Giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn: Đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, nhân rộng mô hình kinh tế gia đình

06/10/2011
Tốc độ đô thị hoá nhanh cùng sức ép thu hẹp đất canh tác đã làm nhiều nông dân ngoại thành thiếu việc làm, trong đó có tới 50,3% số lao động nữ. Vì vậy, giải quyết việc làm lao động ngoại thành trong đó chủ yếu lao động nữ là vấn đề “nóng” hiện nay…

Đào tạo nghề phù hợp

 

Chủ tịch Hội LHPNxã Tam Hưng (Thuỷ Nguyên) Đỗ Thị Nhưng cho biết: “Phần lớn ruộng đất ở xã được thu hồi phục v ụ dự án Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng và một số dự án phát triển kinh tế, xã hội khác. Nông dân hết ruộng sản xuất gặp nhiều khó khăn về nguồn thu nhập, nhưng cực nhất vẫn là lao động nữ. Ngoài số ít lao động trẻ được ưu tiên nhận vào làm việc ở nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn, nhiều chị em phải tìm kế mưu sinh khác.

 

Để có nguồn thu nhập cho gia đình, nhiều lao động phải vất vả, bươn trải bán hàng rong trên các tuyến phố, giúp việc gia đình hoặc đi phụ xây”….Không chỉ ở xã Tam Hưng mà ở khu vực ven đô, một số quận chia tách, thành lập mới như quận Dương Kinh, Hải An, Đồ Sơn, đất canh tác bị thu hồi lớn, dẫn đến tình trạng lao động nữ di cư ra thành thị ngày một tăng. Thậm chí ở nhiều vùng nông thôn, do không có nghề phụ sau mùa vụ, nhiều lao động nữphải ra nội thành làm thêm, gây mất cân bằng tỉ lệ lao động tại các địa phương.

 

Giải quyết vấn đề này, thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân mất đất như: hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm, nhất là lao động nữ. Thành phố đang triển khai đề án đào tạo nghề lao động nông thôn, trong đó ưu tiên lao động nữ.

 

Theo Trưởng phòng dạy nghề Sở Lao động -Thương binh-Xã hội Nguyễn Hữu Cường, từ đầu năm 2011 đến nay, Sở phối hợp với chính quyền địa phương ở huyện An Dương, Vĩnh Bảo (hai huyện thí điểm triển khai mô hình đào tạo nghề lao động nông thôn) và 17 cơ sở dạy nghề khai giảng 76 lớp dạy nghề với 2628 lao động tham gia. Khi tổ chức các lớp này, ưu tiên lao động nữ, lao động trẻ, giúp chị em tiếp cận mô hình sản xuất mới như trồng nấm, may mặc và một số nghề thủ công khác… Phần lớn lao động nữ sau khi được đào tạo nghề tìm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định”.

 

Giúp làm giàu trên mảnh đất quê hương

 

Theo Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN thành phố Đỗ Thanh Lê, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, nhất là phụ nữ nông thôn, các cấp Hội tích cực triển khai đề án “Dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp”. Sau 5 năm thực hiện đề án (2006-2011), Trung tâm dạy nghề phụ nữ thành phố chủ động phối hợp với Trường cao đẳng cộng đồng, các trung tâm dạy nghề của Hội LHPN các quận, huyệnmở 71 lớp đào tạo nghề 2.054 phụ nữ nông thôn, giới thiệu việc làm 1.876 người với mức thu nhập ổn định.

 

Ngoài hỗ trợ lao động nữ nông thôn có đất bị thu hồi phục vụ dự án, các cấp Hội LHPNgiúp chị em ổn định cuộc sống mà không nhất thiết phải “ly hương”. Những hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương đạt hiệu quả cao của Hội LHPN huyện Tiên Lãng là một ví dụ. Từ năm 2006-2011, các cấp Hội phối hợp với Hội Nông dân và Trung tâm khuyến nông huyện tổ chức hơn 2 nghìn lớp tập huấn chuyển giao khoa học -kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Không ít chị em quen với nếp nghĩ, cách làm truyền thống, ngại thay đổi, sợ thất bại, sợ thua lỗ.

 

Vì vậy, ngoài công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức, Hội LHPN huyện vận động gia đình cán bộ Hội LHPNvà hội viên làm nòng cốt gương mẫu thực hiện thí điểm các mô hình mới. “Trăm nghe không bằng một thấy”, chị em dần có niềm tin, mạnh dạn xây dựng các mô hình cũng như áp dụng khoa học -kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, tăng năng suất trên diện rộng.

 

Hội LHPN huyện còn tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ 6.213 hội viên vay vốn phát triển kinh tế với tổng dư nợ gần 66 tỷ đồng; 4 nghìn lượt hội viên được vay vốn không lãi. 95%số chị em vươn lên thoát nghèo từ mô hình phát triển kinh tế, trở thành chủ doanh nghiệp, chủ trang trại lớn, giải quyết việc làm bảo đảm thu nhập cho hàng chục lao động như mô hình nuôi cá giống, cá cảnh của gia đình chị Ngô Thị Lụa ở xã Tiên Minh; mô hình trồng nấm của chị Lê Thị Hằng ở xã Quang Phục…

 

Thực tế cho thấy, đào tạo nghề lao động nông thôn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, làm dịch vụ, xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương…vẫn là những giải pháp khả thi góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn, khắc phục tình trạng “ly hương”, giảm sức ép dân số đối với đô thị đồng thời ổn định tình hình kinh tế-xã hội địa phương.

Theo baohaiphong.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video