7 cách thức hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương

06/04/2021
Kể từ khi Văn phòng OSSO Hà Nội (số 20 Thụy Khuê, quận Tây Hồ) đi vào hoạt động đến nay, tư vấn viên Ngô Thị Thùy Dương (28 tuổi) đã tiếp cận khoảng 60 phụ nữ di cư hồi hương trên địa bàn. Quá trình tham vấn - tư vấn đối với đối tượng kể trên, nữ tư vấn viên đã rút ra được nhiều cách thức hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương hiệu quả.
Tư vấn viên Ngô Thị Thùy Dương, Văn phòng OSSO Hà Nội

Cuộc gọi đầu tiên nên làm quen, chưa đề cập vội vấn đề hỗ trợ

Các văn phòng OSSO mới đi vào hoạt động không lâu, mọi người biết đến chưa nhiều. Thông qua các cơ sở Hội tại địa phương để tiếp cận khá là thuận lợi, nhưng nhìn chung khi tiếp nhận cuộc gọi của tư vấn viên, các chị em phụ nữ di cư hồi hương khá e dè, thiếu sự tin tưởng. Để tạo sự tin tưởng ở họ, cuộc gọi đầu tiên tư vấn viên nên giới thiệu về các dịch vụ của văn phòng và nhấn mạnh việc được cung cấp miễn phí.

Văn phòng OSSO Hà Nội (số 20 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Khi đối tượng có ý từ chối, gợi ý những vấn đề họ đang vướng mắc

Trong quá trình hỗ trợ tư vấn, khi đưa ra câu hỏi "Hiện tại, chị có vấn đề gì cần hỗ trợ không?", nữ tư vấn viên Thùy Dương thường nhận câu trả lời "Không, cuộc sống của tôi vẫn bình thường", trừ một số trường hợp đang thực sự có vấn đề và cần được hỗ trợ.

Khi nghe được câu trả lời ấy, theo thói quen tôn trọng đối tượng, nữ tư vấn viên thường dừng cuộc gọi ngay sau đó.  Tuy nhiên, sau những tháng đầu tiên, nữ tư vấn viên nhận thấy nếu đưa ra những câu hỏi kế tiếp và cụ thể liên quan đến hoàn cảnh, vấn đề của họ như "Vấn đề làm thủ tục giấy khai sinh cho con, chị đã giải quyết được chưa?", "Mẹ già bệnh liên miên, mình lại đang có con nhỏ, chị đã có cách để ổn định kinh tế gia đình hay chưa?"... thì phụ nữ di cư hồi hương bắt đầu cởi mở. Điều này, chứng tỏ họ luôn có nhiều vấn đề, nhưng lại chưa đủ tin tưởng tư vấn viên.

Ưu tiên giải quyết từng vấn đề (kinh tế khó khăn, giấy tờ chưa giải quyết xong)

Tư vấn viên cần tách từng vấn đề và tư vấn riêng trong một cuộc điện thoại, những vấn đề sau cũng lần lượt làm như vậy. Điều này, không chỉ giúp cho đối tượng dễ dàng tiếp nhận thông tin, không bị bỏ sót thông tin mà còn giúp ngay chính bản thân tư vấn viên thuận lợi trong việc làm báo cáo kết quả hoạt động tư vấn.

Tập huấn trực tuyến cho các Văn phòng OSSO về vấn đề hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương.

Khi đối tượng yêu cầu tư vấn viên làm giấy tờ hộ

Việc này có thể xuất phát từ việc họ đã làm nhiều lần nhưng không được (do không hiểu đúng lời hướng dẫn của cán bộ địa phương) và cảm thấy mệt mỏi. Nhưng đây là một yêu cầu mà tư vấn viên không thể đáp ứng được, vì mọi thủ tục liên quan đến giấy tờ pháp lý phải do chính đối tượng làm. Tuy nhiên để đối tượng không có cảm giác bị từ chối, tư vấn viên cần giải thích rõ ràng việc tư vấn viên sẽ đồng hành cùng họ trong suốt quá trình này.

