"Phụ nữ Việt Nam phát huy truyền thống "Năng động - Sáng tạo - Trung hậu - Đảm đang" góp phần vào sự nghiệp CNH-HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"

15/12/2004
Trong những ngày này, tại TP Cần Thơ, cùng với việc tiến hành Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam nhằm kiểm điểm đánh giá công tác Hội năm 2004, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2005, bàn sâu một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam còn tổ chức nhiều hoạt động lớn thu hút đông đảo đại biểu ở các tỉnh, thành trong cả nước tham dự. Nhân dịp này, đồng chí Hà Thị Khiết, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về một số nội dung trọng tâm của các hoạt động trên.

P.V: Thưa đồng chí Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, xin đồng chí cho biết ý nghĩa, nội dung những hoạt động lớn của Hội LHPN Việt Nam diễn ra tại TP Cần Thơ lần này?

 

Đồng chí Hà Thị Khiết: Từ ngày 12 đến 16/12/2004, tại thành phố trẻ Cần Thơ, đô thị trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi có 2 hoạt động lớn kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 15 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân: Tổ chức triển lãm “Phụ nữ Việt Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước” và giao lưu “Phụ nữ cả nước với QĐND Việt Nam”. Có hơn 500 đại biểu đại diện cho phụ nữ cả nước và các chiến sĩ được giao lưu với các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng LLVT, các đồng chí đại diện lãnh đạo QĐND Việt Nam, các văn nghệ sĩ… nhằm ôn lại lịch sử của dân tộc, cũng như những biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong 60 năm qua của các chiến sĩ QĐND Việt Nam. Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Hội được tổ chức tại Cần Thơ nhằm đánh giá lại các hoạt động trong năm 2004, kiện toàn BCH Trung ương Hội, bàn sâu một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ và đưa ra phương hướng hoạt động năm 2005. Đặc biệt, dịp này, để biểu dương các điển hình phụ nữ dân tộc - tôn giáo tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của Hội, chúng tôi tiến hành Hội nghị biểu dương phụ nữ dân tộc, tôn giáo tiêu biểu các tỉnh Nam bộ, và chúng tôi cũng tiến hành tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và Bộ Giáo dục - Đào tạo về giáo dục xóa mù chữ và hạn chế trẻ em bỏ học trong 10 năm qua.

 

P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò của các tầng lớp phụ nữ dân tộc - tôn giáo trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của Hội, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở địa phương?

 

Đồng chí Hà Thị Khiết: Trong những năm qua, phong trào phụ nữ ở các tỉnh Nam Bộ đã không ngừng phát triển và đạt nhiều thành tích tốt đẹp, được Đảng, Nhà nước và Hội khen tặng nhiều Huân, huy chương, cờ và bằng khen. Đóng góp vào thành tích chung đó, có lực lượng phụ nữ các dân tộc, tôn giáo trong vùng. Chị em đã khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất và tham gia công tác xã hội, không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển trong đại gia đình các dân tộc, tôn giáo VN. Sự đóng góp của nhiều chị em trên các lĩnh vực đã khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ dân tộc, tôn giáo trong gia đình và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, xây dựng phong trào phụ nữ Việt Nam ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước.

 

Có thể thấy 150 chị em đại diện cho các phụ nữ tôn giáo - dân tộc khu vực phía Nam được biểu dương tại Hội nghị này hết sức tiêu biểu. Thông qua các hoạt động tuyên truyền giáo dục do Hội tổ chức, chị em phụ nữ tôn giáo- dân tộc hiểu rõ hơn chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước, các nội dung thi đua của Hội, từ đó nhiều chị em gương mẫu chấp hành, tích cực vận động gia đình và cộng đồng cùng thực hiện phương châm sống “Tốt đời Đẹp đạo”, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Điển hình như huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, tỉnh An Giang, năm 2004 đã giảm được 80% số phụ nữ dân tộc Khmer khiếu kiện sai pháp luật.

 

