Con bị người thân xâm hại: mẹ phải làm gì?

28/09/2016
Sau khi phát hiện con bị xâm hại, nhiều bà mẹ như muốn phát điên, không thể bình tĩnh để biết phải làm gì cho đứa con non nớt vừa trải qua những giây phút kinh hoàng. Thậm chí người mẹ cũng cảm thấy đơn độc vì “yêu râu xanh” lại chính là người chồng, người cha trong gia đình.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung (Trung tâm y khoa Thái Hà, Hà Nội) vẫn nhớ như in câu chuyện của mẹ con chị Lê Thị Thúy (Hà Nội). Cách đây chưa lâu,  trong tâm trạng phẫn nộ, đau đớn chị Thúy đưa con gái hơn 3 tuổi đến phòng khám để nhờ các bác sĩ vá lại màng trinh vì lo lắng cho tương lai của con.

“Người mẹ khốn khổ ấy kể với tôi rằng, chị gửi con gái ở nhà với chú ruột, nhờ chú trông cháu để chị đi chợ. Về đến nhà, chú không thấy đâu còn cháu thì nằm vật vã, khóc thét, “vùng kín” bị chảy máu. “Chị Thúy đã rất hoảng loạn. Còn cô con gái bé nhỏ thì ngô nghê, chỉ bảo với tôi rằng con rất đau!”, bác sĩ Kim Dung kể lại.

Ngay khi nghe nguyện vọng của người mẹ về việc vá màng trinh cho con gái, bác sĩ Dung đã khuyên chị rằng, đây là việc chưa nên và chưa cần thiết làm ngay. Việc này có thể làm khi cháu lớn, còn hiện tại, tuyệt đối không nên gây thêm bất cứ tổn thương nào cho cháu. Đứa bé cần phải được quên đi nỗi đau này càng sớm càng tốt.

Bác sĩ Dung cho biết: “Với những bé gái 3 - 5 tuổi, các con gần như rất mù mờ về khái niệm “xâm hại tình dục”. Còn người mẹ, trong nỗi đau tột cùng, vừa thương con, vừa cảm thấy căm phẫn, muốn trả thù, muốn tố cáo kẻ ác đến cùng. Đây chưa hẳn là điều tốt nhất lúc này, bởi trả thù để được gì hay chỉ càng khiến đứa trẻ thêm tổn thương? Người lớn hãy tự giải quyết mọi việc mà tránh đưa đứa trẻ vào cuộc!”.

"Trường hợp mẹ có con bị xâm hại đến phòng khám không hề hiếm", bác sĩ Dung chia sẻ. Phần lớn các bà mẹ nói rằng, do quá chủ quan với chính người thân. Họ không dạy con mình về việc nhận diện hành vi xâm hại và thoát ngay ra khỏi nguy cơ.

Nhận diện “kẻ xâm hại”

Nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục ngày càng nhiều. Thế nhưng, không phải người mẹ nào cũng biết cách dạy con nhận diện kẻ xấu để con phòng tránh. Kẻ xâm hại không chỉ có người ngoài mà không ngờ và đáng lên án hơn là chính người thân trong gia đình.

Để nhận diện kẻ xâm hại là người ngoài, theo một chuyên gia tâm lý, mẹ cần dạy con về những rủi ro mà trẻ dễ gặp phải trong cuộc sống, trong đó có việc xâm hại tình dục. Mẹ có thể thay từ “xâm hại tình dục” bằng “xâm hại cơ thể” cho các con dễ hiểu. Đó đơn giản là “những hành vi động chạm đến con mà con không cảm thấy thoải mái, thấy khác thường, cảm thấy không đúng đắn…”

Trước hết, mẹ cần bắt đầu dạy con về “Phát hiện và tránh môi trường nguy hiểm”. Lấy ví dụ: “Giờ nếu con muốn giành đồ chơi của 1 em lớp dưới, con sẽ bắt nạt em đó ở chỗ nào? Trước mặt bố mẹ em đó? Trước mặt cô giáo? Hay…ở những chỗ nào càng vắng vẻ càng tốt?”. Dĩ nhiên câu trả lời là “chỗ vắng vẻ”. Vì vậy, con sẽ hiểu: “Khi người nào muốn xâm hại con, họ sẽ chọn chỗ vắng vẻ, ít người qua lại để dễ dàng che dấu hành vi của mình”.

Kẻ có ý định xâm hại sẽ muốn hướng ta vào môi trường vắng vẻ, khó phát hiện, khó kêu la và quan trọng là “khó có người trợ giúp”…Mẹ hãy nói với con rằng: “Con phải thông minh để nhận biết môi trường nào an toàn và môi trường nào có thể xảy ra rủi ro”.

Đặc biệt, mẹ hãy cảnh báo con, kẻ xâm hại có thể là người tốt hoặc xấu, họ có thể là người lạ hoặc là người mà con biết và tin tưởng. Hãy chỉ ra rằng, từ bé đến giờ, con chưa nghi ngờ ai cả. Từ bé, con mới chỉ biết người con quý và người con ghét. Giờ con cần có khái niệm nữa, đó là người không đáng tin cậy, đáng nghi ngờ. Mẹ sẽ dạy con, người không đáng tin cậy là người như thế nào.

