“Bàn tay vàng” của Bệnh viện Chợ Rẫy: “Không có bằng khen nào quý hơn việc cứu được bệnh nhân”

27/02/2020
Ẩn sau vẻ ngoài dịu dàng của bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh là sự mạnh mẽ, quyết đoán. 20 năm gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), từng “hóa giải” thành công nhiều ca bệnh cực kỳ “khó nhằn” trong lĩnh vực nội soi, bác sĩ Thanh được đồng nghiệp mệnh danh “bàn tay vàng”.
BS Phạm Thị Vân Thanh, Khoa Nội soi - Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM

Bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh tâm sự, phải thật sự yêu nghề và thương yêu bệnh nhân thì mới gắn bó được với nghề y. "Khi làm việc, tôi luôn dốc hết tâm sức của mình, xem bệnh nhân như người thân của mình vậy. Tôi luôn tự hỏi, nếu giả sử người thân của mình bị bệnh như vậy thì mình phải làm thế nào? Lúc nào tôi cũng đặt hết tâm sức để điều trị cho người bệnh", bác sĩ Vân Thanh chia sẻ.

- Tôi từng được nghe nhiều người kể, trong vụ cháy chung cư Carina Plaza cách đây 2 năm, chị đã đứng hàng giờ đồng hồ, không nghỉ ngơi, ăn uống để cứu những nạn nhân trong vụ thảm họa đó?

Đó mãi là một kí ức không thể nào quên được trong cuộc đời tôi. Tôi nhớ, theo kế hoạch, vào sáng ngày 23/3/2018, tôi sẽ đến bệnh viện để nhận bằng khen của Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy vì đã góp phần cứu sống một bệnh nhân đứng giữa lằn ranh sinh - tử trước đó khoảng 1 tuần. Bệnh nhân là một phụ nữ sống ở quận 8, TPHCM bị mắc dị vật ở phổi. Vấn đề là người này đã mất một bên phổi nên khi dị vật mắc ở phổi còn lại khiến tính mạng bệnh nhân bị đe dọa. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện quận, sau đó được chuyển đến một bệnh viện khác nhưng do không xử lý được nên tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Đây thật sự là một ca bệnh khó, nguy cơ bệnh nhân tử vong cao. Tôi còn nhớ, tại thời điểm đó, có đồng nghiệp đã nói với mình rằng: "Ca này chỉ còn biết trông chờ vào bác sĩ Vân Thanh thôi. Nếu không làm được là thua". Thực tế, tôi đã làm hết sức mình và cuối cùng dị vật đã được lấy ra, bệnh nhân được cứu sống. 

Từ rạng sáng ngày 23/3/2018, tôi đã đọc được những thông tin về vụ cháy ở chung cư Carina Plaza nhưng không ngờ hậu quả của nó lại tàn khốc như vậy. Sáng sớm đến bệnh viện, đã có rất nhiều bệnh nhân nằm chờ để nội soi, có cả người lớn và trẻ em. Những bệnh nhân bị bỏng đường hô hấp tôi đều thực hiện hết. Tôi nhớ mình đã làm việc liên tục từ sáng sớm đến tận tối mịt mà không kịp ăn uống, nghỉ ngơi gì cả.

Thật sự, chúng tôi rất tự hào khi tất cả các bệnh nhân bị bỏng trong vụ cháy chung cư Carina Plaza  vào Bệnh viện Chợ Rẫy đều được cứu sống. Đó là thành công lớn của đội ngũ y bác sĩ và tập thể bệnh viện. Đối với tôi, không có bằng khen nào quý hơn việc bệnh nhân được cứu sống nhờ công sức của mình.

- Đó có phải là những ca bệnh "đáng nhớ" nhất của chị hay chưa?

Đối với người bác sĩ, trong mỗi ca bệnh đều phải cố gắng hết sức mình để cứu sống bệnh nhân. Tôi cũng không là ngoại lệ.

