Giúp con biết tự vệ

15/11/2013
“Nếu một lần nữa gặp tình huống như hôm qua con sẽ làm gì?”. Bin luống cuống: “Con cũng chưa biết được”. Nhìn cậu con trai 10 tuổi với những vết xây xát trên mặt, tay và chân, nét mặt vẫn chưa hết hốt hoảng, chị Hà (Q.3, TP.HCM) không khỏi xót xa.

Hôm qua, hai mẹ con từ trường về, chị để con ngoài cổng, còn chị đi chợ mua thêm mấy thứ. Chị cứ nghĩ như vậy là an tâm rồi, vậy mà một sự cố đã xảy ra, chị không thể ngờ được. Cu cậu vừa mở cổng thì phát hiện cửa nhà mở, nghĩ là có kẻ trộm nên cậu lao vào nhà. Kẻ trộm bị bất ngờ và tấn công cậu để tẩu thoát. Cậu bị xây xát và ngồi ở nhà vừa khóc vừa chờ mẹ về. Chị Hà bây giờ mới hiểu, chị cứ lo dạy con tự bảo vệ mình, quên dạy con kỹ năng tự vệ khi có những bất trắc xảy ra.

Dạy trẻ biết bảo vệ mình để luôn an toàn và khỏe mạnh là điều quan trọng. Dạy con biết xử lý với những tình huống nguy hiểm bất ngờ và bị người khác tấn công cũng rất cần thiết. Nhiều bố mẹ nghĩ rằng, con mình chỉ cần biết cách để đối phó với kẻ gian ác là đã bảo vệ được mình. Nhưng nhiều đứa trẻ do không lượng được sức mình, cố gắng dùng sức lực để chống cự nên từ thế chủ động đã trở thành bị động. Cần dạy cho con biết người chiến thắng là người biết làm chủ tình thế, bình tĩnh trước mọi tình huống bất ngờ, người mưu trí và dũng cảm. Trẻ có khả năng tự vệ là trẻ biết xử lý tình huống một cách khôn khéo để tự bảo vệ mình.

Khi một đứa trẻ gặp một đối tượng lớn hơn, khỏe hơn và hung dữ thì trẻ không thể mạo hiểm để đọ sức. Nhiều khi trẻ cần biết “giả chết”, biết tỏ thái độ ngây thơ, dễ thương, không có phản ứng gay gắt để đánh lừa kẻ mạnh. Thường khi thấy một đứa trẻ yếu ớt, vô sự thì kẻ gian sẽ chủ quan, và chắc chắn chúng sẽ không làm liều. Cho dù kẻ gian đột nhập vào nhà với mục đích gì, thì chúng cũng không muốn trở thành người phạm tội với tội danh cao nhất. Trừ những kẻ tâm thần, không làm chủ được hành vi của mình. Nhưng nếu thái độ, sự phản ứng gay gắt của trẻ như gào thét, lao vào cắn xé hoặc dùng vũ khí tấn công thì kẻ xấu bắt đầu bị kích động. Nhận thấy nguy hiểm cho bản thân, chúng sẽ ra tay làm tổn thương những đứa trẻ vốn không phải là đối tượng chúng nhắm ban đầu. Chúng bị dồn vào thế phải tấn công để bảo vệ mình. Vì vậy nên dạy trẻ biết bình tĩnh và lanh trí để thoát khỏi những tình huống bất ngờ.

Nhiều đứa trẻ chỉ biết khóc mà không biết kêu gọi chi viện khi cần. Có trẻ còn khai ngay những điều bất lợi cho mình khi kẻ gian chưa kịp hỏi. Để an toàn trẻ cần biết chủ động. Ví dụ khi phát hiện kẻ lạ vào nhà mình, việc đầu tiên là phải xác định lối thoát hiểm, nơi mà trẻ có thể lánh nạn. Trẻ có thể nhắn tin, thay vì ồn ào gọi điện. Hoặc khi phát hiện điều gì đó bất thường đáng nghi ngờ thì trẻ phải nhanh chóng rời khỏi nhà để tìm sự hỗ trợ từ người ngoài. Trẻ biết đánh lạc hướng để kẻ gian băn khoăn, nghi ngờ nhận định ban đầu của mình và chúng có thể hoang mang. Trong lúc kẻ gian lúng túng thì trẻ tìm cách để thoát hiểm. Hoặc khi gặp kẻ hung dữ đang đe dọa tính mạng, hãy nhìn vào họ và nở một nụ cười xã giao để làm dịu cơn hung hăng. Nếu tỏ ra quá sợ sệt thì chúng sẽ thừa thắng xông lên. Nếu quá vênh vang thì chúng nghĩ mình thách thức và sẽ xả cơn tức giận cho bõ tức. Thái độ vừa phải của trẻ sẽ khiến kẻ gian không bị kích động và “mủi lòng”. Con của chúng ta sẽ ít bị nguy hiểm hơn.

Những kẻ gian luôn sợ người khác phát hiện ra hành động của mình. Chúng cũng bị động khi gặp những phản ứng bất ngờ và sẽ có những phản ứng quá mức cần thiết. Dạy trẻ biết tự vệ là dạy trẻ biết nhận ra những tình huống nguy hiểm; luyện cho trẻ có được sự nhạy bén trước những điều bất lợi; dạy cho trẻ biết cách né tránh những cuộc chiến đấu không cân sức. Trẻ phải biết những bất lợi của mình.

Theo phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video