“Bà đỡ” của phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác

29/09/2007
17 năm tạo lập kênh tín dụng chính sách, Hội LHPNVN - người bạn đồng hành cùng với Ngân hàng NN&PTNN, Ngân hàng phục vụ người nghèo và nay là Ngân hàng CSXH đã và đang thực thi, khẳng định chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước đối với các hộ nghèo và các gia đình chính sách khác, đặc biệt là đối với hộ phụ nữ nghèo.

5 năm kể từ ngày thành lập đồng thời gian với một nhiệm kỳ Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ IX (2002-2007), đã có hàng triệu lượt hộ phụ nữ nghèo được vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội và đã giúp cho hàng trăm nghìn hộ thoát đói nghèo. Đặc biệt 3 năm trở lại đây, thực hiện Văn bản liên tịch giữa Hội LHPNVN và Ngân hàng CSXHVN về tổ chức thực hiện uỷ thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đã có gần 2 triệu lượt phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước với tổng dư nợ đến nay là hơn 10,7 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43,4% tổng dư nợ thuộc 8 chương trình uỷ thác. Dư nợ cho vay bình quân 1 phụ nữ tăng từ 3,1 triệu đồng/hộ cuối năm 2003 đã tăng lên 5,5 triệu đồng/hộ tại thời điểm 31/7/2007.

 

Cùng với số dư nợ không ngừng tăng lên, tỷ lệ thu nợ, lãi cũng tăng theo. Nếu như năm 2003 đạt 97,45% thì tỷ lệ này năm 2006 đạt 98,65%; tỷ lệ thu lãi tiền vay năm 2003 đạt 86%, 7 tháng đầu năm 2007 đã đạt 91%. Kết quả cuả hoạt động uỷ thác còn được ghi nhận bởi con số ấn tượng: 400.000 phụ nữ thoát khỏi đói nghèo, nhiều hộ đã vượt qua được ranh giới cận nghèo, nghèo để tiếp tục vươn lên khá, làm giàu.

 

Điển hình là chị Ksor Men, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa, tỉnh Gia lai. Trước khi được vay vốn, gia đình chị thuộc diện nghèo nhất xã. Với số tiền vay ban đầu 2 triệu đồng của Ngân hàng CSXH, chị đầu tư mua 2 con bê. Nhờ chăm chỉ, cần mẫn làm ăn, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, sau 3 năm bán bò và bê con, gia đình chị không những trả được hết nợ, lãi mà còn mua được 2 sào ruộng. Năm 2004, chị tiếp tục được vay thêm 5 triệu đồng của Ngân hàng CSXH để san ủi ruộng trồng lúa và đầu tư tiếp để nuôi bò. Lúa đạt năng suất cao, đàn bò sinh sôi nảy nở, cộng với làm thuê, gia đình chị đã ngày càng khá hơn. Có vốn, chị mua thêm đất trồng giống lúa mới và ngô lai. Năm 2006 thu nhập từ tiền bán bò, ngô, lúa được trên 50 triệu đồng/năm. Giờ đây gia đình chị đã thoát nghèo bền vững, nhà cửa khang trang, con cái học hành tiến bộ.

 

Hay như trường hợp của chị Trương Thị Nguyệt (Bắc Ninh), cùng với sự yêu thương đùm bọc của chị em trong tổ vay vốn, chị đã vượt qua nỗi bất hạnh khổ đau, nuôi con khôn lớn trưởng thành. Chồng chết do mắc tệ nạn xã hội, để lại cho chị hai đứa con thơ dại với khoản nợ 30 triệu đồng. Năm 2003, được bình xét cho vay 7 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH và chị em trong tổ góp tiền cho vay thêm, chị đã mạnh dạn đấu thầu 2 mẫu ao thả cá và tận dụng diện tích đất có sẵn trồng rau màu. Cần mẫn tháng ngày, cùng với khéo tính toán, biết áp dụng KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, ngay trong năm đầu chị đã thu lãi 5 triệu đồng. Phấn khởi với “thành quả” ban đầu, chị mạnh dạn đầu tư nuôi cá với quy mô lớn hơn. Năm 2005-2006, trừ chi tiêu, mỗi năm chị để dành được 20 triệu đồng. Hiện nay gia đình chị đã trả được hết nợ, đang có kế hoạch phát triển theo mô hình kinh tế VAC.

 

Và còn rất nhiều những tấm gương vượt khó, nhờ được vay vốn ngân hàng đã không những đoạn tuyệt với quá khứ đói nghèo mà còn tạo dựng được cơ ngơi vững chắc, xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Đặc biệt có chị còn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tiêu biểu như các chị: Nguyễn Thị Bảy ở thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Nam Định, chị Nguyễn Thị Tiến ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, chị Nguyễn Thị Tuyết ở huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam…

 

Thông qua phối hợp dịch vụ uỷ thác, Hội LHPN Việt Nam có điều kiện làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động, chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, đặc biệt là đối với phụ nữ nghèo. Chị em tham gia nhóm vay vốn đã tạo điều kiện cho Hội trong việc thu hút, tập hợp hội viên, góp phần vào kết quả vượt chỉ tiêu phát triển của Hội nhiệm kỳ 2002-2007; đồng thời tạo điều kiện để Hội lồng ghép các hoạt động phổ biến, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho chị em, qua đó cán bộ Hội được nâng cao năng lực, khả năng phối hợp và tổ chức điều hành. Bên cạnh đó, được nhận phí uỷ thác, tổ trưởng các tổ vay vốn được hưởng hoa hồng đã có điều kiện đầu tư cho công tác tập huấn nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, động viên khuyến khích, nâng cao trách nhiệm của cán bộ Hội.

 

Việc phối hợp thực hiện hoạt động uỷ thác giữa Hội LHPNVN và Ngân hàng CSXHVN đã góp phần từng bước hoàn thiện mô hình quản lý liên kết 3 tổ chức: Ngân hàng, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng dân cư, nhằm phát huy thế mạnh và sức mạnh tổng hợp của cả bộ máy chính trị cùng hướng về mục tiêu xoá đói giảm nghèo Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Đỗ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video