Cho con trẻ học 2 ngôn ngữ: Những lợi ích và một số sai lầm cha mẹ thường mắc phải

13/01/2016
Xu thế toàn cầu hóa ngày càng đòi hỏi quá trình giao tiếp thường xuyên hơn giữa các quốc gia. Đó là một trong những lý do mà các bậc cha mẹ quan tâm đầu tư trang bị cho con mình thêm ít nhất 01 ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ.

Những lợi ích

Trẻ biết ít nhất từ 2 ngôn ngữ trở lên sẽ có nhiều lợi thế hơn trong học tập, đời sống xã hội và phát triển; đồng thời cũng giúpcác em cải thiện một cách tích cực thái độ, cách ứng xử và tình bạn giữa các nền văn hóa khác nhau. Bên cạnh đó, am hiểu tốt nhiều ngôn ngữ tạo điều kiện cho các em học tập, tiến bộ trong bối cảnh hội nhập.

Một số sai lầm của cha mẹ khi nghĩ về việc học ngoại ngữ của con

Chỉ cha mẹ học ngoại ngữ mới dạy được con học ngoại ngữ.

Thực tế là, trong một xã hội mà đa phần người dân đều chỉ nói 01 ngôn ngữ sẽ là thách thức rất lớn để những bậc cha mẹ biết 02 thứ tiếng yêu cầu con phải học thêm 1 ngôn ngữ nữa. Nếu như đứa trẻ không có môi trường giao tiếp rộng rãi ở bên ngoài bằng ngôn ngữ thứ 2 thì mục đích/mục tiêu của phụ huynh rất khó thành công.

Mọi đứa trẻ trong cùng một gia đình đều có khả năng học ngoại ngữ như nhau

Sẽ là sai lầm nếu cha mẹ luôn yêu cầu con thứ hai phải học giỏi ngoại ngữ như anh/chị/em của chúng. Mỗi đứa trẻ có những khả năng khác nhau, đứa trẻ này học giỏi ngoại ngữ nhưng đứa trẻ kia lại học giỏi toán học. Vì vậy không có nghĩa là mọi đứa trẻ trong 1 gia đình đều có khả năng học ngoại ngữ như nhau.

Ngay lập tức sửa ngay các lỗi ngữ pháp và từ để tránh các thói quen xấu

Mắc lỗi trong khi học ngoại ngữ là một điều hết sức tự nhiên, nhất là đối với trẻ nhỏ. Khi trẻ mới bắt đầu bi bô tập nói (tiếng mẹ đẻ), những tiếng phát âm ngọng nghịu đáng yêu của trẻ thường được cha mẹ bỏ qua. Song đôi khi đối với những từ phát âm ngoại ngữ chưa chính xác, cha mẹ và thầy cô giáo thường ngay lập tức sửa với mong muốn trẻ sẽ không lặp lại lỗi đó nữa. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy e thẹn, xấu hổ, ngại ngần, giảm sự thích thú trong học tập hơn là khi bạn cứ coi đó là điều tự nhiên và tự khắc trẻ sẽ nhận ra điều đó để hoàn thiện ngôn ngữ. Do đó, chúng ta nên tập trung nhiều vào việc trao đổi, truyền đạt thông tin chứ không cần thiết phải quá chú trọng đến độ chính xác của phát âm và ngữ pháp trong những lời nói của trẻ.

Học hai ngôn ngữ sẽ khiến trẻ lẫn lộn trong giao tiếp và nhận thức

Một số bậc phụ huynh bày tỏ sự lo ngại rằng: con cái họ học hai ngôn ngữ sẽ có thể bị lẫn lộn và gây ra sự bối rối trong giao tiếp và nhận thức. Thực tế là, ngôn ngữ nào sử dụng nhiều hơn về tần suất thì nó sẽ có hạn chế phần nào việc sử dụng ngôn ngữ còn lại. Trong trường hợp trẻ sống và học tập trong môi trường mà ngôn ngữ thứ hai (ngoại ngữ) chiếm số đông thì mặc dù có chút “pha trộn” trong sử dụng ngôn ngữ song về nhận thức thì không có chút nhầm lẫn nào cả. Trái lại, việc trẻ học và biết hai ngôn ngữ sẽ giúp trẻ tự tin hơn rất nhiều; đặc biệt là được tiếp cận thêm với những nền văn hóa, phong tục, tập quán và hệ tư tưởng khác. Điều này góp phần làm phong phú thêm thế giới quan, nhân sinh quan của trẻ.

Chỉ cần học ngoại ngữ qua sách vở, tài liệu, nghe đài, xem TV, băng đĩa là có thể học ngoại ngữ tốt

Bất cứ ngôn ngữ nào cũng đòi hỏi người học phải đảm bảo được 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Vì vậy, khi trẻ chỉ học ngoại ngữ theo hình thức gián tiếp thì kỹ năng nói sẽ bị hạn chế rất nhiều. Lời khuyên cho các bậc phụ huynh muốn con học ngoại ngữ tốt là cần cho trẻ được thực hành đầy đủ các kỹ năng ở môi trường có sự giao tiếp và tương tác với các trẻ có cùng mục đích học. Điều này cũng giúp trẻ tự tin hơn, mạnh dạn trong giao tiếp bằng ngoại ngữ khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Nguyên Nhi

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video