Bi kịch trẻ bị xâm hại trong chính ngôi nhà của mình

29/08/2019
Về nhà, ở nhà tưởng chừng là nơi an toàn nhất, nhưng hóa ra lại không. Nhiều đứa trẻ đã bị xâm hại bởi bố ruột, họ hàng, người thân quen… ngay trong chính nhà mình. Mẹ của trẻ ở đâu khi xảy ra vụ việc? Mô hình nhà tạm lánh có là nơi tin cậy để trẻ tìm đến? Cán bộ công tác xã hội đã phát huy hết vai trò của mình trong việc phòng ngừa, giảm thiểu nạn xâm hại trẻ em đang dự báo tăng cao thời gian tới?

Ngôi nhà không còn bình yên


Đó là những băn khoăn của các thành viên Đoàn giám sát Quốc hội, sau khi nghe những thông tin từ chính quyền huyện Kim Bôi (Hòa Bình), liên quan đến nạn xâm hại trẻ em với nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện thời gian vừa qua.

Đáng chú ý, cả ba cơ quan UBND, VKSND và TAND huyện Kim Bôi, đều đưa ra những nhận định đáng buồn về tình trạng xâm hại trẻ em tại huyện trong khoảng thời gian 5 năm vừa qua, như: Các vụ việc diễn biến ngày càng phức tạp với chủ yếu là xâm hại tình dục, thủ đoạn của đối tượng tinh vi hơn, kẻ xâm hại chủ yếu là người thân quen ruột thịt, và trẻ đã bị xâm hại ở mọi địa bàn, thậm chí ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Tham gia cùng đoàn giám sát trong ba ngày qua tại Hà Nội và Hòa Bình, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cảm thấy đáng buồn khi hầu hết các vụ xâm hại trẻ em xảy ra ngay trong gia đình trẻ, và xuất phát từ chính người thân quen của trẻ. “Chúng ta có nên đặt lại vấn đề về vai trò của người chị, người mẹ khi để xảy ra các sự việc đau lòng này? Vai trò của mẹ, của bà, của chị trong gia đình liệu đã ổn chưa, đã có sự gần gũi, sẻ chia với con em của mình về vấn đề này?” – bà Hà băn khoăn.

Cũng theo bà Thu Hà, đây là vấn đề mà có lẽ Hội LHPNVN cũng sẽ xem xét, bàn kỹ thêm trong thời gian tới, đồng thời đặt ra trách nhiệm của chính quyền huyện Kim Bôi trong việc tăng cường vai trò của phụ nữ trong gia đình để hạn chế tình trạng này.

Một vấn đề nữa được bà Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao khi huyện Kim Bôi hiện nhấn mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ công tác xã hội (CTXH), số lượng cũng khá đầy đặn với 8 cán bộ. Bà Hà đề nghị huyện đánh giá thêm về chất lượng của đội ngũ này, đồng thời có định hướng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đến đâu để cán bộ CTXH phát huy được vai trò của mình.

“Đội ngũ này có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền phòng ngừa và tham gia giải quyết các vụ việc không chỉ trong quá trình điều tra tố tụng mà còn hỗ trợ cho nạn nhân. Để công việc này đạt hiệu quả, theo tôi không chỉ người được đào tạo chuyên môn CTXH thực thi nhiệm vụ, mà huyện cần huy động thêm đội ngũ từ mặt trận, đoàn thể, bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ CTXH cho họ” – bà Hà kiến nghị.

Liên quan đến số liệu thống kê trẻ em toàn huyện với 16.215 trẻ em nam và 13.168 trẻ em nữ, bà Hà lo ngại về tỷ lệ chênh lệch giữa nam và nữ cao hơn nhiều so với mức chênh trung bình cả nước, gây nhiều hệ lụy về sau. Theo thống kê này, cứ 100 trẻ em nam thì có 81,2 trẻ em nữ, và nếu đối chiếu ngược lại, 100 trẻ em nữ sẽ có 123 trẻ em nam. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình chung của cả nước hiện nay (100 trẻ em gái thì có 112 trẻ em trai).

“Một con số thực sự trầm trọng, rất cao so với tỷ suất chung của cả nước. Đây là vấn đề xã hội lớn, chắc chắn phải có các biện pháp tuyên truyền vận động trong thời gian tới, nếu không sẽ là vấn đề lớn trong tương lai” – bà Hà dự báo.

