40 năm cô đơn nuôi 2 con điên loạn

25/02/2009
Đó là mẹ Phạm Thị Ba ấp 10, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long. Mẹ là hiện thân của người phụ nữ cô đơn, bất hạnh với những nỗi đau khôn tả. Chỉ có tấm lòng của người mẹ mới giúp mẹ Ba đứng vững trên những nỗi đau đó.

Những nỗi đau cuộc đời

 40 năm nay, kể từ ngày chồng mất, mẹ cô đơn, tần tảo nuôi 2 người con không bao giờ trưởng thành vì bị bệnh điên. Với cái tuổi 71 “gần đất xa trời này”, tấm thân hình gầy còm, run rẩy của mẹ vẫn phải quần quật từ sáng đến tối mịt ngoài đồng, ít khi ngủ được tròn giấc vì con.


Cũng như những người phụ nữ khác, mẹ Ba lấy chồng, mong có được gia đình hạnh phúc với những đứa con thành đạt để sau này được nương nhờ lúc tuổi già. Nhưng cuộc đời đã không mỉm cười với mẹ. Ở cái tuổi 30 đang tràn đầy sức xuân thì người chồng thân yêu của mẹ đã ra đi để lại cho mẹ 4 đứa con thơ dại. Nỗi đau mất chồng quá lớn đối với mẹ. Mẹ tưởng như suy sụp hoàn toàn với nỗi đau đó. Ở cái vùng đất Vĩnh Long nghèo ấy, không có người đàn ông trong gia đình là cả một nỗi vất vả sẽ trút lên vai người phụ nữ. Nhưng rồi, vì những đứa con, mẹ tần tảo, chắt bóp, mong mỏi con lớn khôn từng ngày.


Những đứa con của mẹ dần dần khôn lớn, khoẻ mạnh trong vòng tay yêu thương, chăm chút của mẹ nhưng thiếu vắng tình cảm của cha. Thương con vì thiếu tình cảm của người cha, mẹ đã cố gắng để con cái được đến trường học hành đầy đủ. Có những ngày mẹ đã rất hạnh phúc và kiêu hãnh vì cậu con thứ 2 học rất giỏi. Niềm tự hào vì đàn con cũng đã từng len lỏi trong mẹ. Và khi con mẹ ở cái tuổi 20, mẹ tưởng đã có thể tin tưởng, giao trọng trách gia đình cho con để đỡ đi sự vất vả thì 2 người con lớn của mẹ phát bệnh điên cùng lúc. Nỗi đau, nối tiếp nỗi đau!. Cái chết của chồng đã là nỗi đau lớn, nhưng bệnh tâm thần giáng xuống 2 người con lớn của mẹ là nỗi đau khiếp khủng hơn nhiều. Và khủng khiếp hơn nữa, cái bệnh ấy lại rơi vào đứa con trai duy nhất của mẹ. Nỗi đau ấy mẹ đã gánh gần 30 năm nay.

 

Gần 30 năm nay, những người con điên loạn của mẹ chỉ như những “con nít”, có lớn thân xác mà không có khôn, thậm chí không thể làm chủ được những hành động bình thường của một con người. Mẹ kể: “Con Châu là chị cả, thằng Mẫm thứ hai. Lúc nhỏ 2 đứa nó cũng bình thường, khoẻ mạnh được đi học, thậm chí thằng Mẫm còn học rất giỏi. Đến năm lên 20 tuổi thì 2 đứa đều phát bệnh cùng một lúc đến nay không khỏi”.

 

Gia tài khi chồng mất để lại cho mẹ và những đứa con là 11 công ruộng. Vì con, mẹ đã bán hết ruộng nhà để chạy vạy lo thuốc men chữa trị, mong con mau khỏi bệnh. Nhưng bệnh đã không đỡ mà ngày càng nặng thêm. Không còn ruộng, mẹ phải đi làm thuê, làm mướn, mò cua, bắt ốc để bán kiếm tiền chạy chữa, nuôi con. Cảm thương hoàn cảnh của mẹ, có người cho mẹ mượn đất làm ruộng để kiếm gạo ăn qua ngày. Có ruộng, một mình bà phải cáng đáng, từ chuyện gieo mạ, bón phân, phun thuốc, nhổ cỏ, đến việc gặt lúa đem về nhà... Những lúc thất mùa, không có việc làm, không có gạo ăn, lại một thân một mình chạy vạy khắp nơi hỏi mượn gạo, lo cho bữa ăn từng ngày. Mấy chục năm nay rồi, mẹ vẫn thế, vẫn phải tất bật như người nuôi con thơ. Sáng sáng, trước khi đi làm mẹ phải nấu cơm, giặt giũ, lo vệ sinh cho 2 đứa “con nít” rồi mới yên tâm ra đồng. Nhiều khi, đi làm cũng không yên vì mẹ thường xuyên phải canh chứng những đứa “con nít” ấy, sợ chúng quậy phá hàng xóm.

Dường như những nỗi đau đó chưa đủ với mẹ, ông trời còn bắt những đứa con gái của mẹ - những đứa con khôn lớn đã đi lấy chồng – sống cuộc sống “nghèo đớn, nghèo đau”. Thương mẹ, những những cô con gái của mẹ cũng chỉ biết xót xa cho số phận mà không thể giúp gì được cho mẹ.

