Cần có chính sách về bình đẳng giới bền vững

31/03/2011
“Thống kê cho thấy phụ nữ giữ cương vị nhiều ở cấp “phó” và cũng thường ở các lĩnh vực như văn hóa, xã hội. Các lĩnh vực như tài chính và quân sự chưa thấy các nữ lãnh đạo. Đây có thể là hệ quả của việc “cơ cấu”. Điều này cũng cho thấy chúng ta chưa có một chính sách về bình đẳng giới bền vững” - bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết.

Một thực tế cho thấy, phụ nữ tại Việt Nam không chỉ chịu nhiều áp lực trong cuộc sống, công việc mà còn phải đối mặt với bạo lực trong gia đình. Vậy chúng ta đã có những biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?

 - Chúng ta đã có Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 và sau đó đã có nhiều thông tư, nghị định hướng dẫn triển khai luật và đưa việc thực hiện luật vào trong hoạt động của các ngành các cấp. Cuộc điều tra quốc gia đầu tiên về bạo lực gia đình được thực hiện năm 2010 đã đưa ra những thông tin quan trọng để xây dựng các chính sách và chiến lược phù hợp đối với vấn đề bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình cũng được đưa vào chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới. Tuy nhiên, Việt Nam còn phải làm nhiều việc nữa mới giải quyết được vấn đề này. Gốc rễ của bạo lực với phụ nữ là bạo lực giới. Do vậy, chỉ đề cập như bạo lực giữa các thành viên trong gia đình với nhau thì không giải quyết được vấn đề. Không người phụ nữ nào muốn kiện chồng hay đưa chồng mình ra pháp luật. Nếu có đưa ra tổ dân phố hoặc công an thì họ cũng chỉ nhận được những lời khuyên hoà giải.

Thêm vào đó, chúng ta cần có những hướng dẫn cụ thể hơn để các cán bộ làm ở vị trí khác nhau có thể có xử trí và hỗ trợ phù hợp cho người phụ nữ trong vấn đề bạo hành gia đình. Và quan trọng hơn là cần giáo dục về vấn đề giới và bạo lực trên cơ sở giới thiệu cho mọi người trong xã hội, bắt đầu từ những người làm trong các cơ quan, tổ chức về vấn đề bạo lực đối với phụ nữ. 

Để tạo sự cân bằng trong bình đẳng giới giữa nam và nữ thì chúng ta phải làm gì?

- Cần phải làm việc với nam giới. Chúng ta có Hội phụ nữ nhưng lại chẳng có hội nào để tập hợp nam giới. Các mẫu hình bình đẳng giới phải bắt đầu từ các cán bộ nam giới. Chúng ta cũng mới làm nhiều ở các chính sách quốc gia nhưng còn những “chính sách gia đình” thì lại dường như bỏ ngỏ. Bình đẳng giới phải được đưa vào trong các hương ước dòng họ và vận động cho bình đẳng giới phải bắt đầu từ già làng, trưởng bản hay các tổ trưởng tổ dân phố... Chừng nào chúng ta chưa tạo ra các thay đổi trong quan niệm về thừa tự, về việc viết con trai, con gái trong gia phả thì khó có được bình đẳng giới thực sự trong gia đình. Ngoài ra, Bình đẳng giới cũng phải được đưa vào trong truyền thông quảng cáo.

Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia làm quản lý, lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực của các cơ quan nhà nước còn quá ít. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Thống kê cho thấy phụ nữ giữ cương vị nhiều ở cấp “phó” và cũng thường ở các lĩnh vực như văn hóa, xã hội. Các lĩnh vực như tài chính và quân sự thường là chưa thấy các nữ lãnh đạo. Đây có thể thấy là hệ quả của việc “cơ cấu”. Điều này cũng cho thấy chúng ta chưa có một chính sách về bình đẳng giới bền vững. Chúng ta có thể đặt câu hỏi tương tự vì sao phụ nữ lãnh đạo ở các cấp cao như cấp Bộ, Quốc hội thì cao trong khi phụ nữ làm lãnh đạo ở cấp cơ sở lại ít.

Thực tế, ngay từ bé khi đi học con gái đã được định hướng vào một số nghề nhất định. Rồi do đặc điểm về sinh học là mang thai và sinh con nên phụ nữ thường chỉ có thể trụ lại và phát triển ở một số nghề nhất định, những nghề ít đòi hỏi làm việc ngoài giờ hay đi xa... Nhìn chung, nhiều nguyên nhân từ gia đình cho đến hệ thống các qui đinh và sự sẵn có của các dịch vụ xã hội đã tạo ra “sự chọn lọc” về lĩnh vực làm việc của phụ nữ. Lâu dần lại làm cho nhiều người hiểu lầm là phụ nữ chỉ làm được những việc như thế. Vì vậy, theo tôi phụ nữ cần được xem xét một cách bình đẳng hơn với nam giới không chỉ trong gia đình mà cả trong công tác xã hội.

Xin cảm ơn bà!

Theo Hoài Vũ-Lê Bảo (báo ĐĐK)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video