Cơ quan nào giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài?

27/09/2009
Đây là một vấn đề còn những quan điểm khác nhau giữa ban soạn thảo dự án Luật Nuôi con nuôi với cơ quan thẩm tra và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xuất phát từ thực tế các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đang đảm nhiệm công việc “3 trong 1” (vừa tiếp nhận trẻ vào nuôi dưỡng, vừa tiếp nhận các khoản hỗ trợ nhân đạo của các tổ chức cá nhân nước ngoài, vừa trực tiếp giới thiệu trẻ làm con nuôi) dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực; dự thảo luật quy định, việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài được thực hiện tập trung thống nhất về Bộ Tư pháp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng giải thích thêm: “Việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài thực chất là một công đoạn trong tiến trình thủ tục cho - nhận con nuôi và nhất định phải do một cơ quan nhà nước đảm trách. Chúng tôi nghĩ giao cho Cục Con nuôi quốc tế của Bộ Tư pháp là hợp lý hơn cả”.
 
Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận không đồng tình: “Quy định như vậy không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Bộ cần làm tốt vai trò “người gác cổng” hiệu quả, còn việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài nên giao cho các tổ chức xã hội thực hiện”.
 
Thống nhất với quan điểm đặt quyền lợi của trẻ em được cho làm con nuôi lên hàng đầu, nhiều thành viên UBTVQH yêu cầu có quy định trẻ từ 9 tuổi trở lên được cho làm con nuôi phải được hỏi ý kiến, hơn nữa, phải có quyền lựa chọn người nhận nuôi.

Chủ nhiệm UB VHGD, TNTN-NĐ Đào Trọng Thi phát biểu: “Cần phải đưa ngay vào luật cách thức thích hợp để việc lấy ý kiến của trẻ đảm bảo thể hiện đúng suy nghĩ, nguyện vọng của các cháu, tránh hình thức”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước viện dẫn thêm các trường hợp người nước ngoài có quan hệ ruột thịt, thân thiết với trẻ được cho làm con nuôi hoặc người Việt Nam ở nước ngoài nhận con nuôi và cho rằng nên ưu tiên giải quyết cho những trường hợp này.

Đa số các ý kiến trong UBTVQH cho rằng, cần đưa vào luật này tất cả những quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành cũng như các văn bản dưới luật liên quan đến vấn đề nuôi con nuôi. Do vậy, có thể áp dụng việc “dùng một luật sửa nhiều luật” để hủy các quy định về nuôi con nuôi trong Luật Hôn nhân và Gia đình, đảm bảo sự chặt chẽ, tránh xung đột pháp luật.

Theo SGGP

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video