“An toàn cho phụ nữ và trẻ em” tập trung vào phòng, chống xâm hại trẻ em

26/11/2019
Phòng, chống xâm hại trẻ em là nội dung trọng tâm trong triển khai chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” năm 2020...

“An toàn cho phụ nữ và trẻ em” được Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam lựa chọn làm chủ đề hoạt động tập trung, xuyên suốt của các cấp Hội từ năm 2019 đã đáp ứng đúng, trúng yêu cầu của thực tiễn, mong đợi của xã hội, được Chính phủ, các cấp, các ngành, cộng đồng quan tâm, đánh giá cao, cùng chung tay thực hiện với nhiều hoạt động thực chất, hiệu quả.

Qua gần 1 năm triển khai, các nội dung về an toàn đã được triển khai bằng nhiều hình thức, tập trung nguồn lực và gắn với triển khai nhiệm vụ công tác Hội, đặc biệt là cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch. Công tác tuyên truyền đầu tư về nội dung, hình thức đổi mới sáng tạo, mới mẻ, tạo được dấu ấn, sức lan tỏa trong cộng đồng với nhiều sự kiện truyền thông, hội nghị, hội thảo được tổ chức. Các nội dung an toàn được các địa phương lựa chọn, chú trọng phù hợp nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn tại cơ sở như phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người, phòng chống xâm hại, an toàn giao thông, an toàn nơi công cộng, an toàn thực phẩm, an toàn về kinh tế, tín dụng, an toàn trong không gian mạng...

Các nội dung khó đã được đầu tư quyết liệt như lên tiếng, tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em. Trong năm 2019, các cấp Hội đã lên tiếng trước 24 vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em; Gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền 02 vụ việc; Thành lập Tổ công tác tham mưu, giải quyết các vụ việc, điểm nóng liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái, tăng cường tham vấn chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan đến giải quyết việc thành lập Tổ tư vấn pháp luật và tâm lý hỗ trợ Hội trong bảo vệ phụ nữ, trẻ em; Tổ chức tiếp công dân, hội nghị tư vấn pháp luật, trình diễn phiên tòa giả định...

Nhiều mô hình có hiệu quả được xây dựng, nhân rộng. Trong đó, TW Hội đã thực hiện thí điểm mô hình Thành phố an toàn tại Đà Nẵng, mô hình Làng quê an toàn tại Thanh Hóa, Tuyên Quang, Kiên Giang với những nội dung thiết thực như an toàn trên xe bus, thắp sáng đường làng, an toàn thực phẩm... Các mô hình can thiệp, tư vấn, hỗ trợ phụ nữ và trẻ emđược đẩy mạnh với gần 3000 CLB gia đình hạnh phúc, 500 nhóm cha mẹ, trên 500 nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực công nghiệp, khu vực chế xuất, các địa chỉ tin cậy cộng đồng... Duy trì hiệu quả đường dây nóng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, 3 Ngôi nhà bình yên, các phòng tham vấn học đường; Hỗ trợ xây dựng 30 mô hình giảm nghèo và mô hình hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị, các mô hình phụ nữ khuyết tật tự lực...

Hội đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ vận động tin nhắn ủng hộ được trên 2,5 tỷ đồng hỗ trợ mô hình sinh kế cho 25 xã biên cương; trao tặng 1200 xe đạp, 2 cầu dân sinh, 6 thiết bị tầm soát ung thư cổ tử cung, nhiều đồ dùng thiết yếu, quà cho hội viên, phụ nữ, trẻ em khó khăn; vận động được hơn 63 tỷ đồng ủng hộ xây dựng mới 1435 mái ấm tình thương, sửa chữa 321 nhà; Nhiều địa phương tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí...

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình- Xã hội Hội LHPN Việt Nam đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được sau 1 năm triển khai chủ đề An toàn cho phụ nữ và trẻ em, còn nhiều hạn chế, khó khăn, vấn đề đang đặt ra. Trong đó, các nội dung an toàn được thực hiện chủ yếu liên quan đến môi trường gia đình, còn ít nội dung an toàn nơi công cộng, đặc biệt là vấn đề quấy rối tình dục nơi công cộng; Công tác nắm bắt tình hình các vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến phụ nữ, trẻ em còn chưa kịp thời, việc lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em còn thiếu chủ động, chậm trễ...

Những vấn đề xã hội đặt ra hiện nay đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường sống an toàn của phụ nữ, trẻ em như: thách thức về việc làm đối với phụ nữ trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; xu hướng di cư lao động tăng tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực về hôn nhân, gia đình; tình hình tội phạm liên quan đến an toàn cho phụ nữ, trẻ em ngày càng phức tạp, đa dạng, tinh vi; những tác động tiêu cực của mạng xã hội trong việc giáo dục, định hướng nhân cách cho trẻ em; bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại tình dục ngày càng có nhiều biểu hiện nghiêm trọng; tỷ lệ phụ nữ nạo phá thai, mang thai tuổi vị thành niên, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Bà Tuyết Mai cho biết, chủ đề An toàn cho phụ nữ và trẻ em tiếp tục được các cấp Hội tập trung thực hiện xuyên suốt trong thời gian tới. Trong đó, năm 2020 ưu tiên nội dung trọng tâm về phòng chống xâm hại trẻ em, an toàn cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; kỷ niệm 90 năm thành lập Hội với việc mỗi cấp Hội vận động nguồn lực thực hiện ít nhất 01 công trình an toàn cho phụ nữ, trẻ em như sân chơi, mái ấm tình thương, nhà tiêu hợp vệ sinh, công trình nước sạch, điện thắp sáng... Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình can thiệp, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em ( Làng quê an toàn, Thành phố an toàn, mô hình Một điểm dừng, mô hình An toàn đường đến trường, phòng tư vấn học đường, đường dây nóng...). Đẩy mạnh hoạt động nắm bắt, phát hiện, lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, chú trọng can thiệp sớm ở cơ sở ngày khi phát hiện vụ việc.

Bên cạnh đó, các cấp Hội tăng cường công tác tham mưu đề xuất chính sách, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ.

 Ảnh minh họa

 Đại biểu phát biểu đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục triển khai chủ đề năm An toàn cho phụ nữ, trẻ em


Tại hội thảo An toàn cho phụ nữ và trẻ em do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức sáng 26/11 tại Hà Nội, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, đưa ra các đề xuất, giải pháp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả chủ đề An toàn cho phụ nữ và trẻ em trong thời gian tới. Một số giải pháp đáng chú ý:

- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em (Hình sự, Tố tụng hình sự, Giám định tư pháp) để làm cơ sở phòng ngừa và giải quyết nghiêm minh vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

- Hướng dẫn việc tiếp nhận, xử lý thông tin; hỗ trợ can thiệp kịp thời các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bảo đảm các em được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác

- Kiến nghị cấp có thẩm quyền đánh giá, xử lý việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cấp chính quyền, nhất là UBND cấp cơ sở, các trường học về việc để xảy ra tình trạng không kịp thời xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn, trường học; không kịp thời can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị hại...

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video