“Xoá hộ trắng hội viên” - một mô hình cần được nhân rộng

29/09/2007
Sau 4 năm thực hiện mô hình “Xoá hộ trắng hội viên”, đến nay Hội LHPN tỉnh Long An đã phát triển được hơn 132.000 hội viên, nâng số hộ có hội viên phụ nữ lên 86%. Nhìn vào kết quả này, ít ai có thể hình dung được rằng, trước đó không lâu, đây là địa phương có tỷ lệ phụ nữ ngoài tổ chức Hội lên tới 65% và chỉ tiêu phát triển hội viên là một áp lực rất lớn đối với các cấp Hội.

Là một tỉnh có điều kiện tự nhiên lẫn kinh tế tương đối khó khăn, lại mỏng về tổ chức Hội nên trước đây, hoạt động Hội và phong trào phụ nữ nhiều nơi ở Long An còn hạn chế. Không ít cơ sở Hội còn lúng túng trong việc xác định phát triển hội viên nòng cốt, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt Hội không đạt yêu cầu và việc triển khai các hoạt động Hội còn nhiều hạn chế.

 

Mô hình “xoá hộ trắng hội viên” của Hội LHPN Long An bắt nguồn từ nhận thức rằng nếu mỗi gia đình phát triển được ít nhất một hội viên thì đây sẽ là hạt nhân triển khai các hoạt động của Hội đến các thành viên còn lại trong gia đình, tạo nền tảng vững chắc cho công tác phát triển hội viên trong tương lai. Đặc biệt, đây là mô hình rất phù hợp với khả năng, trình độ của cán bộ Hội cơ sở.

 

Với quyết tâm thực hiện tốt mô hình này, Hội LHPN Long An đã rất cân nhắc trong từng bước đi và đã xây dựng một quy trình đồng bộ gồm: khảo sát thực trạng; lập kế hoạch; chỉ đạo điểm; đánh giá, rút kinh nghiệm và cuối cùng là triển khai diện rộng, kiểm tra, đánh giá kết quả. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới khâu khảo sát thực trạng với đối tượng là phụ nữ từ 18 tuổi trở lên và số hộ có phụ nữ, hội viên nhằm mục đích phân loại đối tượng; tìm hiểu nguyên nhân và đề ra các giải pháp cụ thể thu hút chị em vào Hội. Ngoài ra, tỉnh Hội cũng đã xác địnhchỉ tiêu và tiến độ thực hiện cụ thể. Năm 2003, tập trung chỉ đạo điểm xây dựng mô hình, tổ chứcHội nghị rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2002-2006 đạt 80% hộ xoá trắng hội viên, 100 % cơ sở thực hiện đồng bộ.

 

Từ 2 ấp được chọn làm thí điểm ở xã Tân Phú (huyện Đức Hoà), đến nay, sau 4 năm thực hiện, Long An đã có hơn 1.000 ấp chi Hội, 8226 tổ Hội, phát triển được 132.000 hội viên, nâng số hộ có hội viên từ dưới 50% lên 86%. Đặc biệt, mô hình này đã được TW Hội đánh giá cao, đề nghị nhân rộng và đưa vào chỉ tiêu phát triển hội viên trong nhiệm kỳ Đại hội tới.

 

Từ thực tế chỉ đạo mô hình “xoá hộtrắng hội viên”, tỉnh Hội đã chỉ ra được những mặt còn hạn chế như: chưa đa dạng hoá các loại hình tập hợp, thu hút hội viên, nhất là đối tượng nữ thanh niên và người cao tuổi; việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể cũng chưa được tiến hành đồng bộ, thường xuyên. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của một số cán bộ Hội cơ sở còn hạn chế, vẫn có trường hợp do chưa ý thức được tầm quan trọng của mô hình nên vẫn còn e dè, lúng túng trong các khâu thực hiện…

 

Khắc phục tình trạng này, Hội LHPN Long An đã kịp thời chỉ đạo các cấp Hội căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng mô hình phù hợp, tập trung vào một số giải pháp như tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội cơ sở; đổi mới và đa dạng hoá các hình thức vận động chị em tham gia hoạt động Hội; tăng cường và chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tốt việc phát triển hội viên.

 

Cũng từ thực tiễn tổ chức thực hiện mô hình, các cấp Hội ở Long An đã rút ra được những bài học kinh nghiệm rất quý báu trong việc thu hút hội viên, phát triển phong trào. Đó là phải xác định được tầm quan trọng của công tác phát triển hội viên; có quyết cao, thống nhất trong việc tổ chức thực hiện; biết tranh thủ sự quan tâm của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; có kế hoạch, biện pháp thực hiện cụ thể, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình địa phương và phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình kịp thời./.

Thu Hương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video