Giữ vững giá trị của người phụ nữ trong cách mạng công nghiệp 4.0

11/09/2018
“Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), con người phải là trung tâm và việc ứng dụng các công nghệ để phục vụ cuộc sống của con người. Thúc đẩy CMCN 4.0 không đồng nghĩa với việc con người sẽ trở thành nô lệ của robot và trí tuệ nhân tạo mà cần giữ vững các giá trị nhân văn, đặc biệt là các giá trị của người phụ nữ”.

Đây là một trong những nội dung được Giáo sư Klaus Schwab - Người sáng lập, Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới - cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 27 về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.

Theo ông Klaus Schwab, nền kinh tế, quốc gia nào tận dụng được trí tuệ nhân tạo (AI) một cách tối đa, nền kinh tế, quốc gia đó sẽ có sức cạnh tranh “khổng lồ”. Ông Klaus Schwab cũng chỉ ra rằng, việc xuất hiện siêu máy tính di động trở nên phổ biến, robot thông minh, xe tự lái, công nghệ thần kinh tăng cường chức năng cho não bộ và chỉnh sửa gen di truyền… là những bằng chứng về sự thay đổi chóng mặt này đang hiện hữu ở xung quanh chúng ta và xảy ra ở tốc độ ngày càng nhanh. Những công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối, robot… sẽ định hình lại phương cách sản xuất, hình thức tiêu thụ, cách thức giao tiếp, thậm chí là cách sống, định nghĩa lại xem chúng ta là ai.

“Hiện nay, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này về cơ bản đang thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và kết nối với nhau”, ông Klaus Schwab nhấn mạnh.

Người sáng lập WEF kêu gọi thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng và thế hệ trẻ trên thế giới nói chung tiếp tục nỗ lực để nắm bắt những cơ hội lớn mà CMCN 4.0 đem lại. Ông khẳng định, thúc đẩy cuộc cách mạng này không đồng nghĩa với việc con người sẽ trở thành nô lệ của robot và trí tuệ nhân tạo mà cần lấy con người làm trung tâm, trao quyền cho họ. Cần giữ vững các giá trị nhân văn, đặc biệt là các giá trị của người phụ nữ.Con người sẽ làm chủ công nghệ mới, hiện đại, từ đó xây dựng nền tảng công nghệ phục vụ cộng đồng, xã hội.

Cuộc CMCN 4.0 với kỹ thuật số, tự động hóa... đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với nguồn lao động trong tương lai, đặc biệt là lao động nữ. Trao quyền năng cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ trong kinh tế chính là động lực cho phát triển bền vững và bao trùm trong khu vực ASEAN. Cần khuyến khích các doanh nghiệp cải cách để bảo vệ người lao động trước sự phát triển mạnh mẽ của quá trình tự động hóa. Tuy nhiên, bản thân lao động nữ cần chủ động học hỏi nâng cao kiến thức, tay nghề, trình độ ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng cần thiết trong công việc như kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo…

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018, Diễn đàn mở với chủ đề “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, đã diễn ra với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các thanh niên, sinh viên đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Ông Klaus Schwab nhấn mạnh rằng, trong tương lai, các quốc gia thành công là các quốc gia có thể nắm bắt cơ hội, ưu thế mà cuộc CMCN 4.0 đem lại. Các quốc gia cần xây dựng những chính sách cần thiết, khuyến khích tinh thần của cộng đồng doanh nhân trong xã hội; cởi mở trước những sự thay đổi. Thế hệ trẻ chính là những người sẽ thích ứng và ứng dụng công nghệ mới nhanh nhất. Đây là nền tảng cần thiết khi xây dựng hệ sinh thái về tinh thần doanh nhân. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc nền kinh tế của mỗi quốc gia bởi đây chính là động lực của công nghệ mới.

Ông Klaus Schwab cho biết Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang hợp tác trong nhiều dự án mới để đảm bảo sự hỗ trợ cần thiết cho những doanh nghiệp khởi nghiệp có môi trường trao đổi sáng tạo và tương tác với nhau hiệu quả hơn.

 chu-ngoc-anh.jpg

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại Diễn đàn


Phát biểu tại Diễn đàn mở, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh cả thế giới đang trong xu hướng tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế dựa trên sự phát triển, những thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các công nghệ trọng tâm của cuộc CMCN 4.0, đã và đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội. CMCN 4.0 tạo ra cơ hội cho giới trẻ ASEAN phát huy năng lực trí tuệ, sáng tạo để biến thách thức thành thời cơ, chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm và gặt hái thành công trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam Chu Ngọc Anh cho biết thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã xác định các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là đối tượng trung tâm của nền kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững…

Trong quá trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động của mình, Việt Nam luôn mong muốn được hợp tác và đồng hành cùng với WEF và các nước ASEAN, sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp, các nguồn lực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước với mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong toàn ASEAN và trên toàn thế giới.

Tại Diễn đàn mở, các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các thanh niên, sinh viên đã tập trung trao đổi và thảo luận những ý tưởng, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và các đối tác toàn cầu để đưa khu vực Đông Nam Á thực sự trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ động kiến tạo, làm chủ và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, góp phần xây dựng nền kinh tế, xã hội các quốc gia ASEAN ngày càng trở nên thông minh, hiệu quả hơn.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video