Tôi còn nhớ về một một ca bệnh khác, đó là trường hợp của một phụ nữ đang mang thai ở tuần 38 bị bỏng vùng mặt rất nặng do nổ bếp gas. Khi bệnh nhân nhập viện thì không thể đặt được nội khí quản. Bệnh nhân khó thở khiến cho em bé bị ngột, đạp cho bụng người mẹ méo qua méo lại.

Lúc đó, tôi quyết tâm phải đặt được ống thở nếu không cả mẹ và con sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Đến khi nghe tiếng đứa trẻ khóc thì tôi cũng rơi nước mắt. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc vì đã cứu được người bệnh.

Bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh trong phòng thực hiện thủ thuật nội soi hô hấp

Trong suốt 20 năm qua, tôi luôn đặt quyết tâm rất lớn để cứu được người bệnh. Phải dành người bệnh từ tay thần chết. Tôi nghĩ, tôi phải làm được và sẽ làm được điều đó.

Thế nhưng, cũng có những ca bệnh khiến tôi trăn trở. Chỉ mới đây thôi, có một bệnh nhân nữ 29 tuổi tìm đến thăm khám vì ho nhiều. Kết quả cho thấy người này bị ung thư đã di căn. Tôi thật sự sốc và đau đớn khi biết được thêm rằng, chị còn có hai con còn rất nhỏ, một bé 6 tuổi và một bé mới 2 tuổi. Điều tôi có thể giúp được cho bệnh nhân lúc này là động viên chị và hỗ trợ chị làm thêm các xét nghiệm, điều trị để kéo dài sự sống.

- Thực tế, không có nhiều bác sĩ chọn ngành nội soi, nhất lại là nội soi hô hấp. Tại sao chị lại đến với chuyên ngành này?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu. Tốt nghiệp phổ thông, tôi thi đậu vào Trường Đại học Y Dược TPHCM. Với điểm số cao, tôi còn có cơ hội qua Úc để học ngành công nghệ sinh học. Nhưng rồi cuối cùng, tôi quyết định chọn lên thành phố để học.

Sau khi tốt nghiệp thì tôi về làm việc tại khoa Nội soi - Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó, tôi đi tu nghiệp ở Mỹ và quyết định gắn bó với nội soi hô hấp. Đây là một quyết định không hề dễ dàng tại thời điểm đó. Nhiều người từng lo sợ tới 35 tuổi thì tôi sẽ không cầm nổi máy nội soi nữa.

Phải nói thêm rằng, những bác sĩ như tôi cũng phải đối mặt với nhiều nguy hiểm từ nghề. Trong đó có nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm như lao, viêm gan hay Covid-19…

- Nhưng bây giờ, ở tuổi 40, chị vẫn đang rất dẻo dai?

Trong thời đầu làm việc, bệnh nhân thường rất đông, Bệnh viện Chợ Rẫy lại là tuyến cuối nên những bệnh nhân vào đều là ca bệnh khó, nặng. Vào thời gian trực, tôi dường như không biết giấc ngủ là gì.

Ngoài làm việc ở khoa thì tôi còn đi làm việc luân phiên ở các chuyên khoa khác như cấp cứu, ung bướu… để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Có những lúc khó khăn tưởng chừng như phải bỏ cuộc nhưng vì yêu nghề nên lại tiếp tục bước lên phía trước.

Bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh cùng đồng nghiệp

Tôi phải cảm ơn người thầy đã dìu dắt, hướng dẫn tôi rất nhiều trong quảng thời gian đi tu nghiệp ở Mỹ. Thầy đã dạy tôi rất nhiều, hướng dẫn tôi cách cầm máy nội soi, cách đứng trong khi làm việc để tồn tại lâu dài với nghề. Thực tế, để cầm chiếc máy nội soi nặng 1,5kg; mỗi ca bệnh trung bình kéo dài 15-30 phút, có ca dài đến 2 tiếng đồng hồ trong suốt 20 năm thực sự không phải là chuyện đơn giản.

