Cà Mau: Tạo cơ hội cho phụ nữ vùng rừng vươn lên

21/08/2011
Những năm gần đây, khi vấn đề bình đẳng giới thực sự trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội thì vị trí của người phụ nữ dần được khẳng định. Chuyện giúp đỡ để phụ nữ và trẻ em gái sống dưới tán rừng tràm U Minh Hạ vươn lên cũng là vấn đề đang được quan tâm.

Khánh Thuận là địa bàn khó khăn bậc nhất của huyện U Minh, là xã mới tách, dân cư phân bố phức tạp, rải rác trong "lõi" các lâm phần. Mặc dù đã nỗ lực khắc phục, song Đảng bộ và chính quyền nơi đây đều nhận thấy một thực tế là tình trạng thiệt thòi của phụ nữ và trẻ em gái.

Thầy Lê Hoàng Em, giáo viên Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông (xã Khánh Thuận), tâm sự: "Đời sống nhân dân nơi đây còn rất khó khăn, chúng tôi đã phải rất cố gắng để duy trì sĩ số của từng lớp học. Học sinh nơi đây thường đi học muộn, khi lớn một chút đã có tâm lý bỏ học để đi làm, gia đình cũng ủng hộ các em".

Những phận đời

Theo sự chỉ dẫn của các thầy giáo Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông, tôi tìm đến nhà em Trần Thị Ngọc Trân, là học sinh lớp 1 của trường. Bà Lê Thị Nhiệm (bà ngoại Trân) với giọng điệu khô khốc: "Mưa sớm, đìa chìm hết rồi. Đó, má nó đó, mới đi làm mướn ở Vĩnh Long về, mai làm đám cúng cơm cho chồng. Chồng làm mướn ở Vũng Tàu, điện giật chết, dưới này lên nhận xác thì người ta hỏa thiêu rồi".

Chị Nguyễn Thị Bé Ba (mẹ của bé Trân) sụt sùi kể: "Chồng chết, phận đàn bà tôi đâu biết làm gì để nuôi con. Thời gian đầu làm mướn, tôi dẫn 2 đứa con nhỏ đi theo, rồi thấy tội tôi gửi về ngoại nuôi". Bé Ngọc Trân năm nay 11 tuổi mới học lớp 1, Nhã Trân 7 tuổi vẫn chưa được đến trường. Bà Nhiệm vẫn ngày ngày đi phụ hồ ở các nơi để có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống và nuôi 2 cháu ngoại.

Chồng bà cũng từ bỏ trách nhiệm làm chồng, làm cha của 7 đứa con để theo người khác đã 10 năm nay. Có lẽ niềm vui và cũng là hy vọng mà cả nhà gửi gắm là tấm giấy khen đầu tiên của bé Ngọc Trân. "Nó cầm giấy khen mà không dám đút vô cặp, chạy thẳng một mạch về nhà khoe ngoại. Kệ, đời mình cũng xong rồi, ráng cho nó ăn học, mà cũng không biết học được đến đâu nữa", bà Nhiệm bày tỏ.

Tạo cơ hội từ học tập

Chị Trần Thị Ngân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã, cho biết: "Toàn xã có khoảng 5.717 nhân khẩu là nữ, trong đó một lực lượng lớn đã đến tuổi lao động, song thực trạng chung về lao động nữ thì không mấy khả quan. Chỉ một bộ phận nhỏ có thể thoát khỏi cái đói, cái nghèo, vươn lên đảm nhận những vị trí mà Đảng, Nhà nước giao cho; bộ phận còn lại không mấy tha thiết với đất, với rừng và đa số đi tìm vận may ở nơi khác; bộ phận nữa thì cam tâm sống bằng đủ nghề làm thuê, làm mướn".

Theo ông Trần Quốc Anh, Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện U Minh, giáo dục mới là gốc vấn đề. Và chúng ta nên bắt đầu với các trẻ em gái đang là học sinh hôm nay, ngay từ bậc mầm non, tiểu học.

Hiện tại Chương trình "Tiếp sức cho trẻ em gái đến trường" của tỉnh đang phát huy hiệu quả. Nội dung chương trình là giúp đỡ những trẻ em gái bước vào lớp 6, học lực khá, hoàn cảnh khó khăn, cam kết không bỏ học, sẽ được hỗ trợ bằng học bổng cho đến hết cấp II. Với chương trình này, xã Khánh Thuận hiện có hơn 10 em được hỗ trợ.

Anh Võ Văn Sánh, Phó Bí thư Xã đoàn Khánh Thuận, khẳng định: "Nếu Hội phụ nữ kết hợp với Đoàn thanh niên và các tổ chức khác đẩy mạnh hoạt động, hoạt động kiên trì thì kết quả chắc chắn rất khả quan. Với những đối tượng là phụ nữ đã có gia đình, vấn đề quan trọng nhất là phải để chị em tham gia các tổ chức hội với quyền lợi thiết thực kèm theo.

Đó là đồng vốn, là cách thức, kinh nghiệm làm ăn, là sự bảo đảm tương lai cho con em của họ. Với lứa tuổi thanh niên, cần giáo dục tư tưởng để các bạn thanh niên có lối sống lành mạnh, có ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Với các trẻ em gái là học sinh, nên giáo dục tinh thần cầu tiến, ý chí học tập…".

Khánh Thuận đang trong giai đoạn chuyển mình, khó khăn và thách thức là không nhỏ. Vấn đề giáo dục và định hướng để người phụ nữ có thể tự thay đổi được cuộc sống của mình, để trẻ em gái được học hành, có một tương lai đầy hứa hẹn cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị mà địa phương cần luôn luôn lưu tâm./.

Theo baocamau online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video