Các cấp Hội LHPN tỉnh Gia Lai tích cực lên tiếng trước các vụ việc bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em

01/07/2019
6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Gia Lai xảy ra 28 vụ bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có 07 vụ hiếp dâm, 11 vụ giao cấu, 02 vụ dâm ô, 05 vụ cố ý gây thương tích...
Điều đáng chú ý là các vụ việc xảy ra hầu hết ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng xâm hại chủ yếu là người thân như: bố đẻ, bố dượng, anh em họ hàng…Đặc biệt có 03 vụ việc đặc biệt nghiêm trọng: cha hiếp dâm con gái ruột tại huyện Krông Pa và cha giết con gái ở Đăk Đoa, Chư Pưh đã gây ra nỗi đau lớn trong gia đình nạn nhân và dư luận xã hội lên án gay gắt.

Trước thực trạng đó, để các cấp Hội LHPN trong tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN tỉnh Gia Lai đã ban hành hướng dẫn số 1435 ngày 2/5/2019 về Hoạt động lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em đến các huyện, thị, thành Hội, các đơn vị.
Hướng dẫn nêu rõ các bước trong quy trình Hội LHPN các cấp tham gia giải quyết các vụ việc như: Tiếp nhận thông tin, phân tích vụ việc, trao đổi, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, phát ngôn, tư vấn, trợ giúp, hỗ trợ trong từng vụ việc... Đồng thời cũng nêu rõ trách nhiệm của Hội LHPN các cấp trong hoạt động lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.

Trên cơ sở hướng dẫn của Tỉnh Hội, trước các vụ việc xảy ra tại địa phương, Hội LHPN các huyện Phú Thiện, Krông Pa, Đức Cơ đã có văn bản chính thức lên án hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm. Đồng thời, cùng các tổ chức, cơ quan, đơn vị tại địa phương triển khai 21 buổi truyền thông, tuyên truyền phòng tránh bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em cho 1.475 hội viên, phữ và nhân dân trên địa bàn huyện thông qua lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt chi - tổ hội, hoạt động các câu lạc bộ, tổ nhóm; phối hợp với Phòng Giáo dục truyền thông cho các phụ huynh và học sinh tại các trường (từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông)…

Qua tìm hiểu được biết, trong số các trường hợp trẻ bị bạo lực, xâm hại tình dục, đa số các em đều thiếu sự quan tâm của gia đình, cha mẹ ít dành thời gian chăm sóc và theo dõi lối sống, sinh hoạt, nắm bắt tâm tư tình cảm của con cái, không quản lý các em sử dụng internet, dùng điện thoại thông minh dẫn đến các em đã dễ tiếp cận với nhưng nguồn thông tin thiếu lành mạnh hoặc dễ dàng bị đối tượng xấu lợi dụng, dụ dỗ…

Bên cạnh đó, con số trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục được công khai cũng chưa phản ánh đúng sự thật, hầu hết các vụ không bắt được quả tang, những vụ gây hậu quả nghiêm trọng mới bị phát hiện và tố cáo. Điều đáng ngại nhất là bạo lực không chỉ xảy ra với trẻ ở ngoài xã hội, trong trường học, mà lại ngay trong chính gia đình, các đối tượng có hành vi bạo lực với trẻ em là cha mẹ hoặc những người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục triển khai phối hợp với các ngành chức năng truyền thông về Luật Trẻ em và Luật Phòng, chống bạo lực; truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, cộng đồng, đặc biệt là vận động nam giới trong gia đình cùng tham gia chung tay xây dựng cuộc sống an toàn cho trẻ. Đồng thời, tổ chức giám sát Quyết định 178-QĐ/BUND, ngày 17/4/2013 của UBND tỉnh về việc “Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em tỉnh Gia Lai giai đoạn 2013-2020”.
BTG Gia Lai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video