Chế độ dinh dưỡng dự phòng cho người bệnh tăng huyết áp

27/08/2021
Dinh dưỡng điều trị bệnh mạn tính, nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch cho cơ thể là hết sức quan trọng để dự phòng COVID-19 đối với những người mắc bệnh tăng huyết áp.
Ảnh minh họa

Tăng huyết áp -“kẻ giết người thầm lặng“ - gây suy tim, đột quỵ, suy thận, bệnh mạch vành, bệnh mạch ngoại vi. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, những người tử vong khi mắc COVID-19 tăng cao ở người cao tuổi hoặc có sẵn bệnh mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp...). Do đó, dinh dưỡng điều trị bệnh mạn tính, nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch cho cơ thể là hết sức quan trọng để dự phòng COVID-19 đối với những người mắc bệnh tăng huyết áp. Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp có xu hướng tăng lên theo quá trình đô thị hoá, sự thay đổi lối sống, chế độ ăn và môi trường.

1. Vai trò của dinh dưỡng trong tăng huyết áp:

1.1. Natri: Trong các nguyên nhân gây tăng huyết áp, trước hết người ta thường kể đến lượng muối trong khẩu phần. Ở các quần thể dân cư ăn ít muối thì bệnh tăng huyết áp không đáng kể và không thấy có huyết áp tăng theo tuổi.

a. Mức Natri trong khẩu phần có thể tạo ra từ 2 nguồn chính:

  • Phần cho thêm vào thức ăn: muối, nước mắm, mì chính, phần này phụ thuộc vào khẩu vị của từng người.
  • Phần có sẵn trong thực phẩm: là lượng Natri được cho thêm vào thực phẩm trong quá trình chế biến, bảo quản (các thực phẩm đóng hộp, hun khói, sấy khô, ướp muối…) và nguồn có tự nhiên trong thực phẩm.

b. Nên ăn bao nhiêu muối mỗi ngày?

Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo chế độ ăn không quá 5 g muối/ngày là giới hạn hợp lý để phòng bệnh tăng huyết áp. Với người tăng huyết áp, tai biến mạch máu não cần ăn nhạt bằng một nửa hoặc 2/3 so với người bình thường (≈ 3-4 g/ngày).

Trong thực đơn cần bớt các thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến công nghệ vì các thực phẩm này thường chứa nhiều muối. 

 

1.2. Ngoài muối ăn, nhiều thành phần khác trong chế độ ăn cũng có vai trò đối với tăng huyết áp:

  • Lượng lipid cao và các acid béo bão hòa trong khẩu phần cũng dẫn đến tăng huyết áp. Nên dùng chất béo từ thực vật (dầu thực vật, các loại hạt có dầu), cá và dầu cá. Hạn chế mỡ động vật có trong thịt mỡ, da, bơ, sữa béo. Một ngày có thể ăn khoảng 20 g dầu ăn.
  • Chất đạm: ăn ở mức trung bình, ăn phối hợp chất đạm cả nguồn gốc động vật và thực vật, tuy nhiên ưu tiên đạm có nguồn gốc thực vật hơn, nhất là đậu tương và sản phẩm chế biến từ đậu tương. Ăn quá nhiều protein làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và thúc đẩy tiến triển các bệnh của mạch máu, đặc biệt ở thận.
  • Chất bột đường: nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt, không xay xát kỹ: gạo lứt, gạo lật nảy mầm, gạo xát dối, khoai củ, lúa mạch…

Chế độ ăn nhiều thịt béo, đồ rán, đồ ngọt, bơ, sữa toàn phần, dầu mỡ và đồ mặn là một trong các nguyên nhân chính làm tăng cholesterol.

  • Uống nhiều rượu, cũng liên quan đến tăng huyết áp. Uống nhiều rượu thì huyết áp tăng lên không phụ thuộc vào cân nặng cơ thể hoặc tuổi tác.
  • Cà phê: làm tăng huyết áp đặc biệt ở người có tăng huyết áp.
  • Có mối liên quan chặt chẽ giữa béo phì và tăng huyết áp. Những người trẻ bị thừa cân có tỷ lệ tăng huyết áp cao gấp hai lần so với những người có cân nặng bình thường và có tới 50% người cao tuổi béo phì bị tăng huyết áp.

2. Vai trò của dinh dưỡng trong giảm huyết áp:

2.1. Kali: Chế độ ăn giàu kali có lợi cho người tăng huyết áp.

  • Nhóm rau quả cung cấp nhiều Kali nhất (khoai tây, su hào, bí đao, đậu đỗ, chuối và các loại rau khác). Sữa cũng chứa nhiều kali, tiếp đến là thịt, trứng và sản phẩm ngũ cốc.
  • Chế độ ăn giàu kali (4- 5g/ ngày) có thể giảm huyết áp ở những người có tiền sử gia đình tăng huyết áp.
  • Ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi: vì chứa nhiều kali, canxi, magie và các vitamin, nhất là các loại rau quả nhiều vitamin C, E, Beta-caroten... Chọn các loại rau có lá màu thẫm: súp lơ, rau ngót, rau cải chân vịt, rau muống, tăng cường ăn các loại rau thơm gia vị, tỏi, hành. Đa dạng các loại quả: chuối, đu đủ, cam, táo, nho, ổi, xoài.

2.2. Một số chất khác có tác dụng làm giảm huyết áp:

  • Canxi: tăng lượng canxi trong khẩu phần có ảnh hưởng đến giảm huyết áp. Sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn canxi tốt. Sữa: hàng ngày nên uống sữa theo khuyến nghị sử dụng sữa cho người Việt Nam phù hợp với lứa tuổi; Người thừa cân nên sử dụng sữa tách béo (hoặc sữa đậu nành) và sữa chua ít đường.
  • Chất xơ: chế độ ăn nhiều chất xơ dẫn đến giảm huyết áp (nên ăn 14g chất xơ/1000kcal).
  • Tỏi: có tác dụng làm giảm huyết áp vừa phải.
  • Nước uống theo nhu cầu khuyến nghị: nên uống chè hoa hòe, nước râu ngô, nước rau luộc. Uống nước ấm, chia nhiều lần trong ngày, không uống một lúc quá nhiều.

3. Lời khuyên chung:

Ăn uống hợp lý là một biện pháp không thể thiếu để phòng chống bệnh tăng huyết áp. Một chế độ ăn hạn chế muối, kiểm soát năng lượng và rượu có thể làm giảm huyết áp ở phần lớn đối tượng có tăng huyết áp nhẹ. Bên cạnh đó chế độ ăn nên giàu canxi, kali, vitamin C, thay thế các chất béo của thịt bằng chất béo từ cá, ăn nhiều rau và trái cây cùng với hoạt động thể lực sẽ làm giảm huyết áp, một nhân tố nguy cơ của các bệnh mạch vành. Chế độ ăn dự phòng tăng huyết áp nên:

  • Nhiều rau, quả, các loại hạt, sữa gầy, hạn chế các chất béo no và thể trans, ít các thức ăn chế biến công nghệ (các chế độ ăn này giàu kali, canxi và ít natri).
  • Hạn chế muối: người bình thường không nên quá 5g/ngày. ở người tăng huyết áp nhẹ chỉ nên ăn 4g muối/ngày.
  • Hạn chế hoặc không uống rượu khi có tăng huyết áp
  • Hạn chế cà phê ở những người có huyết áp dao động
  • Duy trì hoạt động thể lực: 30-45 phút mỗi ngày
  • Thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp, do đó cần duy trì cân nặng thích hợp.

 

GS.TS. BS. Lê Thị Hợp, PGS.TS.BS. Lê Bạch Mai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video