Lời nói trước sau của đối tượng không đồng nhất

Ví dụ như lần đầu tư vấn, đối tượng nói không còn giấy tờ tùy thân nào cả, lần thứ 2 tư vấn lại nói có giấy khai sinh, lần thứ 3 lại nói chỉ còn giấy khai sinh photo công chứng. Với mỗi lần như vậy, tư vấn viên lại sẽ tư vấn một cách khác nhau, dẫn tới sự việc lòng vòng, mất thời gian và không giải quyết được vấn đề.

Việc chia sẻ các thông tin khác nhau như trên cũng không phải là một việc bất thường và có nhiều lý do dẫn tới việc này. Có thể đối tượng cảm thấy chưa đủ tin tưởng để chia sẻ đầy đủ vấn đề đang gặp phải, hay sau những trải nghiệm trong quá khứ họ bị sang chấn tâm lý. Một số trường hợp đối tượng quá lo lắng, căng thẳng nên không nhớ rõ đầy đủ thông tin. 

Tư vấn viên có thể giúp họ trấn tĩnh "Em hiểu rằng sự việc này có thể xảy ra lâu rồi, có lẽ chị không nhớ rõ. Tuy nhiên, hiện tại với vấn đề về pháp lý, em cần có thông tin chính xác để có thể hỗ trợ chị một cách tốt nhất. Vậy chị xem lại giúp em thông tin này". 

Khi đối tượng cung cấp thông tin, tư vấn viên cần khẳng định lại một lần nữa để chắc chắn: "Qua những gì chị chia sẻ, em hiểu hiện tại giấy khai sinh của chị là bản photo có công chứng. Em hiểu như vậy đúng không ạ?".

Cây "Kết nối yêu thương - Lan tỏa yêu thương" tại Văn phòng OSSO Hà Nội.

Đối tượng được tư vấn "xả giận" và có những lời nói mang vẻ xúc phạm khi vừa gọi tới

Họ tức giận vì không giải quyết vấn đề của mình, tưởng rằng tư vấn viên là cơ quan đang giải quyết thủ tục của họ. Lúc này, tư vấn viên cần bình tĩnh, giải thích rõ OSSO là đơn vị như thế nào, hỗ trợ miễn phí những dịch vụ gì và đề xuất phương án giải quyết vấn đề của họ. Trường hợp, đối tượng không chịu lắng nghe, tư vấn viên xin phép dừng cuộc gọi và gọi điện tư vấn khi tâm trạng của họ đã bình ổn.

Tiếp cận với các đối tượng phụ nữ đang lao động ở nước ngoài chủ yếu qua mạng xã hội facebook

Họ thường rất dễ ngắt kết nối, nhất là những khi bản thân có vấn đề về tâm lý. Khi xảy ra tình huống này, tư vấn viên cần để lại một tin nhắn để đối tượng hiểu rằng, tư vấn viên sẽ luôn lắng nghe, hỗ trợ và chia sẻ những vấn đề họ đang gặp phải. Như vậy, đối với trường hợp này, việc tư vấn sẽ không bị hẫng.

 

Văn phòng OSSO Hà Nội (Văn phòng dịch vụ hỗ trợ Một điểm đến) là văn phòng được thành lập đầu tiên (tháng 10/2020) để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình tái hòa nhập cộng đồng bền vững khi trở về, chú trọng nhóm phụ nữ di cư hồi hương vì mục đích kết hôn.

Hiện nay, Văn phòng OSSO đã có mặt tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Hậu Giang, Hải Phòng, Hải Dương.

Các dịch vụ được cung cấp miễn phí tại OSSO: tham vấn - tư vấn pháp lý, tâm lý, giáo dục - đào tạo - học nghề, việc làm - lao động - vay vốn, chăm sóc sức khỏe - y tế, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, gia đình - trẻ em.

Đường dây tư vấn miễn phí: 1800599967

Dự án do TƯ Hội LHPN Việt Nam chủ quản, cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam (IOM) hỗ trợ kỹ thuật.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video