“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ vừa khó nhưng cũng vừa dễ”

17/05/2008
Với lối kể chuyện dung dị, tình cảm và sâu lắng đi vào lòng người nghe, câu chuyện “Bác không thăm những người như mẹ con thím thì thăm ai” của thí sinh Lê Thị Ngọc Linh đến từ Yên Hưng đã chinh phục hoàn toàn Ban Giám khảo và người nghe tại Hội thi sơ khảo “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp tỉnh Quảng Ninh, khu vực II, gồm các địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Yên Hưng, Hoành Bồ, Hạ Long và Cẩm Phả.

Ngọc Linh xứng đáng khi nhận giải nhất khu vực II và bước tiếp vào cuộc thi chung khảo, tổ chức đúng vào ngày sinh của Bác, 19-5.

 Chị Lê Thị Ngọc Linh

+ Chào chị Ngọc Linh, cảm xúc của chị khi nhận giải nhất vòng sơ khảo hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp tỉnh, khu vực II?

- Tôi rất hạnh phúc và tự hào không chỉ bởi giải thưởng mà điều quan trọng là  đã truyền đạt được hết ý nghĩa sâu sắc của một câu chuyện kể về Bác Hồ tới khán giả. Câu chuyện kể về dịp 30 Tết, Bác Hồ đến thăm hỏi và động viên gia đình một cô công nhân có hoàn cảnh éo le, chồng chết sớm, một nách nuôi dạy 2 con ăn học, kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Đây là câu chuyện tôi yêu thích và cảm thấy có ý nghĩa nhất. Đáng mừng là trong các cuộc thi mà tôi đã tham gia, tôi cảm thấy đã đạt được một phần mong muốn đó, ít nhất là đã có thêm nhiều người biết và hiểu về câu chuyện này.

+ Vâng, mọi người rất ấn tượng về câu chuyện của chị. Có vị giám khảo còn nhận xét chị đã thổi hồn vào câu chuyện, khiến câu chuyện về Bác đã được tái hiện rõ nét. Chị đã làm như thế nào để đạt được điều này?

- Thực ra từ hồi còn nhỏ, tôi đã được ông bà, bố mẹ kể cho nghe những câu chuyện về Bác Hồ. Nhất là bố tôi. Tôi còn nhớ một lần ông đi công tác ở Hà Nội, ông đã mua quà cho tôi là cuốn ‘’Bác Hồ kính yêu’’. Tôi quý quyển sách lắm, đọc thuộc làu từng câu chuyện trong đó. Không dám khoe nhưng nhờ quyển sách ấy, mà suốt thời học phổ thông tôi luôn được bầu chọn là người kể chuyện hay nhất. Khi là sinh viên Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, trong lúc các bạn trong phòng ham thích các sách báo tình cảm, hướng dẫn làm đẹp (phụ nữ mà, cười) thì tôi lại mê mẩn với ‘’Búp sen xanh’’ ‘’Những chuyện kể về Bác Hồ’’... Bù lại, khi ra trường, công tác trong ngành giáo dục, chính những vốn kiến thức về Bác Hồ mà tôi đã tiếp thu được qua các câu chuyện kể về Bác đã giúp tôi giảng dạy cho học sinh tốt hơn. Nói chung, hình ảnh về Bác đã thấm sâu vào lòng tôi từ lúc nào đó rồi. Có lẽ đây là động lực chính giúp tôi kể được câu chuyện về Bác thành công.

+ Bước vào cuộc thi chung khảo, chị đã chuẩn bị cho mình được những  gì rồi?

- Quả thực, tôi cũng có điểm yếu là hay bị chi phối về tâm lý trước hội nghị tập trung quá đông người. Trong cuộc thi chung khảo, tôi sẽ phải cố gắng để khắc phục hạn chế này. Tuy nhiên, vì đã vượt qua vòng sơ khảo nên tôi sẽ tự tin hơn.

+ Đối với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’ hiện có ý kiến đánh giá là còn mang tính hình thức, điều này có phần thể hiện trong việc tổ chức các cuộc thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở một số nơi. Chị nghĩ sao về điều này?