Có nhiều gương điển hình trong vận động hội viên, phụ nữ dân tộc, tôn giáo thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước như: Chị Ba Si Roh (TP. HCM) xây dựng đội phụ nữ Chăm thực hiện tốt đường lối của Đảng, chị Nguyễn Thị Mơ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã lồng ghép tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, phong trào thi đua của Hội vào các buổi sáng sinh hoạt giới Hiền Mẫu; chị Châu Kho Ly, dân tộc Chăm, đạo Hồi, tích cực tham gia công tác hội, vận động chị em phụ nữ chăm sóc 3 bà mẹ Việt Nam anh hùng neo đơn, vận động chị em quyên góp 45 triệu đồng xây 9 căn nhà cho gia đình chính sách. Nhiều chị không ngại khó khăn, có nhiều sáng tạo trong tổ chức nâng cao trình độ văn hóa cho chị em, tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Phấn (Bà Rịa - Vũng Tàu), chị Võ Thị Huệ (An Giang)… không chỉ dạy học miễn phí cho chị em, còn tranh thủ các vị Linh mục nhà thờ hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo, vận động học sinh bỏ học trở lại lớp; chị Điểu Thị Hương, dân tộc Stiêng (Bình Phước) vừa nuôi dạy con ngoan, học giỏi, vừa xóa mù chữ cho 119 phụ nữ dân tộc Stiêng. Nhiều chị không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên khấm khá mà còn tích cực giúp đỡ nhiều chị em khác thoát nghèo. Điển hình như chị Tăng Thị Đi Lenl (Sóc Trăng) giúp vốn, tương trợ cho 30 phụ nữ nghèo, đến nay có 25 chị thoát nghèo; chị Trần Thị Ánh Hồng,Tín đồ đạo Công giáo (Tiền Giang), được Hội giúp đỡ thoát nghèo, chị đã mạnh dạn tín chấp thành lập tổ dệt chiếu, giải quyết việc làm ổn định cho 60 chị; chị Neáng Kim Lương (An Giang) đã đầu tư khôi phục nghề dệt truyền thống của phụ nữ Khmer, giúp 126 chị có thu nhập ổn định; hay như chị Liêu Thị Hai (Bình Dương), phát triển nghề gốm, mỹ nghệ, tạo việc làm cho 70 lao động… Và còn rất nhiều điển hình tiêu biểu trong công tác vận động, giúp đỡ phụ nữ tôn giáo - dân tộc thực hiện tốt 6 chương trình công tác Hội, phát triển kinh tế -xã hội địa phương, chăm lo cho gia đình chính sách, tích cực tham gia công tác từ thiện, xã hội… Mỗi chị là một bông hoa đẹp trong vườn hoa thơm ngát của Hội.

 

P.V: Riêng chương trình phối hợp giữa Hội LHPNVN với Bộ Giáo dục - Đào tạo về giáo dục xóa mù chữ và hạn chế trẻ em bỏ học có những thành tựu gì mới, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Hà Thị Khiết: Tính trong 10 năm thực hiện chương trình phối hợp này, cả nước đã xóa mù chữ cho 2 triệu phụ nữ và trên 150 nghìn trẻ em. Kết quả đó là nhờ các cấp Hội cùng các ngành liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Hội đã quyên góp tiền xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục để giúp các em đến trường, liên kết với Ngân hàng chính sách xã hội giúp các gia đình nghèo vay phát triển sản xuất để các em được đến trường. Đặc biệt, làm mô hình liên kết thí điểm với Ngân hàng Người nghèo, để người nghèo vay vốn phát triển sản xuất và gởi tiết kiệm, để lo cho con em đến trường; đồng thời phối hợp với ngành giáo dục xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng, tổ chức các lớp học tình thương, nâng cao kiến thức cho phụ nữ, trẻ em. Hội cũng đã phối hợp với ngành giáo dục xây dựng câu lạc bộ sống khỏe cho trẻ em ngoài trường học, trong sinh hoạt lồng ghép xóa mù chữ cho trẻ em (như CLB Bình Mỹ của An Giang). Hội phối hợp Bộ GD-ĐT xây dựng bộ học liệu xóa mù chữ hành dụng, giúp phụ nữ tiếp thu dễ dàng, với 30 đầu sách, học liệu. Ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, Hội kết hợp với bộ đội biên phòng xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em và đã tiến hành tổng kết chương trình phối hợp 10 năm. Hội cũng đã xây dựng mô hình điểm hỗ trợ cho trẻ em khó khăn tại Hà Nam, Quảng Ninh và Hải Phòng, sau khi xây dựng, khảo sát nắm chắc số lượng trẻ em, bỏ học, đề xuất với Sở GD-ĐT, UBDSGĐTE để xóa mù chữ, phổ cập tiểu học cho trẻ em. Hội nghị lần này, Trung ương Hội tiếp tục đánh giá lại chương trình đã đạt được những kết quả như thế nào, còn gì hạn chế, đưa ra bài học kinh nghiệm, bàn biện pháp làm thế nào xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là cán bộ cơ sở hội và trẻ em gái trong vùng khó khăn... để làm thế nào đạt được chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX đã đề ra.

 

P.V: Trong những vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ như phòng chống bạo lực trong gia đình, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; phòng chống mại dâm, HIV/AIDS, tình hình phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hội nghị lần này sẽ đưa ra những biện pháp gì để giải quyết, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Hà Thị Khiết: Cả 5 vấn đề trên không chỉ xảy ra ở các tỉnh Nam Bộ mà ở hầu hết tỉnh, thành trên cả nước. Các vấn đề trên có ảnh hưởng trực tiếp đến nhân phẩm, vinh dự, sức khỏe, tính mạng của phụ nữ và trẻ em. Lần này, Ban Chấp hành bàn sâu những vấn đề này để ra nghị quyết chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp phụ nữ và cộng đồng biết cách phòng tránh, tự bảo vệ mình; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động phòng chống các tệ nạn xã hội và buôn bán phụ nữ trẻ em, góp phần giảm nguy cơ và hạn chế tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Tại hội nghị lần này, chúng tôi sẽ thảo luận và bàn bạc một số biện pháp cụ thể để thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ, đồng thời đưa ra một số đề xuất đối với Đảng, Nhà nước trong việc sớm ban hành những văn bản luật pháp liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.

 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Kim Chinh (thực hiện)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video