1. Bài phát biểu của Tiến sĩ Neal Koblitz, Giáo sư Toán trường đại học Washington kiêm thư ký Quỹ Kovalevskaia

16/03/2010
 

Trước tiên, tôi muốn bày tỏ niềm cảm kích sâu sắc nhất của tôi đối với Chính Phủ Việt Nam vì đã trao tặng cho chúng tôi Huân Chương Hữu Nghị. Đối với Ann và tôi, công việc của chúng tôi với các bạn bè và đồng nghiệp Việt Nam trong suốt 16 lần tới thăm Việt Nam, bắt đầu từ năm 1978,  là sự động viên kích lệ và đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Suốt từ thời thanh niên cho đến bây giờ, đối với chúng tôi – cũng như đối với hàng triệu người thuộc thế hệ chúng tôi trên toàn thế giới - Việt Nam luôn là một tấm gương về lòng dũng cảm và tinh thần vượt khó để đạt được những thành tựu to lớn trong những điều kiện tưởng chừng như không thể có khó khăn hơn.

Chủ nhật tuần trước, khi Ann và tôi đi sân bay về Hà Nội, chúng tôi đã thấy khắp thành phố tràn ngập khẩu hiệu mừng “tuần lễ phụ nữ VN 2010”. Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy rằng, các bạn đã giành hẳn 1 tuần (chứ không chỉ 1 ngày) để ghi nhận sự đóng góp cũng như công lao của những người phụ nữ VN. Vì vậy, nhân tuần lễ phụ nữ, tôi muốn gửi lời chúc mừng tới các bạn bè và các đồng nghiệp nữ của chúng tôi vì những thành tựu mà họ đã đạt được trong khoa học công nghệ, ngành dược và trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.

Trong 25 năm giải thưởng Kovalevskaia tại VN, đã có 15 nhóm nghiên cứu (do phụ nữ lãnh đạo) và hơn gấp đôi trong số đó là cá nhân các nhà khoa học nữ đã được nhận giải thưởng. Các giải tập thể đại diện cho hầu hết các lĩnh vực của khoa học, công nghệ cũng như ngành dược. Những đóng góp của các chị em trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ những lĩnh vực uyên thâm nhất của vật lý lý thuyết cho tới những vấn đề nóng bỏng nhất của nông nghiệp, hoá học ứng dụng và quản lý dịch bệnh. Tất cả những người phụ nữ này đã cùng nhau viết nên một chương sử mới tiếp nối những trang sử hào hùng của những người phụ nữ Việt Nam tiên phong. Lịch sử đó được bắt nguồn từ thời Hai Bà Trưng cách đây hàng nghìn năm đã lãnh đạo nhiều cuộc nổi dậy chống giặc ngoại xâm. Lịch sử đó tiếp nối cho tới ngày hôm nay, khi những khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt không phải là giặc ngoại xâm hay những đe doạ về quân sự nữa mà là khoa học, kinh tế và văn hoá.

Hiện tại, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang bàn luận sôi nổi về hướng đi của giáo dục đại học. Ảnh hưởng của cuộc tranh luận này là rất rộng lớn, bởi vì giáo dục đại học là một phần thiết yếu trong việc hình thành thế hệ kế cận các nhà lãnh đạo và các nhà tư tưởng cho đất nước. Đáng tiếc là, hầu hết những người tham gia vào cuộc tranh luận này hiện vẫn đang là nam giới, và hầu hết những người này – bao gồm cả những người được gọi là “các chuyên gia” nước ngoài có nhiệm vụ tư vấn cho chính phủ - đều đã quên mất một vấn đề rất cơ bản đó là sự bình đẳng giới. Điều quan trọng là cải cách hệ đại học cần phải bao gồm cả việc tăng cường hơn nữa những cam kết đối với vấn đề bình đẳng cho phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực về khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác. Luật Bình Đằng Giới ban hành năm 2007 có quy định về điều này, và tất cả chúng ta đều biết rằng đất nước không thể phát triển hết được tiềm năng nếu không có sự tham gia bình đẳng của phụ nữ, nhất là khi mà phụ nữ chiếm tới 52% dân số như ở Việt Nam.


