Cho ý kiến về Dự án Luật Bình đẳng giới

31/03/2006
Trong phiên họp thứ 38 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 27/3-5/4/2006,

sáng 30/3 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, thảo luận về dự án Luật Bình đẳng giới. Đây là lần thứ 7 Dự án Luật được chỉnh sửa sau khi đã tiếp thu các ý kiến góp ý về Dự thảo Luật. Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cũng đã tham dự.

 

Tại phiên họp, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Khiết đã trình bày tờ trình Quốc hội về Dự án Luật Bình đẳng giới; Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Bình đẳng giới. Tờ trình của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật bình đẳng giới của Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội đều nêu rõ quan điểm xây dựng dự án Luật này nhằm không phân biệt đối xử giữa nam và nữ trên mọi lĩnh vực. Nhiều ý kiến cho rằng cần loại bỏ tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" đã ăn sâu vào đầu óc của mọi người, mọi gia đình và mọi tầng lớp xã hội, vì vậy cần có một văn bản có giá trị pháp lý cao là luật để mọi người cùng chấp hành.

Về vấn đề tuổi nghỉ hưu của lao động nữ, theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, đến nay điều kiện kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, đời sống của nhân dân được cải thiện, dịch vụ xã hội đa dạng, phong phú, sức khoẻ, tuổi thọ của phụ nữ đã được nâng lên, vì vậy đã đến lúc không nên duy trì chính sách khác nhau quy định độ tuổi nam, nữ. 


Sau khi nghe các ý kiến thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau: Tên gọi của Luật; tuổi nghỉ hưu của người lao động; trách nhiệm quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết luận:

 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh Hội LHPN Việt Nam – đơn vị đã mạnh dạn đề xuất Dự án Luật và Ban soạn thảo đã chuẩn bị nghiêm túc, công phu. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến, tiếp tục chỉnh sửa Dự thảo Luật Bình đẳng giới trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video