Bảo đảm sự tham gia thực chất của phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam trong Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới

20/08/2020
Hội thảo tham vấn giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 do Hội LHPN Việt Nam và UN Women Việt Nam đồng tổ chức có sự tham gia của đông đảo các đại biểu đến từ hai đơn vị chủ trì, đại diện các cơ quan bộ, ngành, tổ chức liên quan.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương (giữa ảnh) trao đối với các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu đã tuân thủ nghiêm túc khoảng cách giãn cách xã hội trong phòng chống dịch COVID-19 khi tham dự hội thảo.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các đại biểu cung cấp thông tin, chia sẻ quan điểm, đóng góp đề xuất, giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện bình đẳng giới cũng như sự tham gia của phụ nữ, của Hội LHPN Việt Nam trong tổ chức thực hiện CTMTQG NTM giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện mục tiêu chung của Chương trình.

Phó Chủ tịch Trần Thị Hương phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương đánh giá, Chương trình xây dựng nông thôn mới là chủ trương rất đúng đắn và kịp thời của Đảng, Nhà nước, trở thành phong trào sôi nổi, có sức lan tỏa rộng khắp trên cả nước. Trong đó, phụ nữ vừa là chủ thể tham gia xây dựng nông thôn mới, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của Chương trình. Trong lĩnh vực kinh tế, Phụ nữ là nguồn nhân lực lớn trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Phụ nữ đang tham gia trực tiếp, tích cực và vận động người thân trong gia đình tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tham gia sản xuất, kinh doanh. Phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng gia đình hạnh phúc, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống; cùng chồng chăm sóc, nuôi dạy con. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cộng đồng cũng luôn có bóng dáng và sự đóng góp của phụ nữ. Trong bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh – sạch - đẹp, đã tích cực thực hiện sạch nhà – sạch bếp – sạch ngõ, trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường thôn, xóm; tham gia các tổ phụ nữ thu gom rác thải...

Tuyến đường hoa kiểu mẫu của chi hội phụ nữ thôn Tây Vạn Trạch, Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (ảnh Hội LHPN tỉnh Quảng Bình)

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm về bình đẳng giới, phụ nữ, gia đình và trẻ em. Những nghiên cứu gần đây của Tổ chức Nông lương Quốc tế, của UN Women, Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra những khoảng cách về giới ở nông thôn Việt Nam nghiêm trọng hơn ở vùng sâu, vùng xa, và ở nhiều khía cạnh lao động, việc làm, sở hữu tài sản, và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Đáng quan ngại là nổi lên một số vấn đề cấp thiết, gây bức xúc trong dư luận xã hội liên quan đến các hình thức bạo lực giới, mua bán người, di cư lao động, môi trường sống không an toàn...

Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 vẫn chưa có tác động rõ nét đối với giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới, đảm bảo sự tham gia chủ động và bình đẳng của phụ nữ trong các cơ hội phát triển kinh tế-xã hội nông nghiệp, nông thôn.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do bình đẳng giới chưa được lồng ghép vào trong thiết kế và các văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình. Vấn đề giới mới chỉ được đề cập đến ở một trong 49 chỉ tiêu xã nông thôn mới và do đó trở thành một vấn đề có tính chuyên đề hẹp (chỉ tiêu 18.6). Trong khi đó, giới là một vấn đề kinh tế-xã hội với nhiều khía cạnh, nhiều chiều.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UNWomen Việt Nam

Đồng quan điểm, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UNWomen Việt Nam cũng cho rằng, phụ nữ đóng vai trò quan trọng khi có đến 63% phụ nữ so với 58% nam giới lao động là trong lĩnh vực nông nghiệp với xu hướng “nữ hóa lĩnh vực nông nghiệp”. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái ở nông thôn vẫn nằm trong nhóm dễ nghèo đói nhất, chịu ảnh hưởng lớn nhất từ rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và khả năng tiếp cận thấp nhất với các nguồn lực, thông tin, các dịch vụ xã hội...

