“Lắng nghe trẻ em nói” - nghe xong hãy hành động

02/07/2015
Đó là ý kiến chung của đa số chuyên gia khi đề xuất giải pháp để tăng cường quyền trẻ em và quyền tham gia của trẻ em tại hội thảo “Quyền tham gia của trẻ em trong gia đình và vai trò của cha mẹ” do TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với UBQG Thanh niên Việt Nam tổ chức nhân dịp Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 vừa qua.

Lắng nghe trẻ em nói

Khi được hỏi “Em hiểu như thế nào về quyền trẻ em?”, đa số các em tham dự được hỏi đều ấp úng không trả lời được hoặc trả lời không đầy đủ. Em Đồng Thị Hậu - học sinh lớp 8 (Điện Biên): “Theo em quyền tham gia của trẻ em là học tập”. Em Bùi Nguyễn Thế Bảo - Học sinh lớp 2 (Phủ Lý - Hà Nam): “Em không biết ạ”.

Trả lời cho câu hỏi: “Con mong muốn gì ở thầy cô, cha mẹ và mọi người lớn?”, em Phạm Quỳnh Giang học sinh lớp 7 (Chùa Láng - Hà Nội) bày tỏ: “Em muốn được bố mẹ quan tâm nhiều hơn về ý thích, cho quyền được quyết định mua gì, làm gì và không cấm chơi với bạn nào, bắt phải chơi với bạn nào. Em muốn khi em không hiểu bài thì được bố mẹ giảng giải ân cần, chỉ ra các lỗi sai và không mắng khi em bị điểm kém”.

Em Nguyễn Đức Khôi học sinh lớp 4 (Thuận Thành - Bắc Ninh) sôi nổi: Em không muốn bị cô giáo đánh mắng trước lớp, không muốn bị cô bắt ngồi trên bục giảng và phạt dọn vệ sinh khi đi học muộn, khi không làm đủ bài tập về nhà. Em thích cô giáo ân cần, hiền dịu, giảng bài kỹ hơn cho em dễ hiểu hơn. Em muốn khi em nói chuyện với bố mẹ thì bố mẹ hãy nghe em nói, đừng chỉ vừa nghe vừa nhìn vào điện thoại, tay liên tục trượt trên màn hình và ậm ừ như không nghe thấy gì”.

Em Nguyễn Minh Khuê - học sinh lớp 3 (Cầu Giấy - Hà Nội): Em bị bố mẹ bắt học suốt ngày, ngoài học ở trường, em phải học thêm 4 buổi một tuần, lúc về nhà phải làm nhiều bài tập ở nhà. Hôm nào em bị điểm kém, khi cô nhắn tin là em nói chuyện riêng ở lớp hoặc không trả lời được câu hỏi của cô… là mẹ em mắng rất nhiều, phạt không cho đi chơi, bắt em phải làm lại bài đó. Ở lớp có lần em viết chữ xấu bị cô bắt xòe tay ra rồi lấy thước đánh vào tay cho chừa. Em thích được bố mẹ đưa đi chơi, có nhiều bạn bè và ít phải đi học thêm hơn”.

Người lớn cần hành động gì?

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng - Cục Chăm sóc bảo vệ trẻ em, Giám đốc Trung Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng kiến nghị: Lắng nghe trẻ em nói, nghe xong chúng ta phải xem xét nguyện vọng các em có phù hợp hay không để quyết định đáp ứng hay không đáp ứng. Ông cũng đề nghị sự cần thiết phải có cơ quan giám sát độc lập khách quan về việc thực hiện Luật Trẻ em để đảm bảo tính minh bạch, công khai và bảo vệ tốt nhất quyền cho các em.

Bà Nguyễn Thị An - Plan Việt Nam (một tổ chức phi chính phủ quốc tế phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trung tâm) chia sẻ: Người lớn đều đã từng là trẻ em nhưng khi là người lớn chúng ta lại quên mất điều đó và cư xử với con theo cách bố mẹ từng làm với chúng ta khi xưa mà quên đi cách mà khi còn là trẻ con ta mong đợi. Bà An cũng đề ra một số mô hình giúp bố mẹ tăng cường sự tham gia của trẻ trong gia đình như CLB Nắm tay con cùng bước, CLB Làm cha mẹ… Bên cạnh đó cần tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các cuộc đối thoại giữa trẻ em và người lớn, các trò chơi gia đình có sự tham gia của bố mẹ và con cái. Cần nâng cao nhận thức của cha mẹ về quyền trẻ em và tham gia các hoạt động dự án với trẻ để hiểu rõ hơn về quyền tham gia của trẻ em. Người lớn không được cản trẻ em thực hiện các quyền tham gia của mình trừ trường hợp sự tham gia đó không phù hợp với các quy định của Luật.

Ông Trần Hướng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình cho biết, hiện nay Bộ VHTTDL đang xây dựng Đề án quốc gia về Giáo dục đời sống gia đình, dự kiến trình Chính phủ ban hành trong năm 2016. Hoạt động này nhằm đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đời sống gia đình đến các thành viên trong gia đình. Ông cũng nêu ra những giải pháp để tăng cường quyền trẻ em nói chung và quyền tham gia của trẻ em nói riêng như: Cần thực hiện có hiệu quả đồng bộ các luật, chương trình đề án về lĩnh vực gia đình, trẻ em, tạo sự đồng bộ về pháp lý trong thực hiện quyền trẻ emđể pháp luật đi vào thực tiễn. Nâng cao năng lực, vai trò và sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị liên quan. Bên cạnh kinh phí của Nhà nước có thể tăng cường xã hội hóa các hoạt động tăng cường hơn nữa vai trò của cha mẹ và gia đình vào các chính sách, chương trình can thiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời gian tới.

Xin mượn lời của Bác sĩ Nguyễn Trọng An để kết thúc bài viết này: “Chúng ta vẫn nói “hãy lắng nghe trẻ em nói” nhưng lắng nghe xong chúng ta thường ít hành động”. Theo tôi cần có thêm cụm từ “nghe xong hãy hành động” đi kèm để mọi điều tốt đẹp mà chúng ta muốn mang lại cho trẻ em không chỉ là lý thuyết”.

Trần Thúy

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video