Cần có danh mục cụ thể các ngành nghề nâng tuổi nghỉ hưu

10/06/2019
Làm thêm giờ, tuổi nghỉ hưu đối với nam giới và phụ nữ, lao động khu vực phi chính thức... là những chế định được các đại biểu quan tâm và cho ý kiến thẳng thắn tại hội nghị phản biện xã hội góp ý cho dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) ngày 3/6/2019 tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức

Tăng giờ làm thêm và bài toán tái tạo sức lao động

Bà Bùi Thị Thỏa - đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết, theo khảo sát, phần lớn người lao động (NLĐ) không muốn mở rộng khung giờ làm thêm mà cho rằng cần có giải pháp tăng năng suất cho doanh nghiệp (DN) và thu nhập của NLĐ; chỉ có một số NLĐ vì sức ép thu nhập nên buộc phải chấp nhận tăng giờ làm thêm.

Theo đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc xem xét tăng thời giờ làm thêm phải đặt trong mối quan hệ với các yếu tố khác như việc làm, thất nghiệp, sức khỏe của NLĐ, an toàn lao động, các vấn đề về xã hội… và cả xu hướng của thế giới hiện nay (giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi). Quy định về giờ làm thêm phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với chính sách tiền lương của DN, bảo đảm quyền lợi của NLĐ, tránh việc DN lợi dụng tăng giờ làm thêm để trả lương thấp, buộc NLĐ không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải “tự nguyện” làm thêm giờ mới có thu nhập để đủ trang trải cuộc sống.

“Tăng thời gian làm thêm phải tăng lợi ích cho NLĐ. Việc tăng giờ làm thêm phải tính toán trong mối tương quan với thời giờ làm việc chính thức, đảm bảo tái tạo kịp thời sức lao động cho NLĐ. Hiện nay, quy định về thời giờ làm việc chính thức của Việt Nam rất cao (48 giờ/tuần); nghỉ lễ, tết rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới” - bà Thỏa cho hay.

Khảo sát của các cấp công đoàn cho thấy, NLĐ chỉ đồng tình mở rộng khung tối đa giờ làm thêm nếu được chi trả tiền lương làm thêm giờ theo lũy tiến. Đây là giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, đồng thời, góp phần khắc phục tình trạng DN không tuyển dụng lao động phù hợp với quy mô và năng lực (để trốn tránh nghĩa vụ) mà huy động làm thêm giờ.

 Ảnh minh họa

Toàn cảnh hội nghị 


Cũng quan tâm đến những quy định về làm thêm giờ, bà Đàm Thị Vân Thoa, Phó trưởng ban Luật pháp Chính sách (Trung ương Hội LHPN VN) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của việc tăng thời gian làm thêm giờ như giảm thời gian nghỉ ngơi, giải trí, ít có cơ hội cải thiện đời sống tinh thần, đặc biệt là đối với lao động nữ (đối tượng chiếm đến 80% lao động làm việc trong ngành dệt may và 75% trong ngành điện tử và có số thời gian làm việc nhà nhiều hơn so với nam giới).

Bên cạnh đó, bà Thoa cũng đề nghị bổ sung những quy định có sự tham gia của tổ chức đại diện của người lao động trong quá trình thỏa thuận trả lương lũy tiến làm thêm giờ giữa người lao động và người sử dụng lao động và Chính phủ hướng dẫn chi tiết việc việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ để các bên thực hiện.

 

Đai biểu phát biểu tại Hội nghị


Khẳng định nâng mức trần số giờ làm thêm là việc bất đắc dĩ góp phần giúp DN tháo gỡ khó khăn nhưng ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, vẫn nhấn mạnh xu thế chung của thế giới là giảm giờ làm, nâng cao năng suất lao động và cần có những quy định hết sức chặt chẽ để tránh lạm dụng làm thêm giờ.

Phạm vi điều chỉnh chưa "ôm" hết lao động phi chính thức

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật, bà Đàm Thị Vân Thoa, Phó Trưởng Ban Luật pháp Chính sách (Trung ương Hội LHPN VN) cho rằng, dự thảo BLLĐ đã sửa đổi rất nhiều quy định liên quan đến người lao động từ khái niệm, hợp đồng lao động... Điều đó dẫn tới phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của BLLĐ được mở rộng và đã có những điều chỉnh đối với lao động phi chính thức ở góc độ chính sách. Tuy niên, phần quy định về phạm vi điều chỉnh của BLLĐ (sửa đổi) vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành. Do đó, khoảng trống pháp luật đối với lao động phi chính thức vẫn chưa được giải quyết.