Bà Elisa Fernandez Saenz nhấn mạnh khuyến nghị cần thiết phải lồng ghép giới như một vấn đề xuyên suốt trong Chương trình thay vì chỉ là một tiểu chủ đề, một mục tiêu riêng lẻ; cũng như cần tăng cường vai trò thực chất của Hội LHPN Việt Nam trong quá trình ra quyết định, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình MTQGXDNTM trong giai đoạn 2021-2025.

Chia sẻ với hội thảo kết quả của nhóm khảo sát về một số trở ngại đối với thực hiện BĐG trong Chương trình, ông Phạm Thái Hưng, chuyên gia về Giới, thành viên nhóm đánh giá độc lập về giới trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 đã đưa ra một số nội dung đáng chú ý như: lồng ghép giới còn chưa đầy đủ, mới chỉ xem giới là một vấn đề có tính “chuyên đề hẹp”, chưa phải là vấn đề có tính xuyên suốt; Phụ nữ tham gia xây dựng kế hoạch cũng như thực hiện Chương trình một cách hạn chế, chưa phát huy được tiếng nói; Thiếu ngân sách cho các hoạt động liên quan đến BĐG, hạn chế trong năng lực thực hiện lồng ghép giới trong chính sách, chương trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; Thiếu cơ chế giám sát về giới trong hệ thống giám sát và đánh giá thực hiện chương trình NTM...

Ông Phạm Thái Hưng, chuyên gia về Giới, thành viên nhóm đánh giá độc lập về giới trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020

Theo đại diện Văn phòng điều phối NTM TW đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới, trong giai đoạn tiếp theo, Bộ NN và PTNT đã hoàn thiện dự thảo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu, trong đó đã đề xuất các chỉ tiêu liên quan đến BĐG bắt buộc áp dụng chung đối với tất cả các xã trên phạm vi cả nước, trong đó nhiều chỉ tiêu được đề xuất ở mức độ cao hơn so với giai đoạn trước.

Về sự tham gia của Hội LHPN Việt Nam trong Chương trình MTQG XDNTM giai đoạn 2010-2020, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình Xã hội TW Hội LHPN Việt Nam cho biết, từ 2010, Hội LHPN phát động cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, đã trở thành “thương hiệu” của Hội và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về việc giao Hội LHPN Việt Nam tham gia XDNTM bằng Cuộc vận động này, góp phần thực hiện 11/19 tiêu chí của Chương trình. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn những bất cập, cả về tổ chức thực hiện lẫn cơ chế, chính sách; nguồn lực thực hiện nội dung này ở các cấp, nhất là cấp xã và huyện - còn hạn chế, nhiều nơi chủ yếu chị em vận động từ kinh phí tự đóng góp và công sức của hội viên để làm những con đường hoa, thu gom rác thải, dọn dẹp đường làng ngõ xóm…

Bà Trần Thu Thủy chia sẻ tại hội thảo

Bà Trần Thu Thủy, Chánh Văn phòng TW Hội LHPN Việt Nam, chuyên gia về Giới khẳng định, vấn đề của phụ nữ ở tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, để giải quyết được cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, do đó BĐG cần phải đặt thành nguyên tắc chung, xuyên suốt của cả Chương trình; Hội LHPN cần có sự nghiên cứu các tiêu chí trong Chương trình để lựa chọn một số tiêu chí cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cũng như thế mạnh của Hội; Cần có số liệu tách giới cho bộ chỉ số thống kê để có căn cứ xây dựng các nội dung, chương trình, kế hoạch bảo đảm BĐG.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, đưa ra một số gợi ý, đề xuất giải pháp nhằm phát huy vai trò của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam trong tham gia Chương trình MTQG XDNTM giai đoạn 2021-2025. Trong đó đáng chú ý như: cần thể hiện rõ nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong Chương trình MTQG XDNTM, trong chủ trương đầu tư, bố trí dòng ngân sách...; Các bộ, ngành đảm bảo lồng ghép BĐG vào các kế hoạch, hướng dẫn thực hiện nội dung thành phần và các tiêu chí NTM; Đảm bảo phụ nữ được tham gia quá trình lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình ở các cấp; Bố trí dòng ngân sách đảm bảo cho Hội Phụ nữ ở cơ sở thực hiện tiêu chí “3 sạch”...

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video