Bà chủ nhãn hiệu “Tinh dầu tràm xứ Nẫu": Luôn đặt chữ tín, chất lượng lên hàng đầu để đứng vững trên thị trường

24/06/2022
Bắt đầu từ công việc làm thêm là bán hàng online sau những giờ làm việc tại Trung tâm y tế huyện Tây Sơn, chị Huỳnh Thị Thúy Hằng, sinh năm 1986 đã quyết định khởi nghiệp và thành công với mô hình chưng cất tinh dầu tràm mang nhãn hiệu “Tinh dầu tràm Xứ Nẫu”.
Chị Hằng tại cơ sở sản xuất tinh dầu tràm

Năm 2010, chị Hằng theo chồng về sinh sống tại thôn Kiên Long, xã Bình Thành và công việc chính của chị lúc đó là nữ hộ sinh tại khoa sản Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong (nay là Trung tâm y tế huyện Tây Sơn). Ngoài giờ làm việc tại cơ quan, chị kinh doanh thêm các mặt hàng online với sản phẩm chủ yếu là tinh dầu tràm để tăng thêm thu nhập. Mặt hàng này rất tốt cho các trẻ nhỏ, dùng trị các bệnh cảm, ho, vết côn trùng cắn hiệu quả. Một lần tình cờ khách mua hàng của chị đã mách cho chị biết trên địa bàn xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn có rất nhiều Tràm gió là nguyên liệu sản xuất ra dầu tràm. Chị nhận thấy nguồn nguyên liệu lớn trong khi ở địa phương chưa ai nghĩ đến chuyện nấu tinh dầu tràm nên quyết tâm nghiên cứu, học hỏi nghề nấu tinh dầu tràm. Sau khi nghiên cứu, chị bàn với chồng mở cơ sở sản xuất tinh dầu tràm để sử dụng cho gia đình và cung cấp ra thị trường sản phẩm cho chính gia đình chị sản xuất.

Chị Huỳnh Thị Thúy Hằng bên các sản phẩm tinh dầu tràm

Chị Hằng và cơ sở sản xuất tinh dầu tràm

Năm 2019, cơ sở sản xuất tinh dầu tràm của chị Hằng đi vào hoạt động chính thức và cho ra mẻ tinh dầu đầu tiên. Bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay, với sự giúp đỡ của Hội LHPN huyện Tây Sơn hỗ trợ số tiền 5 triệu đồng từ quỹ Đề án 939 trao sinh kế cho phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN xã Bình Thành hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Tây Sơn, chị Hằng đã mở rộng sản xuất lên hai lò nấu. Bình quân mỗi ngày, chị nấu được 3,5 tạ lá tràm nguyên liệu, nấu liên tục trong 10 giờ chưng cất được 1 lít tinh dầu tràm. Giá bán tinh dầu tràm tại cơ sở bình quân 1,8 triệu đồng/lít. Hiện đầu ra của sản phẩm rất ổn định, ngoài bán lẻ trực tiếp cho khách hàng chị còn bán sỉ cho các của hàng, hiệu thuốc trong và ngoài tỉnh.

Để tự chủ nguồn nguyên liệu lá tràm, chị Hằng đã mạnh dạn đấu giá 2ha đất tại thôn Kiên Long, xã Bình Thành để trồng cây tràm. Hiện nay, cây sinh trưởng và phát triển tốt đã cho lá để sản xuất tinh dầu. Chị xác định không chạy theo số lượng mà chú trọng sản xuất ra tinh dầu tràm đảm bảo nguyên chất để tạo dựng uy tín đối với khách hàng. Hiện chị đang làm thủ tục để đăng ký thương hiệu “Tinh dầu tràm Xứ Nẫu”.

Chị Hằng thăm và chăm sóc vườn tràm

Ngoài tạo được nguồn thu nhập khá cho gia đình, cơ sở nấu, chưng cất tinh dầu tràm của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động tại địa phương với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng và 4 lao động làm công nhật với giá 220 nghìn đồng/người/ngày.

Chị Huỳnh Thị Thúy Hằng cũng đã thử nghiệm chưng cất tinh dầu sả thành công để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Với sản phẩm nào chị cũng luôn tâm niệm đặt chữ tín, đề cao chất lượng lên hàng đầu để có thể đứng vững trên thị trường.

Thanh Phương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video