Thực tế, lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động (57,2%) có nhiều đóng góp vào sự phát triển của đất nước, song đây lại là lực lượng yếu thế dễ bị tổn thương, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh, trong đó lao động nữ ở nhóm lao động dễ bị tổn thương ở khu vực này chiếm đến 59,5%...

Chính vì vậy, quan điểm của TƯ Hội LHPN là dự thảo luật cần mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lao động phi chính thức để có cơ sở pháp lý quản lý, bảo vệ người lao động, phát triển, liên thông thị trường lao động, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), hướng đến thúc đẩy quá trình chính thức hóa khu vực phi chính thức.

Cũng quan tâm đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo, ông Phạm Văn Ngọ đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ VN cho rằng, vì dự thảo mong muốn điều chỉnh cả lao động ngoài nhà nước lẫn lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp nên nhiều quy định có phần gượng ép chưa thực sự hợp lý. Ông Ngọ lấy ví dụ về độ tuổi nghỉ hưu, điều này chỉ cần thiết đối với các cán bộ, công chức, viên chức còn với khối doanh nghiệp, quy định này hoàn toàn thừa bởi nếu cả NLĐ và DN đều thấy có nhu cầu và khả năng thì 60, 62 hay 70 tuổi cũng vẫn có thể tiếp tục làm việc với nhau.

Liên quan đến đối tượng điều chỉnh, ông Bùi Sỹ Lợi, cho biết, mong muốn từ cơ quan soạn thảo là Bộ luật lao động sẽ đưa ra được tiêu chuẩn lao động với các tiêu chí để có thể điều chỉnh, áp dụng cho tất cả các loại lao động đồng nghĩa là có thể áp dụng cho toàn bộ lực lượng lao động hơn 50 triệu người hiện nay. Tuy nhiên để làm được điều này Ban soạn thảo rất cần gặp gỡ lắng nghe tiếp thu và chỉnh sửa theo nguyên tắc dự thảo điều chỉnh các quan hệ lao động và những quan hệ xã hội có liên quan.

Lao động nặng nhọc không thể nâng tuổi nghỉ hưu

Một chế định quan trọng nữa được quan tâm đó là tuổi nghỉ hưu quy định trong dự thảo bộ luật lần này.

Bà Đàm Thị Vân Thoa nêu quan điểm, nhóm lao động hiện đang làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã được quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi sớm hơn trong BLLĐ năm 2012 nhưng trong dự thảo BLLĐ (sửa đổi) không còn lao động khu vực này. Thực tế cho thấy nhóm này có những thiệt thòi nhất định khi làm việc ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn như khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, xa các trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, xa đất liền.... Chính vì vậy, Nhà nước đã có nhiều chính sách về giảm nghèo, về tiếp cận thông tin, về đào tạo, bổi dưỡng, luân chuyển, phụ cấp cho cán bộ, người lao động làm việc ở khu vực này....

Bên cạnh đó, theo bà Thoa, cũng cần có quy định cụ thể trong dự thảo đối với tuổi nghỉ hưu của của nhóm phụ nữ lao động kỹ thuật cao, nữ quản lý. Hiện nay, nhóm lao động nữ đang nghỉ ở độ tuổi cao hơn theo quy định tại các văn bản dưới luật (Nghị định 141/2013/NĐ-CP, Nghị định số 53/2015/NĐ-CP). Do đó đề nghị Dự thảo Luật kế thừa các quy định hiện hành để điều chỉnh mốc tuổi nghỉ hưu tương đương với nam giới với những nhóm đối tượng này. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu tuổi nghỉ hưu cao hơn cho một số nhóm lao động nữ là nguồn nhân lực chất lượng cao, tiềm năng cho các vị trí quản lý, các ngành khoa học.

Trao đổi xung quanh vấn đề tuổi nghỉ hưu, ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng khi lấy ý kiến thì cơ bản đa số ý kiến công nhân không đồng ý nâng tuổi nghỉ hưu. “Gia dày dệt may các ngành thủ công lao động nặng nhọc không thể nâng tuổi nghỉ hưu được”, ông Lợi khẳng định. Cũng theo ông Lợi cần có danh mục cụ thể chi tiết các ngành nghề nâng tuổi nghỉ hưu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp, đại diện Ban soạn thảo, ghi nhận các ý kiến và cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe tiếp thu các ý kiến từ các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể và đông đảo người lao động cũng như doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo.

Thay mặt chủ trì Hội nghị, Phó Chủ tịch UB TWMTTQVN Ngô Sách Thực cho biết, những ý kiến phản biện sẽ được tổng hợp tiếp thu và đưa vào văn bản phản biện của MTTQ gửi đến Ban soạn thảo trong thời gian tới. 

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video