Bắc Kạn: Người phụ nữ làm kinh tế bền vững với rừng

08/01/2020
Xã Phong Huân là một trong những điểm sáng về công tác trồng rừng của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Phát huy lợi thế của địa phương, có đến 90% hộ dân trên địa bàn tích cực trồng và chăm sóc rừng, phát triển các mô hình sinh kế bền vững từ rừng. Chị Phạm Thị Thu, hội viên phụ nữ thôn Nà Tấc là một tấm gương điển hình trong phong trào trồng rừng làm kinh tế giỏi.
Chị Phạm Thị Thu, hội viên phụ nữ thôn Nà Tấc là một tấm gương điển hình trong phong trào trồng rừng làm kinh tế giỏi

Trước đây gia đình chị Thu là một hộ trung bình của xã, nguồn sinh sống chủ yếu từ trồng ngô, lúa. Được tận mắt thấy những cánh rừng bạt ngàn xanh, thấy lợi ích của những mô hình kinh tế  từ trồng rừng mang lại, chị Thu suy nghĩ cách phát triển kinh tế cho gia đình bằng việc  trồng rừng và chăn nuôi.

Diện tích đất của gia đình chị Thu tuy nhiều nhưng từ trước thường không được khai thác tốt. Năm 2011, chị Thu bàn bạc với chồng mạnh dạn sử dụng số tiền của gia đình tích cóp được để mua cây giống. Năm đầu tiên, anh chị tự phát đồi và trồng được 3 ha cây keo và cây mỡ đồng thời trồng xen canh cây lá dong dưới gốc, sau đó mỗi năm chị tiếp tục mở rộng trồng thêm 1- 2 ha cây.

Nhờ mày mò học hỏi kiến thức qua các phương tiện thông tin đồng thời chăm chỉ tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi do địa phương tổ chức, diện tích rừng trồng của gia đình chị phát triển tốt.  Đến nay, gia đình chị đã có 19 ha rừng, trong đó mỡ có 9ha đã đến tuổi khai thác, 2ha cây quế, 8ha rừng vầu và 5ha lá dong trồng xen canh. Hàng năm sau khi trừ chi phí gia đình chị thu nhập trên 200 triệu đồng.

Chị Thu chia sẻ: Trồng rừng là đầu tư lâu dài, nên tôi trồng xen lá dong, vầu để lấy ngắn nuôi dài, như vậy mới theo được. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi tỉa vầu, bán vỏ quế, gỗ quế, măng vầu và khai thác khoảng 1 ha rừng keo hoặc mỡ rồi lại trồng mới, với hình thức quay vòng không mở rộng trồng mới nhiều trong một lúc. Cây keo có giá trị kinh tế cao, thời gian cho khai thác lại nhanh, nếu chăm sóc tốt chỉ 5 năm là khai thác. Với giá thị trường hiện nay là 2,5 triệu/m3 cao gấp đôi so với bán cây mỡ. Bên cạnh đó, gia đình còn giúp tạo việc làm mùa vụ cho 7- 12 chị em, với mức thu nhập từ 180 - 200 nghìn đồng/người/ngày.

Để trồng được diện tích rừng lớn, đảm bảo cho cây phát triển tốt, chị Thu cho biết, phần lớn thời gian để chăm sóc rừng ở thời kỳ cây còn nhỏ. Khi cây đã đủ lớn, có sức tăng trưởng tốt thì không cần công chăm bón nữa cây vẫn tự phát triển. Bên cạnh trồng rừng,  gia đình chị còn nuôi gần 300 con gà thả đồi để thu nhập thêm.

Chị Lục Thị Thơ - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phong Huân, huyện Chợ Đồn cho biết: Chị Thu không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với chị em và bà con nhân dân tại địa phương để cùng nhau vươn lên xóa đói giảm nghèo. Chị là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế và là một hội viên năng động, tích cực gương mẫu đi đầu các hoạt động phong trào của Hội, của địa phương.

Sự cố gắng, nỗ lực của chị trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc đã được Hội Phụ nữ cơ sở và địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều năm liền chị được Ủy ban nhân dân xã tặng Giấy khen “Hộ sản xuất kinh doanh giỏi”. Năm 2018, chị được Hội LHPN huyện Chợ Đồn công nhận danh hiệu phụ nữ điển hình tiêu biểu cấp huyện.

Hứa Đẹp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video