Giữa quy định của pháp luật và việc thực hiện còn khoảng cách

09/11/2017
Sáng 9.11, tiếp tục Phiên thảo luận tại Hội trường về thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, nhiều ĐBQH nhất trí cho rằng, hệ thống pháp luật về bình đẳng giới thời gian qua đã tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vẫn còn khoảng cách về giới.

Sáng 9.11, tiếp tục Phiên thảo luận tại Hội trường về thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, nhiều ĐBQH nhất trí cho rằng, hệ thống pháp luật về bình đẳng giới thời gian qua đã tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vẫn còn khoảng cách về giới. Vi phạm các chính sách, pháp luật đối với lao động nữ là khá phổ biến.

Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới được xây dựng và cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với điều kiện KT-XH và xu thế hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ mới. Khoảng cách giới giữa nam và nữ trong các lĩnh vực dần được thu hẹp. ĐBQH Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho biết, QH Khóa XII có 16/67 luật, QH Khóa XIII có 42/105 luật có lồng ghép bình đẳng giới. Đây là sự tiến bộ. Cùng quan điểm này, ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) cho rằng, hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, hoàn thiện, trong đó có nhiều chính sách đặc thù với phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng chỉ rõ, tình trạng ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa đủ, có văn bản thiếu tính khả thi, hoặc khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện, hoặc chậm được điều chỉnh, thay thế cho phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan. Giữa quy định của pháp luật và việc thực hiện còn có khoảng cách. Vẫn còn một số chỉ tiêu không đạt như phụ nữ tham gia cấp ủy, cán bộ chủ chốt, ngay cả thành viên Chính phủ tới nay cũng chỉ có duy nhất một nữ, chỉ có 16/63 tỉnh, thành cán bộ chủ chốt có nữ, ĐB Trương Minh Hoàng chỉ rõ.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, dù có chủ trương, chính sách về bình đẳng giới, hệ thống văn bản được ban hành nhiều, nhưng hiệu quả còn thấp. Để xảy ra tình trạng này có nguyên nhân do nhận thức và hành động về bình đẳng giới chưa đồng hành, quá trình tổ chức chưa quyết liệt, thiếu kiên quyết và chưa cụ thể, còn hình thức. Nhiều lãnh đạo các cấp khi xét duyệt quy hoạch đào tạo, đề bạt bổ nhiệm không chú trọng, không quan tâm đến vấn đề giới, thiếu tạo điều kiện cho nữ. Thậm chí, có những Đoàn ĐBQH có 2 nhiệm kỳ không có đại biểu nữ…

Quan tâm đến vấn đề việc làm cho nữ giới, ĐB Trương Thị Bích Hạnh cho biết, về thanh tra, kiểm tra về bình đẳng giới, Báo cáo của Chính phủ cho thấy, qua thanh tra của 152 đơn vị dệt may, có tới 55 doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nữ, chiếm 36%, 12 địa phương được thanh tra có 6 địa phương có doanh nghiệp vi phạm, chiếm 50%. Thực tế này cho thấy, vi phạm các chính sách, pháp luật đối với lao động nữ là khá phổ biến. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động và sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, Báo cáo chưa thể hiện xử lý đối với các trường hợp vi phạm đối với các trường hợp vi phạm đối với chính sách lao động nữ trong thời gian vừa qua. 

ĐBQH Trương Anh Tuấn (Nam Định) nhấn mạnh, mục tiêu của bình đẳng giới là không phân biệt đối xử, tạo sự công bằng về cơ hội cho nam và nữ. Có quan niệm cho rằng, phụ nữ là phái yếu, đàn ông là phái mạnh nên công tác bình đẳng giới là bảo vệ bênh vực phụ nữ. Nhưng thực tế khi nói về bạo hành gia đình không chỉ có nạn nhân là phụ nữ và trẻ em, mà thực tế có những nạn nhân bị bạo hành là nam. Do vậy, theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương, chúng ta cần có nhận thức rõ về giới, vì các báo cáo hiện nay mới đề cập đến bạo lực đối với nữ giới mà chưa đề cập khía cạnh này đối với nam giới.

daibieunhandan.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video