Chia sẻ kinh nghiệm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị khu vực miền Trung và Tây Nguyên

16/09/2022
Ngày 16/9, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị khu vực miền Trung và Tây Nguyên" tại Trung tâm Vì sự phát triển của phụ nữ khu vực Bắc Trung bộ (TP Đồng Hới, Quảng Bình).
Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh

Ở Việt Nam, mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, song tỷ lệ cán bộ nữ vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ. 

Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt các cơ quan Trung ương, các cơ quan chính quyền các cấp địa phương nói chung là thấp, cán bộ nữ chủ yếu giữ vị trí cấp phó. Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ nữ khu vực miền Trung và Tây Nguyên nhìn chung thấp hơn so với những khu vực khác trong toàn quốc. Trong 12/63 tỉnh, thành phố không có nữ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND) thì khu vực miền Trung, Tây Nguyên có 7/12 tỉnh (chiếm 58,3%) và chiếm 41,2% số tỉnh, thành trong khu vực (7/17 tỉnh, thành phố).

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu phát biểu chào mừng hội thảo. Nguồn: Báo Quảng Bình

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, với trách nhiệm của tổ chức Hội, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã chủ động, tích cực tham mưu về công tác cán bộ nữ. Đặc biệt, để chuẩn bị cho việc Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TWvề tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong thời kỳ mới, bắt đầu từ năm 2022 và trong đầu năm 2023, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tham mưu công tác cán bộ nữ.

Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị khu vực miền Trung và Tây Nguyên" ngày 16/9

"Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế cũng như cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, khu vực miền Trung và Tây Nguyên là khu vực có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, Hội đồng nhân dân là người dân tộc thiểu số cao hơn so với bình quân chung của toàn quốc", Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ và thảo luận sôi nổi về những kinh nghiệm, mô hình của các đơn vị trong thực hiện công tác cán bộ nữ; nguyên nhân rào cản hạn chế cơ hội tham gia lãnh đạo, quản lý, tham gia cấp ủy, các cơ quan dân cử của phụ nữ và đề xuất những giải pháp để tăng số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ cấp ủy, nữ lãnh đạo, quản lý và nữ đại biểu dân cử.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh ghi nhận và đánh giá cao các tham luận cũng như các ý kiến thảo luận tại hội thảo. Đây sẽ là những ý kiến vô cùng ý nghĩa, hữu ích và sẽ được Hội LHPN Việt Nam tổng hợp tiếp thu đầy đủ; là một trong những cơ sở để Hội tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Quốc hội những giải pháp về công tác cán bộ nữ, nhằm đảm bảo chỉ tiêu và mục tiêu về tỷ lệ cán bộ nữ đã đề ra trong thời gian tới.

 

Chỉ tiêu về cán bộ nữ đến năm 2030 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định trong Nghị quyết số 26/NQ-TW là: Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp. Tỉ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20%-25%.

Chiến lược quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2030 xác định chỉ tiêu: Đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Báo PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video