Ví dụ, một chính sách mới cho phép các trường đại học nhận đơn xin nhập học của các thí sinh không đạt đủ điểm trong kì thi vào đại học với điều kiện các thí sinh này phải đóng tiền học cao hơn mức phí thông thường. Tôi tự hỏi nếu điều này xảy ra ở Việt Nam –cũng như ở nhiều nước khác – thì loại chính sách này vô tình đã tạo điều kiện cho nam giới nhiều hơn nữ giới hay không bởi vì các gia đình thường sẵn sàng đầu tư tài chính cho con trai hơn là cho con gái? Tất nhiên, khi đồng ý thông qua chinh sách này, các quan chức chính phủ không cố ý tạo sự phân biệt đối xử đối với các bạn nữ. Tuy nhiên, các chính sách thường có những hậu quả không mong muốn kèm theo. Nếu như chính sách mới về học phí là một điều kiện thuận lợi cho các thí sinh nam, thì chính phủ cũng nên có một chính sách thứ hai làm đối trọng bằng cách tạo điều kiện cho các thí sinh nữ. Ví dụ, các trường đại học phải ưu tiên cho các hồ sơ của thí sinh nữ bằng cách cộng cho họ một số điểm nhất định. Bằng cách này, sự bình đẳng giới trong việc xét tuyển vào đại học sẽ được thiết lập và mục tiêu của Luật Bình Đẳng giới sẽ được tăng cường.

 Cuối cùng, tôi xin được chúc mừng các chị em đoạt giải Kovalevskaiai trong hai năm 2008 và 2009 cũng như các chị em đoạt giải trong suốt 23 năm về trước vì những thành tựu mà các chị em đã đạt được cũng như những cống hiến của các chị em cho sự tiến bộ của Việt Nam và sự phồn thịnh của đất nước.


2. Bài phát biểu của Tiến sĩ Ann Hibner Koblitz, Giáo sư nghiên cứu Phụ nữ và Giới trường đại học Arizona Hoa Kì kiêm giám đốc Quỹ Kovalevskaia:

Chúng tôi rất vinh dự khi được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân Chương Hữu Nghị để ghi nhận sự đóng góp của Quỹ Kovalevskaia tại Việt Nam.  25 năm hoạt động của Giải thưởng Kovalevskaia là một quãng thời gian chứng kiến những đổi thay và tiến bộ vượt bậc đối với Việt Nam, cũng như Hội Liên Hiệp Phụ Nữ VN và các nhà khoa học nữ. Tôi vẫn còn nhớ khi những giải thưởng đầu tiên được trao tặng nhân dịp Hội thảo Khu Vực Đông Nam Á về vai trò của Phụ nữ trong Khoa học được tổ chức tại Hà Nội vào tháng Giêng năm 1987. Khi đó, trụ sở của Hội LHPN VN chỉ bằng một phần rất nhỏ so với cơ sở hiện nay, và Bảo tàng PNVN lúc đó mới chỉ có một buồng trưng bày hiện vật. Các viện nghiên cứu lúc đó phải hoạt động với nguồn ngân sách rất eo hẹp, và các nhà khoa học khi đó đã rất tự hào về việc nhanh chóng tạo ra những dụng cụ nghiên cứu từ những bộ phận dư thừa thu nhặt được. Trong điều kiện hiện nay , mặc dù không được lý tưởng lắm, nhưng chúng ta cũng đã được cải thiện được rất nhiều so với hồi những năm 80 của thế kỉ 20.

Quỹ Kovalevskaia và Hội LHPN VN đang cùng làm việc để giải ngày một có ảnh hưởng lớn hơn nữa. Cứ hai năm một lần, chúng ta lại đồng tài trợ để tổ chức buổi gặp mặt dành cho các nữ sinh viên khoa học xuất sắc của các trường đại học để các em có điều kiện gặp gỡ với những nhà khoa học đạt giải thưởng Kovalevskaia và đi thăm các phòng thí nghiệm và các viện nghiên cứu. Đây là một bước khởi đầu rất hữu ích.

Nhưng chúng ta vẫn cần những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa. Thế hệ trẻ ngày nay bị ảnh hưởng rất nhiều từ phim ảnh nhập khẩu, từ Internet, và văn hoá tiêu dùng của Phương Tây. Đáng tiếc là, các bạn trẻ ngày nay đang có xu hướng rời xa sự nghiệp nghiên cứu khoa học, thay vào đó, họ thích kinh doanh hoặc làm những nghề được trả lương cao.  Hơn bao giờ hết, Việt Nam hiện cần phải thu hút thế hệ trẻ đến với con đường nghiên cứu khoa học và làm những nghề có tính học thuật cao giúp đất nước tự giải quyết các vấn đề về kĩ thuật đồng thời tạo ra một sự phát triển độc lập về mặt khoa học. Nhưng các bạn trẻ sẽ không đi theo con đường đó nếu như họ không có được mối liên hệ nào với các nhà khoa học hiện hành, những người đóng vai trò nêu gương và khơi dậy nguồn cảm hứng cho việc theo đuổi con đường học thuật một cách nghiêm túc.

