Bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực, xâm hại tình dục kịp thời, thực chất, hiệu quả hơn

14/11/2019
Hội thảo tham vấn triển khai Nghị quyết số 06/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 và tập huấn kỹ năng giải quyết các vụ việc xâm hại phụ nữ trẻ em do Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội diễn ra với sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan bộ, ngành Tòa án, Viện Kiểm sát, Bộ Công an, các ban, đơn vị TW Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa đã trình bày đánh giá về một số kết quả bước đầu trong thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an trong Công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái.

Theo đó, Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an trong Công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái giai đoạn 2019-2022 được ký kết vào ngày 26/02/2019. Qua 9 tháng triển khai, các cơ quan đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng ngành, bảo đảm các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật, công bằng, nghiêm minh, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; góp phần tích cực vào những thành quả đạt được của Hội LHPN Việt Nam trong việc thực hiện chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”; đưa hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái, đặc biệt đối với những vụ việc có tính nhạy cảm cao như xâm hại tình dục, bạo lực gia đình được kịp thời, thực chất và hiệu quả hơn.

Các cấp Hội LHPN Việt Nam đã chủ động đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cần thiết để can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em kịp thời, đảm bảo quy định của pháp luật; Tăng cường hoạt động tư vấn, tham vấn chuyên gia, trong đó có các thành viên đang công tác trong các cơ quan tố tụng, điều tra. Tổ tư vấn đã hoạt động rất trách nhiệm, chuyên nghiệp, tư vấn kịp thời về cách thức tham gia, lên tiếng của tổ chức Hội đối với các vụ việc can thiệp hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em (đã hỗ trợ, tư vấn giải quyết 20 vụ việc). Các cấp Hội nắm bắt và thực hiện tốt hơn quy trình cung cấp, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, chủ động hơn trong việc nắm tình hình các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết. Đặc biệt các vụ việc được công luận quan tâm, Hội kiến nghị, đều được các cơ quan chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, được dư luận đồng tình.

Tính từ tháng 3 đến tháng 10/2019, TW Hội LHPN đã có 29 văn bản gửi đi nhưng chỉ nhận được 13 văn bản phản hồi. Đã thực hiện giám sát 2 vụ việc qua đơn thư liên quan đến xâm hại tình dục phụ nữ trẻ em, thực tế giám sát quá trình giải quyết vụ việc cho thấy, việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền chưa thực sự đảm bảo khách quan, chưa đảm bảo quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, TW Hội đã có văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời, lên tiếng trên các phương tiện truyền thông của Hội, điển hình như vụ việc bố dượng xâm hại bé gái ở Lào Cai. Công tác giám sát quá trình giải quyết vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái do các cấp Hội thực hiện đã được các cơ quan công an, kiểm sát báo cáo giải trình có trách nhiệm. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp có vụ việc, sau khi gửi kiến nghị sau giám sát, Hội chưa nhận được phản hồi kịp thời từ phía cơ quan chức năng (vụ việc chủ tiệm tóc bị tố xâm hại trẻ em gái tại Bắc Ninh).

Cùng với đó, nhiều hoạt động đã được triển khai hiệu quả như: Tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách, phiên tòa giả định tại cơ sở, tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người, Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7 và sự kiện truyền thông “Khởi nghiệp chắp cánh tương lai” cho 1200 phạm nhân nữ, phụ nữ hoàn lương...

 Ảnh minh họa

 Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa đánh giá kết quả triển khai Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái giai đoạn 2019-2022 thời gian qua


Một số hạn chế qua thời gian triển khai Chương trình phối hợp đã được Phó Chủ tịch Hội Bùi Thị Hòa thẳng thắn chỉ ra như: Mặc dù Chương trình đã được ký kết, triển khai tích cực ở cấp TW nhưng phần lớn các tỉnh thành (43/63 tỉnh thành, chiếm 68%) lại chưa thực hiện ký kết chương trình phối hợp tại địa phương; Công tác phối hợp mới tập trung chủ yếu ở nội dung giải quyết, xử lý tin báo tố giác tội phạm thông qua hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư; Một số nội dung chưa được quan tâm triển khai như công tác phối hợp trong tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành hay giám sát trong tố tụng.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội đề nghị 3 ngành cần đẩy mạnh chương trình phối hợp trên nhiều phương diện, đặc biệt là đối với các vụ việc phức tạp, dư luận quan tâm; phục vụ và phối hợp hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc Hội về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em; phối hợp để kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật và đảm bảo để thực thi pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.

 Ảnh minh họa

 Đại biểu tham gia hội thảo


Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội nhấn mạnh sự cần thiết duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa có hiệu quả về xâm hại phụ nữ, trẻ em gái, PCBLGĐ (đặc biệt là Mô hình Ngôi nhà Bình yên, tổ tư vấn cộng đồng, tổ tư vấn tâm lý, pháp lý); Vận hành đầu số hotline 1900969680 và phần mềm quản lý ca, quản lý dữ liệu tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển-TW Hội để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với các vụ việc vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái; Phát huy vai trò tư vấn của đội ngũ Ủy viên BCH các ngành, đội ngũ chuyên gia trong bảo vệ phụ nữ, trẻ em

Duy trì hiệu quả hoạt động của “Tổ công tác tham mưu giải quyết các vụ việc, điểm nóng liên quan phụ nữ, trẻ em gái và tổ chức Hội LHPN Việt Nam”, “Tổ tư vấn pháp luật và tâm lý hỗ trợ cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phụ nữ và trẻ em”, “Tổ tư vấn pháp luật o­nline, miễn phí”; Nghiên cứu, đề xuất thành lập thí điểm trung tâm “một cửa” bảo vệ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới.

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video