Giải pháp nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

03/07/2020
Hội thảo “Nâng cao tỷ lệ nữ ứng cử viên và nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” do TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Irish Aid, APHEDA, Australian Aid tổ chức tại Hà Nội vào sáng 03 tháng 7 năm 2020 có sự tham gia của đông đảo đại biểu đại diện đến từ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương; đại biểu, nguyên đại biểu Quốc hội; lãnh đạo Hội LHPN 24 tỉnh, thành phố, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cho biết, nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham mưu công tác cán bộ nữ, tham mưu đề xuất chính sách cho phụ nữ; nỗ lực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; chủ động góp ý, phản biện xã hội về giới trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; giới thiệu cán bộ nữ ưu tú cho Đảng; giới thiệu phụ nữ tiêu biểu làm nguồn ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân; tập huấn nữ ứng cử viên tiềm năng; nâng cao ý thức, trách nhiệm cho phụ nữ trong mỗi cuộc bầu cử...

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương khai mạc hội thảo

Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 – 2026, ngay sau khi đất nước bước vào giai đoạn “bình thường mới”, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như: Xây dựng bài giảng trực tuyến cho nữ ứng cử viên, tổ chức Hội thảo cán bộ nữ tại 12 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng, tổ chức gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV nhân kỳ họp thứ 9, trọng tâm là thảo luận các giải pháp để tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Đặc biệt, Hội đã cùng với tổ chức APHEDA tổ chức thành công Hội thảo “Nâng cao tỷ lệ nữ ứng cử viên và nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” tại thành phố Bắc Ninh vào tháng 5/2020.

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, thảo luận tập trung làm rõ các nguyên nhân, rào cản hạn chế cơ hội tham gia lãnh đạo, quản lý, tham gia cấp ủy, các cơ quan dân cử của phụ nữ; Chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến trong thực hiện công tác cán bộ nữ và giới thiệu nữ ứng cử viên như: công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện nguồn, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ nữ ứng cử…; Đề xuất giải pháp hữu hiệu giúp nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị ở Việt Nam, đặc biệt là tỷ lệ nữ ứng cử viên và nữ đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.

Các đại biểu cùng nhau chia sẻ, thảo luận tại hội thảo

Nhận diện nguyên nhân, rào cản hạn chế cơ hội tham gia lãnh đạo, quản lý, tham gia cấp ủy, các cơ quan dân cử của phụ nữ

Đây là vấn đề được các đại biểu quan tâm với nhiều ý kiến tham luận sâu sắc. Trong đó tập trung phân tích một số nguyên nhân như: Cơ chế, chính sách của Việt Nam vẫn còn những quy định hạn chế cơ hội thăng tiến của phụ nữ (tuổi nghỉ hưu đã có sự thay đổi song vẫn có sự khác biệt giữa nam và nữ); lộ trình thực hiện chậm ảnh hưởng đến cơ hội quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử; nguyên tắc bình đẳng về độ tuổi giữa nam vừa nữ chưa được áp dụng trong một số nguyên tắc cán bộ...).

Nhận thức của cấp ủy, nhất là người đứng đầu về công tác cán bộ nữ còn nhiều hạn chế, chưa sát sao, công tác kiểm tra giám sát chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tình trạng kết hợp các cơ cấu khác như trẻ tuổi, ngoài đảng, dân tộc thiểu số của ứng cử viên nữ nhiều hơn nam, song tỷ lệ trúng cử thấp hơn. Quan niệm “nam trưởng, nữ phó”, “trọng nam, khinh nữ” vẫn tồn tại ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người, là rào cản nặng nề đối với phụ nữ tham gia chính trị, đặc biệt là trong bổ nhiệm các vị trí chủ chốt, đứng đầu.

