75 năm Quốc hội Việt Nam: Bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ

06/01/2021
Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên 6/1/1946 mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước ta
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2/3/1946).

Trong suốt 75 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên 6/1/1946 mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước ta. Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Quốc hội đã không ngừng trưởng thành qua từng nhiệm kỳ, đổi mới hoạt động phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Mốc son lịch sử

Cách đây 75 năm, vào ngày 6/1/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi, trên khắp mọi miền Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Việt Nam. Nhắc lại sự kiện trọng đại này, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định “đây là mốc son chói lọi trong lịch sử nước ta, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam.”

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Khóa I, tại 71 tỉnh, thành trong cả nước, đã có 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%, trừ một số nơi bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn để giành thắng lợi.

Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.

Là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 9 Khóa liên tiếp, (từ Khóa I đến Khóa IX), đại biểu Êđê Y Ngông Niê Kdăm đã chia sẻ những cảm xúc về ngày bầu cử Quốc hội Khóa I rất chi tiết trong cuốn hồi ký: “Pháp ra sức phá hoại cuộc bầu cử, có nơi hòm phiếu bị đập phá, cử tri và cả cán bộ bị bắn chết. Nhưng cuộc bầu cử vẫn thắng lợi. Tôi không bao giờ quên được ngày 6/1/1946 ấy…”

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã tổ chức thành công theo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân ta đã thực hiện quyền làm chủ đất nước và xã hội thông qua lá phiếu để bầu những đại biểu thay mặt mình gánh vác công việc nước nhà. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là: “...kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

Nỗ lực vì lợi ích của nhân dân, đất nước

Kể từ khi hình thành và phát triển, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Theo nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS Bùi Ngọc Thanh, đổi mới lập pháp là sự kiện ghi đậm dấu ấn của Quốc hội, “nếu như 7 khóa Quốc hội đầu tiên (từ năm 1946 đến đầu năm 1987), hơn 40 năm Quốc hội chỉ ban hành được 29 đạo luật, thì Quốc hội Khóa VIII (1987-1992), khóa đầu tiên bước vào công cuộc đổi mới, trong 5 năm Quốc hội đã ban hành tới 31 đạo luật. Sang Khóa IX là 41 luật và bộ luật, Khóa X là 35 đạo luật. Sang Khóa XI, Quốc hội đã xây dựng 84 luật, Khóa XII chỉ có 4 năm, Quốc hội cũng đã xây dựng được 67 luật, đến Khóa XIII là 89 luật và Khóa XIV hiện nay, từ 2016 đến cuối 2020 cũng đã thông qua được khoảng 80 đạo luật. Các đạo luật được xây dựng trong công cuộc đổi mới, về nội dung khác đến 90 - 95% so với thời kỳ thực thi nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy”.

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS Bùi Ngọc Thanh nhận định, nhìn chung, tốc độ xây dựng luật của Quốc hội trong công cuộc đổi mới đã tăng nhanh; chất lượng, nội dung được bảo đảm, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, góp phần đắc lực vào việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Một bước tiến nữa được các đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân đánh giá cao, đó là việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội thông qua việc xây dựng Quốc hội điện tử. Năm 2019, lần đầu tiên, Quốc hội áp dụng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp. Ngay tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV đã thí điểm thực hiện chuyển tất cả các file âm thanh thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa, giúp cho việc điều hành chính xác hơn.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Kỳ họp thứ 9 đã được tổ chức theo 2 hình thức họp trực tuyến và họp tập trung. Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng Bùi Thanh Tùng cho biết, trong 17 phiên họp trực tuyến, đã có 139 lượt ĐBQH phát biểu tại 63 điểm cầu; trên 30 ĐBQH phát biểu tại mỗi buổi họp. Ngoài ra, gần 100% số ĐBQH đánh giá cao sự hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là việc ứng dụng hệ thống phần mềm tiên tiến, trí tuệ nhân tạo trên máy tính bảng trong việc chỉ ra những điểm trùng lặp, mâu thuẫn về luật, qua đó giúp ĐBQH đưa ra ý kiến chính xác hơn trong quá trình thảo luận, xây dựng luật. Tiếp nối thành công này, Kỳ họp thứ 10 tiếp tục duy trì hình thức họp trực tuyến và họp tập trung. Những kết quả đạt được của Kỳ họp thay lời khẳng định: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân và đất nước.

Cũng trong bối cảnh thích ứng với tình hình đại dịch, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 Hội đồng Liên nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA) bằng hình thức họp trực tuyến, với chủ đề "Ngoại giao Nghị viện vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Đại hội đồng AIPA 41 và các hoạt động trong khuôn khổ Năm Chủ tịch AIPA 2020 vừa thể hiện sự chủ động, trách nhiệm và đóng góp thực chất của Quốc hội Việt Nam đối với AIPA, vừa góp phần quan trọng củng cố tình đoàn kết và dẫn dắt những nỗ lực chung để AIPA hỗ trợ ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay là vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, duy trì sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân… Điều này đã góp phần khẳng định được năng lực, nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

Có thể thấy, 75 năm qua, Quốc hội đã chứng kiến biết bao đổi thay của đất nước. Cùng với quá trình đổi thay ấy, Quốc hội không ngừng trưởng thành qua từng nhiệm kỳ, ngày càng hoàn thiện cả về cơ cấu tổ chức, chất lượng đại biểu Quốc hội cũng như nội dung hoạt động… Sự trưởng thành của Quốc hội phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Thành quả 75 năm của Quốc hội Việt Nam một lần nữa minh chứng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Quốc hội – Nơi tập hợp trí tuệ, tâm huyết của những con người đất Việt từ khắp mọi miền đất nước, các dân tộc. Quốc hội hoạt động vì nhân dân. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ngay từ những ngày đầu “Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá, không gì lay chuyển nổi”!.

dangcongsan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video