An toàn cho phụ nữ cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số

26/11/2019
An toàn cho phụ nữ cao tuổi (PNCT) trong bối cảnh già hóa dân số là chủ đề của hội thảo do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội chiều 26/11.

Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới đã đánh giá, ở Việt Nam, tuổi thọ bình quân của người cao tuổi (NCT) tuy tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước trên thế giới. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu, đến năm 2030, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% NCT có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cho biết, trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động hướng về PNCT, NCT: Đẩy mạnh tuyên truyền về thích ứng với già hóa dân số; tăng cường chăm sóc, phát huy vai trò của PNCT tiêu biểu, uy tín trong gia đình và cộng đồng để xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao dành cho PNCT; vận động, hỗ trợ PNCT phát triển kinh tế thông qua hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh; phổ biến, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe cho NCT; xây dựng thành công các mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, CLB Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, CLB Phụ nữ cao tuổi…. thu hút sự tham gia tích cực của PNCT và được cộng đồng đánh giá cao.

 Ảnh minh họa

 Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương khai mạc hội thảo

Chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” đã được các cấp Hội triển khai hướng đến an toàn cho trẻ em và tất cả các nhóm phụ nữ: thanh niên, trung niên, cao tuổi, trên nhiều lĩnh vực như sinh kế, sức khỏe thể chất và tinh thần, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm…

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau nhìn nhận, phác họa bức tranh chung về già hóa dân số với những vấn đề đặt ra đối với PNCT, đặc biệt là những khó khăn về thu nhập, điều kiện chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần, điều kiện an toàn nơi công cộng.

Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế- HAI thông tin, đến năm 2033-2034, ở Việt Nam, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ lớn hơn số trẻ em dưới 15 tuổi và nữ giới chiếm tỷ trọng cao trong dân số cao tuổi (59% và tỷ lệ này càng cao hơn ở độ tuổi cao hơn- số liệu năm 2014). Phần lớn NCT (65%) sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, đời sống khó khăn, thu nhập không ổn định. Chỉ 28% NCT có lương hưu, 16% NCT có trợ cấp xã hội, hơn 25% NCT đang sống trong hộ nghèo và chỉ có 10,4% NCT có tiết kiệm, tỷ lệ PNCT sống trong hộ nghèo cao hơn nam cao tuổi. Thị trường làm việc cho NCT hạn chế, phần lớn công việc không được trả công hoặc NCT bận chăm sóc cháu, làm việc nhà không có thời gian cho các hoạt động tăng thu nhập; khó khăn trong tiếp cận cận tín dụng, khoa học kỹ thuật, việc làm...

 Ảnh minh họa

 Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế- HAI chia sẻ tại hội thảo


Bên cạnh đó, NCT cũng rất hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, phần lớn không có khả năng chi trả các chi phí khám chữa bệnh, các dịch vụ y tế chưa đầy đủ, phù hợp với nhu cầu của NCT; Nhu cầu chăm sóc xã hội của NCT tăng cao nhưng chưa được đáp ứng; Nhận thức về NCT chưa đầy đủ, thường đánh đồng tất cả NCT là gánh nặng, già yếu, tập trung vào “chăm sóc”, ít chú trọng “phát huy”; Khoảng cách thế hệ ngày càng tăng, ảnh hưởng đến đời sống của NCT và hạnh phúc gia đình; Chưa tận dụng được cơ hội của xã hội già hóa, chưa đưa được vấn đề già hóa và NCT vào hoặc thực hiện đầy đủ trong luật pháp, chính sách, kế hoạch, chương trình...

Nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho PNCT trên các lĩnh vực, các đại biểu tham dự hội thảo đã bàn thảo một số đề xuất giải pháp cụ thể. Trong đó, cần xóa bỏ rào cản về tuổi tác cả về chính sách và thực tiễn để PNCT được tiếp cận vốn vay, đào tạo nghề, tạo việc làm phù hợp và có dịch vụ giới thiệu việc làm cho PNCT, giúp PNCT có thời gian tham gia nhiều hơn vào các hoạt động tăng thu nhập; Tăng cường truyền thông cho phụ nữ về tiết kiệm cho tuổi già, tăng cường sức khỏe cho phụ nữ từ khi còn trẻ, đề xuất hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho PNCT, đặc biệt cung cấp kiến thức, kỹ năng cho thành viên gia đình, các dịch vụ chăm sóc cho PNCT tại nhà và cộng đồng; Hỗ trợ các mô hình giúp PNCT phát huy vai trò, nâng cao năng lực cho PNCT, thu hút nhiều hơn PNCT tham gia hoạt động Hội; Phát huy vai trò của PNCT trong xây dựng chính sách, phản biện xã hội, nghiên cứu khoa học, truyền đạt kinh nghiệm, văn hóa truyền thống...; Tổ chức nghiên cứu để có bằng chứng về tình hình nhu cầu của PNCT để có cơ sở khoa học trong đề xuất chính sách, giải pháp chăm sóc, hỗ trợ PNCT...

Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất cho rằng, thích ứng với già hóa dân số không còn là lựa chọn mà là một yêu cầu bắt buộc. Già hóa dân số mang lại thách thức hay cơ hội là tùy thuộc vào thái độ thích ứng của xã hội, do đó cần phải biến thách thức thành cơ hội thông qua thay đổi cách nhìn về NCT, thúc đẩy già hóa tích cực để tối ưu hóa các cơ hội về sức khỏe, sự tham gia, an sinh và học tập suốt đời, qua đó nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cùng với sự tăng lên của tuổi tác; để già hóa dân số không cản trở mà trở thành yếu tố thúc đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững.

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video