Thân già lo cho “con nít”

 

Nói về 2 người con của mẹ, Chị Nguyễn Ngọc Châu - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Mỹ Lộc cho biết, mẹ thường xuyên canh chừng 2 đứa con điên loạn vì sợ đi quậy phá hàng xóm nên nhiều mẹ khi không làm được gì, vì thế gia cảnh rất khó khăn, túng quẫn. Một mình mẹ Ba phải lo cho 2 đứa con điên của mình nên vất vả, cực khổ lắm.

Mẹ Ba nay đã già yếu, thân hình còm cõi, đôi mắt sâu hốc hác và thâm tím. 40 năm qua, chưa đêm nài bao giờ mẹ được ngủ tròn giấc. Hàng ngày mẹ phải xích con lại trong nhà. Cô con gái lớn của mẹ đã 45-46 tuổi rồi mà hầu như không biết gì, ngay cả việc ăn uống, vệ sinh của chị cũng một tay mẹ lo. Ngày thì bị xích, đêm thì la hét, không chịu ngủ. Phần thương con, phần ngại với hàng xóm, hàng đêm mẹ phải dỗ dành con như dỗ dành đứa trẻ lên 3. Nhiều đêm, cả 2 người con điên của mẹ thi nhau la hét, phần vì bất lực, phần vì mệt mỏi, mẹ phải ngủ nhờ hàng xóm vài tiếng để sức lực đi làm ngày mai.


Cậu con trai duy nhất thì cứ nói lảm nhảm suốt ngày đi lang thang một mình khắp nơi tối đến mới về nhà. Trước đây, khi con mới đi lang thang, sợ mất con, ngày nào mẹ cũng phải đi tìm anh về, có lúc còn xích anh lại trong nhà. Nhưng rồi nhìn anh cười nói ngây ngô, bà đau xé ruột lại cởi trói để anh tự do đi lại. Và anh lại lang thang tối ngày. Đến bây giờ thì mẹ không còn đủ sức để mà tìm kiếm anh hàng ngày nữa “Già rồi, không đủ sức giữ con nữa, chỉ mong nó đi rồi biết đường về để ăn cơm rồi dỗ dành cho nó ngủ”- mẹ nói trong nước mắt.

Con không ở nhà thì không yên tâm, nhưng nếu 2 người con điên của mẹ cùng ở nhà thì mẹ cũng không chịu nổi. Họ cãi lộn, đòi đánh nhau. Những lúc như thế lòng bà đau như xé, nhưng cũng chỉ biết ngước mặt lên trời mà gào khóc. Có lần anh con trai điên đánh cô chị điên bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu. Mẹ phải ngược xuôi lo vừa lo chăm sóc con ở bệnh viện vừa phải lo cho con trai ở nhà. Đau đớn tận cùng, nhiều lúc mẹ chỉ mong được chết để xoá đi nỗi thống khổ từ hàng chục năm nay vây lấy mẹ. Nhưng nỗi lòng người mẹ đã không cho mẹ được chết, mỗi khi nhắm mắt lại, thấy hai khuôn mặt ngây ngô của con, hình dung cảnh 2 “đứa trẻ” bơ vơ, mẹ lại không đành lòng nhắm mắt, và lại gắng gượng để sống. Mẹ nghẹn ngào: “Tôi già yếu lắm rồi, không còn sống được bao lâu nữa. Nghĩ đến hai đứa con dại mai ngày không có người chăm sóc mà sót xa. Tôi sống được như vậy âu cũng là nhờ trời, chỉ mong sao thân thể chúng khoẻ mạnh”.

 

 

Sự giúp đỡ của cộng đồng

 

Thấy cảnh thương tâm của mẹ, nhiều nhà hảo tâm đã đến với mẹ. Mẹ đã được trao căn nhà đại đoàn kết. Căn nhà ấy giúp cho mẹ “cách ly” 2 đứa con điên loạn của mình. Cô con gái được mẹ cho ở trong phòng và anh con trai ở ngoài. Người mẹ già 71 tuổi nay cũng đã bớt đi phần nào bất hạnh. Tuy nhiên, nỗi lo lắng của người mẹ thì không bao giờ dừng, đặc biệt lại là người mẹ có những đứa con bất hạnh như mẹ Ba.

 

Chính quyền địa phương cũng đã đã giải quyết chế độ chính sách bảo trợ xã hội cho 2 người con của mẹ giúp mẹ giảm bớt khó khăn. Hàng tháng 2 người con của mẹ đều được cấp thuốc an thần. Chị Nguyễn Ngọc Châu - Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Lộc cho biết, hiện tại xã có chương trình hỗ trợ vì cộng đồng, đang hỗ trợ cho nhà mẹ Ba mỗi người con một tháng 100.000 VNĐ. Khi hỏi về chính sách lâu dài những đứa con của mẹ, chị Châu nói: “ Năm nay cụ Ba cũng đã hơn 70 tuổi, sức khỏe cụ cũng có hạn nên sau này chưa biết thế nào. Chúng tôi cũng phải tính đến phương án lo cho 2 đứa con của cụ khi cụ gần đất xa trời”.

 

Mong sao có phép màu đến với ngôi nhà bé nhỏ của mẹ, chữa khỏi bệnh cho 2 đứa con của mẹ để cuối đời mẹ được hưởng những tiếng cười êm ái. Mong có nhiều nhà hảo tâm nữa đến với mẹ, mang đến cho những đứa con của mẹ chỗ dựa kinh tế để mẹ bớt đi sự nhọc nhằn, lam lũ ở cái tuổi “xưa nay hiếm” này.

Sao Thụy

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video