Đại biểu Hội LHPN tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội thảo

Thiếu hụt các dịch vụ xã hội hỗ trợ (giáo dục mầm non, y tế công cộng, giúp việc gia đình...) gián tiếp ảnh hưởng tới phụ nữ khi phải cân bằng giữa công việc xã hội với vai trò chăm sóc gia đình. Một bộ phận phụ nữ vẫn tự ti, chưa đủ mạnh dạn để khẳng định năng lực, một số chị em ưu tiên vai trò đối với gia đình hơn là phấn đấu công tác xã hội.

Hội LHPN Việt Nam chưa phát huy hết vai trò trong công tác phát hiện, giới thiệu, đặc biệt là bồi dưỡng cho nữ ứng cử viên còn gấp gáp, chưa chú trọng bồi dưỡng kỹ năng cơ bản, cần thiết cho nữ ứng viên. Thiếu những nghiên cứu chuyên sâu về công tác cán bộ nữ...

Đâu là giải pháp?

Bà Tạ Thị Yên, Vụ trưởng vụ Công tác đại biểu Văn phòng Quốc hội: Để có một người phụ nữ đủ tiêu chuẩn làm đại biểu dân cử đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, cần quan tâm xây dựng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt từ sớm; thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ đảm bảo tính liên tục, bền vững; Đồng thời rà soát số lượng nữ đại biểu Quốc hội đủ tuổi tái cử, xem xét bố trí tỷ lệ thích hợp để giới thiệu một số nữ đại biểu QH không đủ tuổi tái cử hoặc các chuyên gia, nhà khoa học tham gia ứng cử Đại biểu QH chuyên trách với tư cách là những nhà chuyên gia giàu kinh nghiệm nhằm tăng dần số ĐBQH chuyên trách, tăng tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Bà Tạ Thị Yên, Vụ trưởng vụ Công tác đại biểu Văn phòng Quốc hội

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em: Hội LHPN Việt Nam có vai trò nòng cốt trong công tác cán bộ nữ. Chính vì vậy, người đứng đầu tổ chức Hội các cấp cần tham gia đầy đủ các cuộc hiệp thương; nắm vững yêu cầu cần đạt được của từng cuộc hiệp thương theo quy định của pháp luật, bảo đảm danh sách sơ bộ cũng như danh sách chính thức người ra ứng cử phải đạt tỷ lệ nữ theo quy định; tham gia đầy đủ các cuộc giám sát bầu cử của Hội đồng, Ủy ban bầu cử và thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em

Ông Đỗ Mạnh Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Phải nghiêm túc quán triệt nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, tránh bệnh thành tích và quan tâm tới tính đặc thù. Phải nhận thức được tỷ lệ nữ tham gia chính trị không phải là để cho “đẹp” mà thực chất là vai trò tích cực, đóng góp quan trọng của phụ nữ trong phát triển kinh tế- xã hội.  Một giải pháp căn cơ là phải tránh tình trạng “ăn đong, ăn sẵn” mà phải chủ động tạo nguồn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có quy hoạch mang tính dài hơi để chủ động được về nguồn cán bộ nữ. Đặc biệt, để đạt được tỷ lệ nữ trúng cử là 30% thì tỷ lệ nữ ứng cử viên được quy định trong Luật là 35% chưa phù hợp, cần nâng tỷ lệ nữ ứng cử viên lên 40-45%.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương: Phải có chính sách quan tâm, tạo mọi điều kiện để phụ nữ chủ động vươn lên khắc phục những khó khăn của bản thân, vự tươn lên khẳng định mình trong cuộc sống và công tác. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, trước hết là quy định về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, kịp thời phát hiện những hạn chế, nguyên nhân để có những giải pháp kịp thời về công tác cán bộ nữ.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương

Các ý kiến tại hội thảo sẽ được Hội LHPN Việt Nam tiếp thu, tổng hợp, trở thành một trong những cơ sở để Hội tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Quốc hội những giải pháp về công tác cán bộ nữ nhằm đảm bảo chỉ tiêu về tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng, tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV và tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.

Vũ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video