Xây dựng nhà tạm lánh cộng đồng cho trẻ?

 

Vấn đề về nhà tạm lánh cũng được Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đặt ra với chính quyền huyện Kim Bôi. Điều mà bà băn khoăn là hiện nay, ngoài nhà tạm lánh, huyện còn có một số mô hình khác để bảo vệ trẻ từ các đoàn thể, dự án khác, cùng với đó là các phương án để để các mô hình này hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.

Về điều này, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhìn nhận, hiện mô hình nhà tạm lánh chưa phù hợp với Việt Nam, chỉ phù hợp với các nước phát triển khi mà chỉ cần chìa khóa ô tô và thẻ tín dụng là mẹ có thể đem con đến. Trong khi đó, Việt Nam phần lớn vẫn dựa vào cộng đồng.

img_3305.JPG
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa gợi mở phương án nhà tạm lánh cộng đồng cho huyện Kim Bôi. Ảnh: D.H 

“Vì vậy sẽ rất hiệu quả nếu cộng đồng có thể có nhà tạm lánh cộng đồng và tăng thêm các địa chỉ tin cậy cho trẻ. Cách làm này không tốn kém, chọn ra được một số gia đình có điều kiện, những hội viên gưỡng mẫu tiên phòng có thể giúp chúng ta làm được điều này. Và nếu làm được, đây cũng chính là một dạng cơ sở dịch vụ nhằm tư vấn và giúp trẻ tạm lánh khẩn cấp rất tốt” – bà Hòa cho biết.

Bà Hòa cũng nhấn mạnh cách thức tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em đến nhân dân nhằm phòng ngừa tốt hơn, trong đó có vai trò của cán bộ CTXH. “Tuyên truyền muốn hiệu quả phải có kỹ năng, cách thức. Cán bộ CTXH là phù hợp nhưng chưa có đào tạo sâu. Huyện cần đầu tư thêm, lãnh đạo huyện chỉ đạo công tác của hội phụ nữ sắp tới tập trung nhất là vấn đề phòng chống xâm hại trẻ em, chấm dứt tình trạng loạn luân nhức nhối đang diễn ra” – bà Hà kiến nghị.

Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nhấn mạnh: Số liệu 32 vụ xâm hại trẻ em huyện thống kê trong 5 năm qua chỉ là một phần của tảng băng chìm. Thực tế, hành vi xâm hại trẻ em và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng chắc chắn nhiều hơn, chưa được phát hiện và xử lý.

Ông cũng đồng tình khi cho rằng, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng đối với trẻ cần được quan tâm nhiều hơn, khi tình trạng xâm hại trẻ em dự báo gia tăng, diễn biến tinh vi phức tạp hơn.

Nói về mô hình nhà tạm lánh, ông Uông Chu Lưu nhìn nhận, qua theo dõi của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho thấy mô hình này chưa phù hợp. “Để can thiệp hỗ trợ kịp thời cho các cháu, chúng ta không thể tách rời được vai trò cấp ủy chính quyền, các đoàn thể xã hội, các gia đình tin cậy (họ hàng, người thân, người có điều kiện) để có thể giúp các cháu tạm lánh khi bị xâm hại” – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết.


Bố đẻ xâm hại con, bác ruột bạo hành cháu

Hai vụ xâm hại tình dục đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại huyện Kim Bôi thời gian qua đều liên quan đến người thân xâm hại trẻ trong chính nhà của trẻ. Đó là vụ việc năm 2018, đối tượng Đinh Công Thuận lợi dụng vợ đi làm ăn xa và ly thân, khi ở cùng con gái (sinh năm 2006) đã nhiều lần hiếp dâm con gái ruột. Hành vi đồi bại thú tính của Thuận đã sớm bị trả giá khi bị tuyên phạt 17 năm tù.

Vụ việc thứ hai diễn ra tháng 4/2019 cũng khiến dư luận dậy sóng là hành vi của Bùi Văn Hin – bác ruột của bé trai 5 tuổi, bạo hành cháu bằng cách ném cháu vào đống củi đang cháy. Hậu quả, cháu bé bị bỏng ở vùng sườn, lưng, mông bên trái; diện tích bỏng rộng, cấp độ 3. Đối tượng Hin nhanh chóng bị công an bắt giữ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo: https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video