- Theo tôi, cuộc vận động ‘’Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’ là cuộc vận động lớn, mang tính toàn diện và lâu dài. Muốn đạt được kết quả cuối cùng, chúng ta cần phải có quá trình, thời gian từ thay đổi nhận thức đến thực hành, làm theo gương Bác. Việc tổ chức các cuộc thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’ cũng vậy. Chỉ một vài cuộc thi đơn điệu buồn tẻ sẽ không có tác dụng gì, song khi huy động được các ngành, các cấp tham gia, tổ chức được nhiều cuộc thi, thu hút được nhiều người thì lại khác. Tôi cho rằng, bước đầu đến nay các cuộc thi đã chuyển tải đến cho đông đảo nhân dân thêm hiểu và kính trọng những đức tính tốt đẹp của Bác Hồ. Nó có tác động rất tích cực trong việc tuyên truyền, vận động sâu rộng các tầng lớp nhân dân học tập, làm theo tấm gương, đạo đức của Bác. Thực tế, bất kỳ cuộc vận động hay phong trào thi đua nào đều phải có quá trình, hình thức thể hiện... 

+ Qua tham gia cuộc thi, chị đã học tập được gì từ những câu chuyện kể về Bác Hồ và áp dụng như thế nào trong công việc của mình?

- Việc học tập và làm theo gương Bác vừa khó lại vừa dễ. Khó bởi vì tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh truyền thống đạo đức của dân tộc, là chuẩn mực của mọi thời đại. Nghe có vẻ trìu tượng, cao siêu quá. Song thực tế nó lại hết sức gần gũi. Đạo đức của Bác Hồ là cái gì đó thể hiện ngay trong cách ứng xử văn hoá, giữa các mối quan hệ hàng ngày của chúng ta. Theo tôi, đối với mỗi người trong cuộc sống đời thường cần ứng xử đúng mực, có văn hoá, phù hợp với những quy chuẩn đạo đức truyền thống, trong công việc phải có thái độ tận tâm, hoàn thành các trách nhiệm được giao. Thế cũng đã thể hiện tinh thần học tập và làm theo gương Bác rồi.

Còn đối với người cán bộ, đảng viên yêu cầu về việc học tập và làm theo gương Bác phải cao hơn. Đó là điều dễ hiểu. Bởi hiện nay nhiều cán bộ, đảng viên được Nhà nước giao cho quyền hạn đồng thời cũng quy định trách nhiệm cao hơn quần chúng. Bởi vậy mà trong quá trình thực thi chức trách cần phải đề cao ‘’chí công, vô tư’’. Những cán bộ nào làm được như vậy, có nghĩa là họ đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ.

Còn với bản thân tôi chọn câu chuyện ‘’Bác không thăm những người như mẹ con thím thì thăm ai’’ để tham gia cuộc thi lần này, một phần bởi nội dung câu chuyện khá giống với công việc của chúng tôi. Hiện tôi đang công tác tại Hội Phụ nữ huyện Yên Hưng. Làm thế nào để giúp chị em phụ nữ có điều kiện phát triển về kinh tế và tham gia đầy đủ các hoạt động xã hội, nhất là những chị em có hoàn cảnh khó khăn luôn là điều chúng tôi suy nghĩ, tìm tòi. Trong câu chuyện tôi kể, tôi rất thích câu nói của Bác ‘’Nếu muốn mọi người cùng vui Tết thì phải lo cho ai cũng có việc làm, phải chú ý đến những người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt’’. Thực ra không có người phụ nữ nào muốn mình là đối tượng của các hoạt động từ thiện. Chỉ cần họ còn sức lực, đủ khả năng lao động thì chắc chắn họ muốn làm việc để tự chăm lo cho bản thân của mình. Đối với những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn lại càng phải quan tâm hơn, ngoài hỗ trợ về cơ sở vật chất tạo điều kiện về phương tiện, tư liệu sản xuất còn phải tích cực động viên họ về mặt tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho họ vững vàng trong cuộc sống.

+ Vâng, xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Chúc chị tiếp tục thành công trong cuộc thi chung khảo.

                                                                                                                              Việt Hoa (Thực hiện) -  Quảng Ninh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video