Cần Thơ tiếp lửa cho phụ nữ khởi nghiệp thành công

08/10/2020
Những năm gần đây, phong trào phụ nữ khởi nghiệp được Hội LHPN thành phố triển khai thực hiện hiệu quả thông qua các hoạt động hỗ trợ, giúp chị em xây dựng các mô hình kinh tế. Từ đó, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, khích lệ chị em tự tin, mạnh dạn vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.
Lê Thanh Ái Nhi đã khởi nghiệp cùng sản phẩm handmade từ tình yêu với len sợi và số vốn chỉ vẻn vẹn 1 triệu đồng

Khởi nghiệp sản phẩm len sợi handmade chỉ từ 1 triệu đồng

Tọa lạc tại địa chỉ 68/8/A1 đường Cách mạng Tháng 8, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, cửa hàng Len Thỏ tuy nhỏ nhưng lại khá đông khách. Với niềm đam mê len sợi, từ năm 2013, cô chủ trẻ 9x Lê Thanh Ái Nhi đã khởi nghiệp cùng sản phẩm handmade với số vốn chỉ vẻn vẹn 1 triệu đồng. Nhi chia sẻ: “Những ngày đầu khởi nghiệp, tôi chỉ làm những sản phẩm đơn giản, chủ yếu là quần áo, nón, giày trẻ em và quảng bá sản phẩm trên mạng internet. Ðược Hội LHPN phường Thới Bình hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, tôi có điều kiện đầu tư thêm vào việc kinh doanh của mình”.

Với sự kiên trì, sáng tạo, Nhi không ngừng tìm tòi, học hỏi để nâng cao tay nghề và chất lượng sản phẩm, nghiên cứu và cho ra mắt nhiều sản phẩm độc đáo từ len sợi, như: túi xách thời trang, túi đựng bình giữ nhiệt, búp bê, áo dài, giày dép,… Trong đó, phải kể đến sản phẩm túi ly giữ nhiệt độc quyền của Len Thỏ.

Nhi chia sẻ: “Ðây là một trong những sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước yêu thích nhất, đã được đặt hàng hơn 200 mẫu mã. Tiếp tục sáng tạo, đầu năm 2020, tôi móc sản phẩm búp bê công an Việt Nam và búp bê mang hình ảnh những nhân vật cải lương”. Không chỉ khởi nghiệp làm giàu cho gia đình, Nhi còn hướng dẫn dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều bạn trẻ.

Tổ may giải quyết việc làm cho 16 phụ nữ

Với vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã Ðông Thắng, huyện Cờ Ðỏ, chị Lê Kim Luyến luôn quan tâm, tìm hiểu nhu cầu việc làm của chị em vùng nông thôn. Từ năm 2018, chị Luyến đã khởi xướng thành lập Tổ may gia công tại nhà để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo việc làm cho chị em trong xã. Thời gian đầu mới thành lập, Tổ chỉ có 4 thành viên, công việc gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, tay nghề của chị em chưa cao…

Quyết tâm vượt qua khó khăn, Chị Luyến không ngừng học hỏi, hướng dẫn chị em và tìm đầu mối tiêu thụ. Dần dần, việc sản xuất kinh doanh đi vào ổn định. Hiện nay, mỗi tháng, cơ sở của chị nhận gia công 5.000-6.000 bộ quần áo các loại, qua đó giải quyết việc làm cho 16 chị với mức lương ổn định 2-4 triệu đồng/tháng.

Làm giàu với thương hiệu Trà mãng cầu

Chị Nguyễn Kim Nhiên, ngụ ấp 2, xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, cũng đã khởi nghiệp thành công với thương hiệu Trà mãng cầu Kim Nhiên. Trước đây, gia đình chị Nhiên trồng 2,5ha mãng cầu, chỉ bán trái cho thương lái. Tận dụng các trái bị thương lái loại, gia đình chị làm trà để uống. Nhận thấy chất lượng trà mãng cầu thơm ngon, tốt cho sức khỏe, năm 2017, chị Nhiên đã mạnh dạn mở cơ sở sản xuất trà, bước đầu theo hình thức hộ gia đình.

Ðến nay, cơ sở đã phát triển thành Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận sản phẩm. Ðây cũng là cơ sở đầu tiên tại TP Cần Thơ có sản phẩm trà mãng cầu sạch, được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền về thương hiệu trà mãng cầu Kim Nhiên tại Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện nay, trà mãng cầu Kim Nhiên đã có mặt trên sàn giao dịch thương mại điện tử và có hệ thống đại lý tại nhiều tỉnh, thành.

Tiếp lửa cho phụ nữ khởi nghiệp

Quá trình khởi nghiệp của các cá nhân điển hình nêu trên là minh chứng cho con đường hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp, khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Không riêng Ái Nhi, chị Luyến, chị Kim Nhiên mà còn nhiều những tấm gương phụ nữ đã vươn lên khởi nghiệp thành công, như: chị Võ Kim Nớt (khu vực Tân An, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt) với mô hình trồng hoa kiểng; chị Lê Thị Hoàng Phương (ấp Ðông Phước, xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ) khởi nghiệp xây dựng tổ hợp tác thu mua và hỗ trợ hạt giống;…

Theo bà Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp luôn được Hội xác định là nhiệm vụ ưu tiên. Bên cạnh việc triển khai tốt Ðề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, hằng năm, Hội LHPN thành phố đều chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ phát huy nội lực, chủ động tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ðồng thời, tạo điều kiện giúp hội viên thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp, như: giới thiệu, tư vấn, kết nối cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh tham gia các lớp đào tạo nghề; hỗ trợ xây dựng thương hiệu; tập huấn khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, liên kết tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hội viên tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất…

Hiện nay, thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi, nguồn vốn tiết kiệm, các cấp Hội LHPN thành phố đã cho hơn 4.700 chị em vay vốn để khởi nghiệp với tổng số tiền trên 10,5 tỉ đồng. Ngoài ra, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội, 6 tháng đầu năm 2020, các cấp Hội giúp 5.546 hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình với số tiền trên 183 tỉ đồng.

Từ sự phối hợp đồng bộ của Hội LHPN các cấp trên địa bàn thành phố, đến nay, hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ. Bà Võ Kim Thoa phấn khởi cho biết, kết quả đáng ghi nhận nhất là chị em có sự thay đổi trong tư duy, nhận thức, phong trào khởi nghiệp đã khuyến khích mạnh mẽ chị em tự tin, dám nghĩ, dám làm, ý tưởng dù nhỏ hay lớn đều đáng quý.

Ðể tiếp sức cho chị em, Hội LHPN thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai các hoạt động hỗ trợ phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó giúp phụ nữ khởi nghiệp bền vững, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hồng Vân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video