Vì lý do trên, Quỹ Kovalevskaia cùng với Hội LHPN VN khuyến khích các nhà khoa học đoạt giải Kovalevskaia đến thăm các trường đại học và cao đẳng để gặp gỡ và nói chuyện với các nữ sinh viên về sự nghiệp khoa học và kĩ thuật. Các nhà khoa học đã từng đoạt giải có thể truyền cảm hứng cho các bạn trẻ bằng những chia sẻ về những niềm vui tinh thần có được trong quá trình nghiên cứu khoa học – ví dụ như niềm vui khi tìm ra được một loại vi khuẩn mới giúp tẩy sạch các vết dầu mỡ một cách an toàn, hoặc là niềm vui khi tìm ra được những dược liệu thực vật ít độc hại hơn, rẻ hơn, và bền vững hơn so với các sản phẩm dược liệu hoá dầu nhập khẩu từ nước ngoài.

Tại Hoa Kỳ, Hiệp hội Phụ nữ vì Toán học (AWM) đã tài trợ để tổ chức Ngày hội Kovalevskaia tại các trường trung học phổ thông. Các nhà nữ toán học đã đi đến các trường phổ thông tham gia vào một loạt các hoạt động kéo dài cả ngày với các nữ sinh. Họ nói chuyện về các nhà nữ toán học nổi tiếng, nói chuyện về rất nhiều ngành nghề đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao trong toán học, và khuyến khích các nữ sinh suy nghĩ nghiêm túc về việc lựa chọn các ngành nghề về khoa học và kĩ thuật. Những hoạt động này đã diễn ra như thế được gần 30 năm nay và đang mang lại những kết quả rất khả quan. Tôi đã từng có cơ hội gặp gỡ với một vài nhà toán học và nhà khoa học máy tính trẻ tuổi và được biết rằng họ quyết định lựa chọn con đường đó là nhờ các hoạt động của ngày hội Kovalevskaia và các chương trình khác của Hiệp Hội Phụ Nữ vì Toán Học. Một số hiệp hội khác như Hiệp hội Phụ nữ trong Khoa học (AWS)và Hiệp hội Phụ nữ trong khoa học và kỹ thuật (WISE) cũng có những chương trình tương tự.

Cũng có thể là các nhà khoa học từng đoạt giải Kovalevskaia sẽ trở thành những người dẫn dắt cho các bạn trẻ. Ví dụ, Giáo sư Phạm Thị Trân Châu, là người đã đoạt giải Kovalevskaia năm 1988, đã tổ chức một câu lạc bộ cho các sinh viên chuyên Sinh Tổng hợp tại trường đại học Hà Nội tổng hợp. Các sinh viên này liên kết với các giáo sư và các sinh viên đã tốt nghiệp, cùng nhau thảo luận các hoạt động nghiên cứu và chuyên môn, và bằng cách đó họ đã tự hoà nhập vào cộng đồng nghiên cứu khoa học ngay từ khi khởi đầu sự nghiệp học tập và nghiên cứu của mình.

Một cách khác để thúc đẩy các nhà khoa học nữ là tiến hành các chương trình thực tập nghiên cứu sinh cho sinh viên đại học. Những nhà khoa học đã đoạt giải Kovalevskaia có thể mời các sinh viên tiềm năng đến thăm các phòng thí nghiệm và viện nghiên cứu của họ để sinh viên có điều kiện tiếp xúc hàng ngày với không gian làm việc của các nhà nghiên cứu khoa học. Trong tất cả các trường hợp, những nhà khoa học đã đạt giải sẽ là những tấm gương và là những người hướng dẫn các em, khích lệ các em lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học, cống hiến cuộc đời cho khoa học và giảng dạy khoa học, và biết đâu đấy, một ngày nào đó, chính các em lại là những người kế cận được nhận giải thưởng Kovalevskaia.

Cuối cùng, để khép lại bài phát biểu của tôi ngày hôm nay, tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến rất nhiều bạn bè của chúng tôi trong Hội LHPN VN vì sự hợp tác thành công trong suốt một phần tư thế kỉ vừa qua. Tôi thực sự cảm thấy vui lòng được làm việc với tất cả các bạn, và tôi mong muốn sẽ được tiếp tục làm việc với các bạn trong những chương trình và những dự định phía trước.

 

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video