“Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”

18/07/2016
Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi trẻ vị thành niên (VTN) cao trên thế giới. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em gái VTN là cấp thiết...

 
Cán bộ TT DS-KHHGĐ quận Ba Đình tư vấn cho các
em gái VTN về vấn đề SKSS

 

70% số ca phá thai “chui” là trẻ VTN

Tại buổi họp báo truyền thông về Ngày dân số thế giới 11/7, ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ truyền thông giáo dục (Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) cho biết: tỷ lệ trẻ VTN mang thai ở nước ta trong những năm gần đây đang có xu hướng giảm song vẫn đang ở mức cao.

Thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em năm 2010 cho thấy, cả nước có 470.000 ca phá thai, trong đó hơn 9.000 ca là VTN. Đến năm 2015, cả nước có 5.547 ca phá thai tuổi VTN (trong số gần 280.000 ca). Số ca đẻ trong tuổi này là 42.354 ca, chiếm 2,34% trong tổng số ca đẻ năm 2015. Con số này mới chỉ thống kê tại các bệnh viện công, và chưa thể nói hết thực trạng nạo phá thai ở tuổi VTN hiện nay. Bởi thực tế, chúng ta vẫn chưa thể thống kê được số ca nạo phá thai chui của trẻ VNT tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

GS.TS.Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình cho biết: 70% số ca phá thai “chui” là trẻ VTN. Trẻ phá thai đa phần ở độ tuổi rất trẻ từ 13-19 tuổi. Không ít cô gái bỏ thai đến lần thứ 3, 4 dù đã được tư vấn về các biện pháp phòng tránh, nguy cơ tai biến sau nạo, hút (dính buồng tử cung, tắc vòi trứng dẫn đến vô sinh... Nhiều em còn không biết mình đang mang thai. Trước những dấu hiệu có thai như nghén, mệt mỏi, bụng to…, các em lại cho rằng mình bị ngộ độc thức ăn, béo lên hoặc bị cúm…

Nguyên nhân trẻ em gái VTN ngần ngại tìm đến các Trung tâm khám và chăm sóc SKSS bởi tâm lý lo sợ bị người lớn kỳ thị do phải thăm khám chung một phòng với người lớn. Trong khi đó các phòng khám tư lại giữ bí mật, thậm chí không quan tâm đến giấy tờ tùy thân của thai phụ khiến các em đỡ ngần ngại hơn. Đây cũng là lý do để các em gái VTN thường chọn các phòng khám tư để giải quyết các vấn đề về sức khỏe sinh sản thay vì đến các cơ sở y tế công lập an toàn. 

Thiếu mô hình khám và chăm sóc SKSS dành riêng cho trẻ VTN

Theo điều tra của Tổng cục thống kê, có 8,4% số trẻ VTN tuổi từ 15 - 19 đã từng sinh con hoặc đang mang thai. Số trẻ dưới 15 tuổi từng mang thai là 0,2%. Điều tra Quốc gia về “Vị thành niên và thanh niên Việt Nam” cho thấy, có tới 36% thanh thiếu niên ở nhóm tuổi từ 14 - 17 đã quan hệ tình dục. Cá biệt, có những em từ 10-12 tuổi có quan hệ tình dục và hoàn toàn tự nguyện. Khi không có kiến thức đầy đủ, các em dễ có thai ngoài ý muốn.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng nạo phá thai ở tuổi VTN của chúng ta cao như hiện nay là do các em còn thiếu kiến thức về SKSS, giới tính, tình yêu và tình dục. Trong khi đó, việc giáo dục kiến thức giới tính cho trẻ vị thành niên vẫn còn hạn chế  trong gia đình lẫn ở trường học. Cộng thêm những mặt trái của hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là mạng Internet đang tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến các em trong vấn đề giới tính, tình dục.

Thực tiễn cũng cho thấy, chăm sóc trẻ vị thành niên không đơn giản. Bởi đặc điểm của lứa tuổi VNT hay bị khủng hoảng tâm lý. Trong vấn đề tìm hiểu cũng như xử lý các vấn đề về giới tính tình dục, trẻ VTN thường mong muốn được đảm bảo sự riêng tư, không muốn cha mẹ, người quen biết. Nhu cầu của trẻ VTN lớn nhưng hệ thống “cung” đáp ứng lại rất ít ỏi. Số phòng khám thân thiện “Dấu hỏi xanh” dành cho thanh thiếu niên được mở tại các bệnh viện hiện nay còn quá ít, và cũng chưa thu hút được nhiều trẻ VTN tìm đến, bởi phòng khám vẫn nằm chung với bệnh viện, chốn đông người không có sự riêng tư, bí mật như trẻ mong muốn.  

Theo bà Nguyễn Thanh Hiếu (PGĐ Trung tâm DS-KHHGĐ Q.Ba Đình, HN), trung bình 1 tuần, Trung tâm  đón tiếp từ 3-10 trẻ VTN. Đa số các em thường đến một mình với tâm lý hoang mang, sợ hãi, sợ bị cha mẹ hoặc thầy cô, bạn bè phát hiện. “Tôi hi vọng chúng ta sẽ có những phòng khám và chăm sóc sức khỏe dành riêng cho các em VTN tại các cơ sở công lập. Hoặc có một tổ chức xã hội có thể đứng lên bảo lãnh thành lập phòng khám tư vấn riêng về SKSS cho trẻ VTN an toàn để các em yên tâm khi tìm đến”. – Bà Hiếu nói.

Được biết hiện nay, chúng ta đã và đang triển khai mô hình giáo dục tiền hôn nhân cho giới trẻ. Nhưng việc giáo dục hầu như chỉ mới dừng lại ở giai đoạn bước đầu thử nghiệm và tập trung chủ yếu ở đối tượng sắp kết hôn. Trong khi đó, ở các nước trên thế giới, lứa tuổi tiền hôn nhân được chia làm nhiều giai đoạn, và có chương trình giáo dục riêng phù hợp. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần khắc phục những hạn chế này để công tác giáo dục kiến thức, chăm sóc SKSS VTN có hiệu quả hơn. 

 

Theo: H.Nhung, http://baophunuthudo.vn/ (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video