Khi tôi về khoa, cũng có nhiều người hoài nghi hỏi "bác sĩ nữ sao làm nội soi nổi?". Tôi làm việc ở khoa 12 năm thì mới có thêm một bác sĩ nữ về khoa làm việc, ở chuyên nội soi tiêu hóa. Đến giờ thì cả khoa cũng chỉ có 3 bác sĩ nữ. Nói vậy để thấy rằng, nội soi thật sự "kén người" hơn so với các chuyên khoa khác.

- Cảm xúc của chị thế nào khi được đồng nghiệp gọi bằng biệt danh "bàn tay vàng"?

Nội so hô hấp rất chuyên biệt, khó. Đường thở của mỗi người chỉ có một, khi mình soi vào thì cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Bệnh lý hô hấp diễn tiến nhanh, sự sống của bệnh nhân nhiều khi chỉ tính bằng giây phút.

Để làm tốt công việc, người bác sĩ ngoài kỹ năng thì cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các chuyên khoa khác trong bệnh viện. Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, các chuyên khoa đều rất mạnh, phát triển.

Tôi rất vui vì đã thực hiện được nhiều ca bệnh khó, giúp cứu sống bệnh nhân. Khi được đồng nghiệp đặt cho biệt danh "bàn tay vàng" thì tôi rất tự hào, nhưng cũng không tự mãn. Trong công việc, tôi luôn cố gắng hết sức để phục vụ tốt cho bệnh nhân, không bao giờ nghĩ mình là người quan trọng. Có lúc gặp ca khó cũng sợ thất bại lắm chứ, nhưng rồi cứ đặt quyết tâm, cố hết sức để làm. Làm nhiều thì sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

Bác sĩ Vân Thanh cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Chợ Rẫy

- Vậy, điều gì khiến chị tâm đắc nhất suốt quãng thời gian gắn bó với nghề y?

Nếu nói điều tâm đắc nhất, tôi nghĩ đó là việc tôi đã giúp cho những bệnh nhân bị sẹo hẹp đường thở có được cuộc sống tốt hơn mà không phải trải qua một cuộc mổ hở. Tôi vẫn sẽ phải tiếp tục học hỏi để thực hiện được mốt số nội soi cao cấp hơn như nội soi siêu âm, đánh giá ung thư, chẩn đoán ung thư ngoại biên.

- Chị có thể chia sẻ thêm về cuộc sống gia đình của mình?

Bố mẹ tôi là giáo viên. Hiện tại, cả 4 chị em trong gia đình và 3 người anh, em rể đều theo nghề y. Như vậy là có đến 7 người trong gia đình tôi theo nghề y. Đó cũng xem như là một điều đặc biệt.

Còn ông xã tôi làm về công nghệ thông tin. Cậu con trai lớn năm nay học lớp 12, bé gái út đang học lớp 7. Cháu đầu cũng đang cố gắng và mong muốn sau này sẽ gắn bó với nghề y. Đó là ước mơ của cháu.

Xin cảm ơn chị !

 

PGS.TS Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM:

Bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh là nữ bác sĩ đã trải qua một quá trình dài làm việc, gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy và trở thành một bác sĩ nội soi đường hô hấp có kinh nghiệm, có khả năng chuyên môn rất vững vàng.

Bác sĩ Vân Thanh rất chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các thầy, các đàn anh đi trước và sống hòa đồng với đồng nghiệp. Đối với những trường hợp khó, bác sĩ Vân Thanh luôn theo sát, trực tiếp tham gia giải quyết với một quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao. Như trường hợp cấp cứu các bệnh nhân trong vụ cháy chung cư Carina Plaza là một điển hình. Bản thân tôi rất tin tưởng và thú vị khi hai anh em có dịp cùng hợp tác chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.

 

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video