Cô giáo Bản Liền – Dạy kĩ năng sống cho tuổi mới lớn rất quan trọng

26/12/2019
Chủ nhiệm lớp 9, cô giáo Trần Thị Tuyết Chinh trăn trở về việc dạy các em những kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình để các em có thể bước vào tuổi thanh niên một cách tự tin.
Cô giáo Trần Thị Tuyết Chinh đã có 12 năm gắn bó với nghề dạy học ở Bản Liền

Không muốn học sinh sớm nghỉ học lấy chồng

Nếu như nhiều người muốn con mình học hành đến nơi đến trốn và hoàn thiện số lượng bài vở khi còn ngồi trên ghế phổ thông là điều quan trọng nhất, thì riêng với cô Chinh, giáo viên trường Liên cấp 1 + 2 Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) lại lo lắng các em sẽ lấy chồng sớm, sức khỏe và tương lai bị ảnh hưởng. Dường như mỗi ngày cô đều dành thời gian tâm sự với học sinh, đặc biệt là học sinh nữ lớp 9 do cô giảng dạy về những vấn đề mà ở nơi đây nhiều người còn ngại nhắc tới.

"Ở đây hầu hết các em còn bỡ ngỡ với những tín hiệu tuổi dậy thì. Cơ bản là bố mẹ các em đều là người dân tộc Mông, Tày, Nùng nên cơ hội tiếp xúc với sách vở, công nghệ còn nhiều hạn chế. Cho nên nếu không dạy các em thì các em sẽ thiếu hụt cơ bản về kỹ năng để bước vào đời. Chính vì vậy, tôi luôn luôn trăn trở về điều này. Nếu như các em không được ai hướng dẫn, không biết gì rồi cứ thế sống theo bản năng, lấy chồng sớm, nghỉ học, sinh đẻ khi tuổi còn nhỏ… như vậy không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của các em mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội", cô Chinh trăn trở.

Cô giáo Trần Thị Tuyết Chinh sinh năm 1984, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai năm 2008, cho đến nay cô đã có gần 12 năm gắn bó với nghề dạy học ở Bản Liền. So với những người đã dạy học ở xã miền núi này, thì cô được coi là một trong những thầy cô giáo bám bản lâu nhất.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, là một trong số ít người dân tộc Nùng tham gia Chương trình phổ cập giáo dục ở những xã vùng sâu theo chính sách phát triển Giáo dục của UBND tỉnh, thời gian đó chiếm thêm của cô một năm học chuyên nghiệp, nhưng với cô đó chính là quãng thanh xuân tươi đẹp nhất, là hành trang cho cô bước vào nghề giáo với sự thấu hiểu và yêu thương đối với những trẻ em con em dân tộc miền núi.

"Từ Bảo Yên đến Bắc Hà cũng gần một trăm cây số, nhưng tuổi còn trẻ, chỉ cần được mang kiến thức đến với học sinh thì dù đi đâu tôi cũng thấy vui. Ngày ấy Bản Liền không được như bây giờ, đường xá đi lại khó khăn, cơ sở vật chất của trường còn đơn sơ, nhưng có trải qua những khó khăn ấy mới cảm nhận được sự gắn bó", cô Tuyết Chinh chia sẻ.

Ở Bản Liền chủ yếu là người dân tộc Mông, Tày, ngoài ra còn có một số dân tộc khác như Nùng, Cao Lan, Phù Lá. Các em bây giờ cũng hiểu biết nhiều so với lứa học sinh cùng tuổi cách đây chục năm. Còn người dân bản địa thì chân chất, yêu quý các thầy cô, người đã mang cái chữ về bản, dạy dỗ con em mình. Cô cho biết, giáo viên và các gia đình cũng thường đến thăm hỏi nhau, gắn chặt tình làng nghĩa xóm, cùng nhau bàn bạc phương pháp dạy dỗ các con, chính vì vậy không chỉ nhận được tình cảm đầm ấm từ thôn bản mà còn là điều kiện thuận lợi để giáo viên phối hợp với nhà trường dạy con.

Với cô học sinh như người thân, các em rất gần gũi và chân thành

"Bản thân tôi cũng là người dân tộc Nùng, nói được tiếng địa phương nên cũng tạo được sự gần gũi với các em. Có được lợi thế này, tôi tâm sự và lắng nghe các em nhiều hơn. Hiện tại trường có 15 phòng bán trú, nhiều nữ học sinh lớp 9, ở lứa tuổi mà nhiều người, kể cả cha mẹ cũng khó nắm bắt được tâm tư tình cảm. Ở tuổi vị thành niên các em cũng có nhiều thay đổi, cho nên các cô giáo thường gần gũi và chia sẻ những điều mình đã trải qua rồi tư vấn cho các em. Qua các tiết dạy, trong giờ sinh hoạt lớp giáo viên cũng lồng giáo dục kỹ năng sống cho các em. Điều tôi lo lắng nhất chính là làm sao cho các em tiếp thu và chấp nhận những thay đổi của tuổi mới lớn, làm chủ nó, để từ đó chủ động lựa chọn, định hướng cho tương lai của mình", cô cho biết.

Việc tư vấn cho các em khó hơn việc dạy học, bởi không chỉ một sớm một chiều các em có thể hiểu ra, nhưng cô Tuyết Chinh và các đồng nghiệp vẫn kiên nhẫn đến cùng, giúp các em hiểu vai trò của việc học, chỉ ra cho các em biết nếu ở nhà lấy chồng sớm sẽ thiệt thòi ra sao, tác hại thế nào về sức khỏe, tương lai, hạnh phúc. Ngày này qua ngày khác, hầu hết các em đã hiểu ra, những năm trở lại đây hầu hết không có học sinh bỏ học đi lấy vợ, lấy chồng. Nhiều em đã tiếp tục học hết cấp 3, đi học nghề. Có những học sinh học khá nhưng không có điều kiện kinh tế thì được cô tư vấn thi vào nội trú. Đặc biệt những năm gần đây nhà trường nhận được sự giúp đỡ của nhóm San sẻ đến từ Hà Nội, giúp đỡ hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có cơ hội tiếp tục học THPT thì cô luôn tận tình chỉ dẫn, định hướng cho các em

Chúng tôi gặp cô Tuyết Chinh trong một ngày cuối học kì I, trên nét mặt cô không dấu được niềm vui và tự hào. Cô xúc động chia sẻ các em học sinh khối 9 vừa trải qua kì thi học sinh giỏi cấp huyện, lớp cô có hai em tham gia và đều đạt học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn. Một kết quả đó thôi cũng là động lực rất lớn để cô cùng các đồng nghiệp có thêm niềm tin nghị lực tiếp tục cống hiến cho giáo dục xã Bản Liền.

Yêu nghề hơn nhờ hậu phương vững chắc

Cô có một tổ ấm hạnh phúc với các con và người chồng luôn hỗ trợ mọi việc

Gắn bó với ngôi trường hơn mười năm, dành trọn tình yêu cho học trò, cô Tuyết Chinh cũng may mắn được gia đình ủng hộ. Chồng và con cô ở thị trấn Bắc Hà, còn cô dạy ở Bản Liền, cách nhà gần 30 cây số, mỗi tuần cô chỉ về nhà khoảng hai đến ba lần, trong lúc đó chồng cô đảm nhận việc chăm sóc con cái, đưa chúng đi học, đón về…

Có hậu phương vững chắc, cô càng yên tâm dành hết tâm tư và tình cảm cho học sinh của mình. 10 năm qua, cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu Lao động tiến tiến. Năm 2018, cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video