- Loại thứ nhất là “Kẻ xâm hại do môi trường”. Có thể bắt đầu từ ví dụ, có 1 người đang cần tiền, anh ta đang phải nghĩ xem làm thế nào có tiền, thì đột nhiên có 1 đứa bé tay cầm tiền đi tung tăng trong ngõ vắng-đó là môi trường nguy hiểm mà mẹ đã đề cập đến. Lúc này, người đang cần tiền sẽ có khả năng nảy ra ý định cướp tiền của đứa trẻ. Vậy đó là do môi trường biến người kia thành kẻ xấu.

- Loại thứ hai “Kẻ xâm hại có chủ định từ đầu”. Loại này khác loại trên là nó không xuất hiện ý định xấu khi gặp môi trường nguy hiểm, mà ý định bắt nguồn ngay từ môi trường an toàn và kẻ xấu có thể đi theo đứa trẻ từ môi trường đông đúc đến khi vào môi trường nguy hiểm thì sẽ ra tay. Loại này đáng sợ hơn nhiều.

“Những cái bẫy” là thứ con trẻ thường dính phải. Bẫy có thể là đồ ăn ưa thích, 1 loại đồ chơi đặc biệt,1 bộ phim hoạt hình hay…và tất cả những thứ thường gây cho trẻ sự tò mò muốn khám phá, muốn được tiếp cận. Những cái bẫy này thường rất nguy hiểm.

Nên lặp đi lặp lại cho con hiểu, “kẻ xâm hại” không nhất thiết là người xấu, người đáng gét (loại thứ 2) mà có thể là người tốt và là người từ trước đến nay con vẫn tin tưởng (loại thứ nhất). Tuy nhiên, cả 2 loại trên đều có chung 1 điểm là “phải chọn môi trường nguy hiểm” mới có thể thực hiện được những điều không tốt. Vì vậy, điều con cần luôn nhớ là tránh xa những môi trường nguy hiểm để giảm nguy cơ nhiều nhất bị xâm hại tình dục.

Đối với trẻ xâm hại chính là người thân trong gia đình, nhiều khi không ngờ tới, làm thế nào để trẻ có thể phòng tránh? PNVN sẽ tư vấn với các mẹ và bé trong bài sau.

Để được hỗ trợ, tư vấn tại chỗ khi con có dấu hiệu bị xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại, tố giác tội phạm xâm hại tình dục, các mẹ có thể tiếp cận các kênh hỗ trợ sau:

- Đường dây nóng 18001567 của Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) có tổng đài viên trực 24/24h.

- Tổng đài tư vấn Thanh Tâm (Báo phụ nữ Việt Nam) 1900.599.933 hoặc đường dây nóng: 0941.70.7373.

- Tổng đài tư vấn CSAGA (Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, phụ nữ, gia đình và trẻ em): 1900.599.930.

- Đường dây nóng 1900.6568 Tổng đài luật sư tư vấn trực tiếp các vấn đề liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.

-Một số địa chỉ tin cậy khám sức khỏe sinh sản cho trẻ: Trung tâm y tế Thái Hà (Hà Nội), Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng…

Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, nếu con có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, có một số việc mà người mẹ cần làm ngay lập tức:

- Đưa con tránh ra khỏi môi trường gây hại càng sớm càng tốt.

- Tuyệt đối không hỏi thăm, không nhắc lại sự việc trước mặt con, thậm chí cần tạm lánh con ra khỏi người thân.

- Đặc biệt, sau mọi chuyện, người mẹ phải luôn ở bên cạnh con, không được rời con. Hãy dành nhiều thời gian để ở bên con, động viên vỗ về để con cảm thấy bình yên, an toàn và dần nguôi ngoai nỗi đau.

- Trẻ bị xâm hại có thể bị ảnh hưởng tâm lý cả đời, thậm chí bế tắc trong hôn nhân về sau. Vì thế, mẹ phải cực kỳ lưu tâm, tuyệt đối tránh việc trẻ bị xâm hại.

- Để tránh việc trẻ bị xâm hại, mẹ nên thận trọng mỗi khi gửi con, thậm chí gửi cho người quen. Vì có thể, chính những anh họ, bác họ lại là “yêu râu xanh” không ngờ tới. Do vậy, mẹ không nên để con một mình ở chỗ xa lạ, vắng người.

- Ngay từ khi con 2 tuổi, mẹ đã có thể dạy trẻ không để cho người ngoài mẹ cởi áo, quần, sờ vào những điểm nhạy cảm của cơ thể. Hãy gọi đúng tên các bộ phận cơ thể của con, giải thích để con hiểu, đừng cố nói tránh hay lơ đi.

Theo: Thu Hương - Dương Hà (Báo PNVN- HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video