ đây là xây dựng đô thị văn minh. Với vai trò của mình, bà sẽ tiếp tục cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung sức thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng đô thị văn minh.

Vận động được doanh nghiệp, bà tiếp tục vận động các hộ dân hai bên đường đóng góp. Do đường rộng, lại làm cống kiên cố nên số tiền mỗi hộ phải đóng dao động từ 15-60 triệu đồng, nhiều hộ ban đầu ngần ngại. Sau nhiều lần tổ chức họp tuyên truyền vận động, người dân thấy lợi nên đồng tình. Riêng đoạn đường đi qua Nhà văn hóa ấp, bà Nguyệt đích thân vận động các hộ kinh doanh khá giả ủng hộ. Không bao lâu, con đường Hàm Nghi hoàn thành với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng.

Sau khi con đường Hàm Nghi được bê tông hóa khang trang, bà Nguyệt ngày càng được người dân ủng hộ, tạo động lực để bà tiếp tục huy động sức dân cùng cứng hóa nhiều tuyến đường hẻm trong ấp. Không dừng lại ở đó, bà Nguyệt còn vận động nhân dân lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến đường, trồng và chăm sóc cây xanh dọc các tuyến đường.

Trong năm 2017, bà Nguyệt tiếp tục vận động doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn và các hộ dân trong ấp kinh phí để tu sửa lại cổng, tường rào Nhà văn hóa ấp Thiên Bình. Thấy nhiều hộ dân trong ấp còn khó khăn, bà Nguyệt vừa làm Trưởng ấp lại vừa kiêm Tổ trưởng Tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội nên bà đã hướng dẫn nhiều hộ tiếp cận vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và từ Quỹ Hỗ trợ CEP (với tổng số vốn trên 800 triệu đồng) để phát triển kinh tế, đời sống của các hộ dân ngày một nâng lên...

* Xây dựng Chi hội Phụ nữ vững mạnh

Trước khi làm trưởng ấp, bà Nguyệt là Hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thiên Bình. Bà Nguyệt chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ này, bà đã tích cực nghiên cứu các mô hình, giải pháp hay để áp dụng tại chi hội. Điển hình là mô hình tạo thêm nguồn kinh phí hoạt động cho chi hội.

Bà Nguyệt cho biết, Chi hội Phụ nữ ấp ngoài nguồn quỹ hội không có thêm nguồn kinh phí nào để hoạt động. Trong khi đó, ấp lại không cho phép chi hội vận động kinh phí hoạt động. Bà Nguyệt đã triển khai vận động hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm để vừa có tiền cho hội viên phụ nữ vay lúc khó khăn, vừa có nguồn tiền lãi để chi hội hoạt động. Bà đã bỏ tiền túi của mình mua heo đất tặng hội viên phụ nữ, tặng các tổ phụ nữ để vận động chị em thi đua nuôi heo đất cá nhân, nuôi heo đất tập thể. Với cách làm này, bà Nguyệt không chỉ giúp chi hội có thêm nguồn kinh phí hoạt động mà còn thu hút được đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia.

Hội viên, phụ nữ trên địa bàn ấp chủ yếu là công nhân, số ít ở nhà làm nội trợ thì bận bịu việc nhà nên bà đã nảy ra sáng kiến là tuyên truyền tại chỗ. Chẳng hạn để tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ về một chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bà không đợi lúc mọi người tập trung lại mới tuyên truyền mà bất kỳ chỗ nào gặp hội viên là bà đều tranh thủ phổ biến. Nhờ đó, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như các phong trào thi đua, các nhiệm vụ trọng tâm của chi hội đều được triển khai kịp thời đến hội viên phụ nữ.

Mặc dù không còn làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp nhưng bà vẫn tiếp tục hỗ trợ hoạt động của chi hội bằng cách vận động các gia đình hội viên phụ nữ thực hiện tốt cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch với các tiêu chí: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học, sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ góp phần xây dựng chi hội phụ nữ vững mạnh, cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

baodongnai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video