Dự án tăng cường hỗ trợ tái hoà nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương

14/09/2020
“Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư trở về và gia đình của họ” là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với Hội LHPN Việt Nam, để bảo vệ được quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em trẻ em. Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc dự án chia sẻ.
Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam và bà Mihyung Park, Trưởng đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế khai mạc khóa tập huấn giảng viên nguồn về Quy trình vận hành và Tham vấn tại Văn phòng OSSO

Trong bối cảnh di cư trong nước và quốc tế có xu hướng gia tăng, bên cạnh những mặt tích cực thì di cư quốc tế cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết ở cấp độ quốc gia và liên quốc gia. Với chức năng là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam luôn nỗ lực để có thể bảo vệ được quyền lợi của các phụ nữ di cư hồi hương và các thành viên của gia đình họ, đặc biệt là trẻ em.

Theo các báo cáo, Việt Nam có số lượng công dân di cư ra nước ngoài hàng năm tương đối lớn, khoảng trên 500.000 người lao động. Trong đó, lao động nữ chiếm khoảng 30% tùy thị trường và giai đoạn. Hàng năm có hàng chục nghìn công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trên 90% là phụ nữ.

Tuy nhiên, khi trở về Việt Nam, nhiều trong số họ gặp khó khăn khi hòa nhập vào cộng đồng, có người thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì họ không áp dụng được các kỹ năng và kinh nghiệm đã học từ nước ngoài một cách phù hợp vào thị trường lao động trong nước. Tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm và các khó khăn khác như thiếu sự tư vấn về mặt pháp lý, tâm lý để người di cư hồi hương có thể giải quyết các vấn đề của mình và con cái của họ có thể đẩy họ trở lại nghèo đói, tổn thương nếu không có sự can thiệp và hỗ trợ thích đáng.

Đó là lý do dự án được thành lập để hỗ trợ Phụ nữ Việt Nam di cư trở về và gia đình họ, bao gồm phụ nữ di cư kết hôn và di cư lao động, đảm bảo tái hòa nhập bền vững.

Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam giới thiệu về các mục tiêu của dự án

4 mục tiêu của dự án

Dự án "Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư trở về và gia đình của họ" bao gồm 4 mục tiêu:

- Đề xuất xây dựng môi trường chính sách giúp hòa nhập thân thiện và bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ được cải thiện.

- Khuyến nghị về các chương trình phát triển và chính sách trong tương lai, bao gồm lộ trình để Hội LHPN Việt Nam trở thành trung tâm dịch vụ cho phụ nữ di cư hồi hương và xây dựng cơ sở dữ liệu về phụ nữ di cư hồi hương ở Việt Nam.

- Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ của Hội Liên hiệp phụ nữ và các bộ/ngành liên quan trong triển khai các hỗ trợ đối với phụ nữ di cư hồi hương, trong đó, có quản lý và vận hành Văn phòng hỗ trợ một cửa cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ.

- Thành lập 5 Văn phòng hỗ trợ một cửa dành cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ tại các địa bàn dự án được thành lập và đảm bảo các điều kiện vận hành.

Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam, bà Mihyung Park, Trưởng đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế và đại diện các lãnh đạo Hội, cán bộ dự án tham gia khóa tập huấn giảng viên nguồn về Quy trình vận hành và Tham vấn tại Văn phòng OSSO

Nâng cao năng lực cho cán bộ Hội

Kể từ lễ ra mắt Dự án vào tháng 3/2020 tới nay, mặc dù hoạt động trong bối cảnh Việt Nam và các nước đang phải dồn sức để đối phó với dịch bệnh Covid-19, nhưng bằng nỗ lực, quyết tâm, nhiều hoạt động quan trọng của Dự án đã được thực hiện trong thời gian qua. Cụ thể là: hoạt động nghiên cứu, khảo sát, Hội thảo vận động chính sách, thiết kế và thành lập Văn phòng Một Điểm dành cho phụ nữ di cư hồi hương (OSSO) tại 5 tỉnh thành phố.

Đặc biệt, trong 3 ngày, 14, 15 và 16/9, chương trình Tập huấn giảng viên nguồn về Quy trình vận hành và Tham vấn tại Văn phòng OSSO đã được Hội LHPN Việt Nam, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và KOICA tổ chức. Giảng viên hướng dẫn đào tạo là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong vận hành các Phòng tham vấn tại Việt Nam và nhiều năm làm việc với phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, những nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới…

Đây là dịp lãnh đạo các Hội LHPN, cán bộ dự án thuộc 5 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Cần Thơ, Hậu Giang) và Trung ương Hội LHPN Việt Nam tìm hiểu, nắm vững các kiến thức, kỹ năng thông qua các lý thuyết chuyên sâu về tham vấn, về vận hành Văn phòng; tham vấn, tư vấn cho khách hàng…

Dù hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhưng nhiều hoạt động quan trọng của Dự án đã được thực hiện

Đặc biệt, trong chương trình còn có phần thực hành và tham quan thực các mô hình phòng tham vấn đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn Hà Nội, để học viên hiểu thêm về nghĩa vụ, trách nhiện của người mang trên mình sứ mệnh của tổ chức hội là chăm lo, bảo vệ, đại diện cho phụ nữ và trẻ em gái.

Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc dự án cũng bày tỏ hy vọng các đại diện tham gia khóa tập huấn nói riêng và các cán bộ hội phụ nữ nói chung cùng nỗ lực, chung sức thực hiện dự án, giúp cho những người phụ nữ Việt Nam di cư hồi hương và thành viên gia đình họ thực sự được gắn kết bền vững với cộng đồng.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video