Cần có sự nhạy cảm giới trong biên soạn giáo trình và giảng dạy đại học

18/11/2015
Đây là chủ đề khóa tập huấn do Viện Nghiên cứu và Phát triển phối hợp với Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tổ chức diễn ra từ ngày 13 - 15/11/2015 tại Hà Nội, một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế” của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Bộ Ngoại giao Việt Nam nhằm thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và hành chính.

Khóa tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về giới cho các đối tượng là viên chức, giảng viên thuộc các đơn vị Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức - Bộ Nội vụ, Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và đào tạo, Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước... qua đó hỗ trợ học viên thực hiện lồng ghép giới trong quá trình biên soạn giáo trình, tài liệu và giảng dạy.

Phát biểu khai mạc, PGS. TS Nguyễn Minh Phương - Phó hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ nhấn mạnh: Ở Việt Nam, các kiến thức về Giới còn khá xa lạ với đội ngũ giảng viên của nhà trường. Phần lớn giảng viên chưa được cung cấp các kiến thức đầy đủ về giới, chưa được tham gia bất kỳ một khóa tập huấn về giới nào. Vấn đề nhạy cảm giới hầu như chưa từng tồn tại trong quan điểm giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Trong khi đó, giảng viên đại học là những người có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các tri thức khoa học, định hướng nhận thức và tư duy cho sinh viên. Những kiến thức giảng viên cung cấp, những ví dụ được dẫn giải trong từng bài giảng, từng trang tài liệu đều có ảnh hưởng lớn đến nhận thức của sinh viên trong quá trình học tập cũng như làm việc sau khi tốt nghiệp. Việc nâng cao nhận thức giới, cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết để đội ngũ giảng viên đảm bảo tính nhạy cảm giới trong biên soạn giáo trình và giảng dạy có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi định kiến giới và nâng cao nhận thức giới cho nguồn nhân lực ngành Nội vụ trong tương lai.

Bà Jean Munro - tư vấn quốc tế dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế” nhận xét: Ở Việt Nam, điều kiện sống của đa số phụ nữ đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt trong các lĩnh vực sức khỏe sinh sản, tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức lớn tồn tại làm cản trở con đường tiến tới bình đẳng của phụ nữ, trong đó có hai rào cản lớn nhất là thái độ và khuôn mẫu giới. Xã hội định hình những thuộc tính nam và nữ, bản sắc giới, thái độ và hành vi của con người thông qua việc xã hội hóa khuôn mẫu ở gia đình, trường học và xã hội. Thông qua đó, trẻ em nam học được rằng chúng phải làm gì khi trở thành đàn ông và trẻ em gái học được rằng chúng phải chịu đựng gì khi là phụ nữ. Những khuôn mẫu này tạo nên sự phân biệt về tuổi nghỉ hưu, sự tham gia hạn chế của nam giới vào các công việc gia đình và chăm sóc con cái, định kiến trong tuyển dụng và đề bạt... Đó là một lý do quan trọng khiến chúng ta không có đủ những nữ lãnh đạo được trao quyền trong xã hội. Định kiến giới cũng khiến chúng ta không có đủ nam giới ủng hộ và hỗ trợ bình đẳng giới. Vì vậy chúng ta cần phải phá vỡ khuôn mẫu này, giải phóng phụ nữ và nam giới để họ có thể phát triển hết tiềm năng của mình để họ có thể tự đưa ra những lựa chọn cho mình.

Thông điệp mà bà Jean Munro muốn chuyển tải là các học viên hãy ủng hộ và đứng lên vì quyền con người, quyền của phụ nữ thông qua quá trình biên soạn giáo trình và giảng dạy đại học để tạo ra sự khác biệt cho hôm nay và cho tương lai của con cái chúng ta. Là giảng viên và những người làm việc trong các cơ quan nhà nước, các học viên của lớp tập huấn sẽ là những nhân tố tích cực giúp làm tăng tỷ lệ phụ nữ là bộ trưởng, thứ trưởng, lãnh đạo tỉnh và các vị trí lãnh đạo khác.

Trong thời gian 3 ngày, học viên tham dự khóa tập huấn sẽ được tiếp cận và vận dụng vào thực tiễn công việc của mình các kiến thức cơ bản về giới, khái niệm giới, bình đẳng giới, vai trò giới, khuôn mẫu giới, nhạy cảm giới, định kiến giới, luật và các chính sách về bình đẳng giới... Học viên cũng được trang bị các kiến thức về thực trạng bình đẳng giới ở Việt Nam, định kiến giới và khuôn mẫu giới trong tài liệu giảng dạy ở Việt Nam, từ đó hiểu vì sao phải nhạy cảm giới trong biên soạn giáo trình và giảng dạy đại học... Qua tập huấn, các học viên sẽ vận dụng vào công việc của mình để “tạo ra sự khác biệt cho hôm nay và cho tương lai của con cái chúng ta”.

Trần Thúy

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video